Từ việc cô giáo Ngữ Văn bị xúc phạm trên mạng, nghĩ về truyền thống tôn sư trọng đạo

Vừa qua, nhiều người dùng mạng xã hội (MXH) đã chia sẻ hình ảnh, video clip về cô giáo Ngô Thúy Trình (1950), một giáo viên dạy Ngữ Văn đã lớn tuổi. Dù đã về hưu nhiều năm nhưng cô Trình vẫn đam mê với nghề giáo và yêu thích văn chương.
Bí kíp chinh phục điểm cao môn Ngữ Văn cho kỳ thi vào lớp 10 Học sinh nhốt, xúc phạm cô giáo: Không thể chấp nhận được! Tôn sư trọng đạo - truyền thống văn hóa quý báu của người Hà Nội

Phẫn nộ trước những bình luận thiếu tôn trọng người thầy

Cô Trình đã mở một kênh Tiktok chuyên đăng tải những video giảng dạy các tác phẩm thơ, truyện theo chương trình giáo dục phổ thông và cách làm các dạng bài nghị luận văn học, xã hội,... rất chi tiết và dễ hiểu. Việc làm quen với MXH ở độ tuổi của cô giáo Trình là thử thách khá lớn khi cô đã tự quay video, chuẩn bị bài giảng, trang phục chỉnh tề và thường xuyên trả lời bình luận, giải đáp các thắc mắc của các bạn trẻ yêu Văn.

Từ việc cô giáo Ngữ Văn bị xúc phạm trên mạng, nghĩ về truyền thống tôn sư trọng đạo
Cô giáo Ngô Thúy Trình trong "giờ lên lớp" online với trang phục chỉnh tề, kiến thức được viết sẵn trên bảng đen một cách khoa học và bài bản

Tuy nhiên, do chưa thạo về công nghệ, cô giáo Trình vẫn sử dụng hệ thống micro và loa cũ, khiến chất lượng âm thanh chưa tốt. Nhưng đáng buồn là ở dưới những bài giảng tâm huyết của cô, nhiều tài khoản bình luận những lời lẽ vô cùng khó nghe như “Lời giảng vọng từ...cõi âm” hay “Em không thấm nổi cô ơi”, “Nghỉ hưu rồi, nghỉ thôi cô, dạy dỗ gì nữa”, “Cô mà dạy văn cho lớp em thì 10 tiết em ngủ cả 10”...

Tôn trọng thầy cô - đạo làm người

Nhiều người dùng MXH đã không khỏi bất ngờ, khó hiểu và phẫn nộ trước những bình luận khiếm nhã trên các video của cô Ngô Thúy Trình. Họ không hiểu những bạn trẻ này suy nghĩ gì để rồi buông lời bỡn cợt, kém duyên trước công sức và tâm huyết của một giáo viên yêu nghề như cô Trình. Thậm chí, những tài khoản này còn rất “tự hào” đáp trả các comment chê trách của cộng đồng mạng, cho rằng mọi người “làm quá” vấn đề và bình luận vô ý tứ kia chỉ để “cho vui”.

Từ việc cô giáo Ngữ Văn bị xúc phạm trên mạng, nghĩ về truyền thống tôn sư trọng đạo
Nhiều comment khiếm nhã, xúc phạm nặng nề đến cô Trình dù những bạn trẻ này không hề quen biết cô giáo

Chị Lê Thị Thùy (Hoàn Kiếm) bức xúc: “Khi xưa còn ngồi ghế nhà trường, chưa bao giờ mình dám nói “hỗn”, đùa cợt trêu chọc giáo viên như vậy. Không phải là các thầy cô xa cách với học sinh, mà đó là sự tôn trọng tối thiểu, hiển nhiên mà một học sinh cần dành cho nhà giáo. Ngày nay, thế hệ giáo viên mới cởi mở với học sinh hơn, tạo ra môi trường học đường gần gũi, thân thiện giữa thầy và trò. Tuy nhiên các bạn không thể coi hành vi “cá mè một lứa”, ứng xử thiếu lễ độ với thầy cô là một điều “trẻ trung”, “thoải mái” hay “giải trí”. Các thầy cô luôn muốn “xích lại” gần hơn với giới trẻ, học sinh có thể coi thầy cô là những người bạn, nhưng không có nghĩa các bạn được quyền xúc phạm, bỡn cợt giáo viên như vậy”.

Bạn Ngô Mai Trang (THPT Chuyên Thái Bình) chán nản nói: “Là một học sinh chuyên Văn, em hiểu môn học này đôi lúc khiến các bạn nản và “buồn ngủ”. Cô Trình là một giáo viên rất tâm huyết với hàng loạt kiến thức được đúc rút từ kinh nghiệm giảng dạy lâu năm của cô. Việc cô nỗ lực đứng lớp ở độ tuổi đó cho thấy cô rất nhớ nghề và yêu các học sinh dù chưa gặp chúng em lần nào. Cô sẵn sàng trả lời hết các comment (bình luận) thắc mắc về kiến thức và giải đáp những vấn đề khó mà chúng em gặp phải. Một cô giáo nhiệt huyết như vậy, chúng em đâu thể đòi hỏi gì hơn? Tại sao các bạn trẻ lại “vô ý tứ” đến mức xúc phạm người đáng tuổi ông, bà mình, xúc phạm tấm lòng của cô dành cho học sinh? Các bạn đang nghĩ gì trong đầu vậy?”

Bên cạnh comment khiếm nhã, nhiều người cũng vào kênh Tiktok của cô giáo Trình, để lại những lời cảm ơn và bày tỏ sự kính trọng, ngưỡng mộ đối với tâm huyết của một nhà giáo. Các bạn trẻ đã cho thấy sự tích cực và tấm lòng “tôn sư, trọng đạo”, không ngừng an ủi cô giáo bằng những chia sẻ ấm áp, đua nhau “xin” làm học trò của cô.

Từ việc cô giáo Ngữ Văn bị xúc phạm trên mạng, nghĩ về truyền thống tôn sư trọng đạo
Cũng có nhiều người tỏ lòng kính phục và biết ơn cô giáo

415 ngày, 14 tháng, 185 video dạy học cẩn thận, chi tiết và đặc biệt là “0 đồng học phí”, cô giáo Ngô Thúy Trình vẫn đều đặn lập giáo án, trình bày bảng đen rất chi tiết, khoa học và mang tới những tiết học ngắn bổ ích đến hàng chục nghìn bạn trẻ. Nhiều học sinh yêu môn Ngữ Văn bày tỏ trong phần bình luận, nhờ những bài giảng của cô Trình, các bạn có cơ hội được hệ thống lại kiến thức, có thêm nguồn thông tin “đắc lực” để ôn luyện bài bản, chuẩn bị sẵn sàng cho những kỳ thi quan trọng sắp tới.

Đáp lại tình cảm của các em học sinh, cô giáo Trình chia sẻ: “Tôi nghĩ việc phát công khai video trên Tiktok sẽ giúp học trò có thể xem bài giảng miễn phí thay vì bỏ tiền ra mới được đi học. Ngày nay, giới trẻ thường xem các video trên mạng để giải trí nhưng ít quan tâm đến các nội dung giáo dục. Hi vọng các video giảng dạy của tôi sẽ giúp các em quan tâm đến việc học Văn hơn”.

Từ việc cô giáo Ngữ Văn bị xúc phạm trên mạng, nghĩ về truyền thống tôn sư trọng đạo
Trang Tiktok của cô giáo Ngô Thúy Trình đang nhận được rất nhiều sự quan tâm, ủng hộ từ cộng đồng bạn trẻ

Cô Trình cũng bày tỏ suy nghĩ khi được hỏi về các bình luận tiêu cực bên dưới video. Cô cho biết, bản thân không cảm thấy buồn, mà lại có thêm động lực để “cảm hóa” những bạn trẻ còn “coi thường” môn Văn hơn.

“Khi quay, dựng video, tôi không rành công nghệ nên khi nói lỗi, nói sai thường phải quay lại từ đầu do không biết cắt, sửa. Tôi rất hiểu và thông cảm cho các bạn trẻ với lối suy nghĩ hiện đại, phóng khoáng nhưng có chút bồng bột, nông nổi. Các em cũng như con, cháu của tôi. Việc của một nhà giáo là truyền tải kiến thức một cách đầy đủ, cụ thể nhất, làm sao cho học sinh hiểu và hứng thú với bài giảng. Những lời chê bai, đùa cợt không khiến tôi phiền lòng nhiều. Ngược lại, tôi coi đó là những góp ý để cải thiện chất lượng video và nội dung giảng dạy tốt hơn trong tương lai, đem đến những bài giảng lý thú cho các em học sinh tham khảo. Tôi sẽ tiếp tục làm công việc này cho đến khi các em học sinh không còn cần đến tôi nữa” – cô Ngô Thúy Trình chia sẻ.

Từ xưa đến nay, tinh thần "tôn sư trọng đạo" luôn là giá trị mà mọi người dân Việt Nam hướng đến. Dù không phải là giáo viên từng dạy bạn, nhưng việc tôn trọng thầy cô giáo là quy tắc ứng xử cơ bản mà bất kỳ học sinh nào cũng phải biết.

Phong cách dạy văn của cô Ngô Thúy Trình có thể không hợp với tất cả mọi người, nhưng nhiều bạn trẻ vẫn nhận thấy giá trị trong kiến thức cô truyền tải, giúp cải thiện điểm số và xây dựng tình yêu văn chương. Nếu bạn không thích, hãy lướt qua, đừng bình luận kém văn minh với người lớn tuổi. Mạng xã hội không nằm ngoài pháp luật, và không nên nghĩ rằng có thể viết bất kỳ điều gì hay xúc phạm bất kỳ ai mà không có hậu quả. Những hành vi độc hại trên mạng cần được ngăn chặn để tránh hậu quả đáng tiếc.

Hơn bao giờ hết, việc thầy cô, cha mẹ và xã hội cùng chung tay xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, đặt nặng việc nuôi dưỡng tinh thần tôn trọng và biết ơn là điều cần thiết. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể hy vọng về một thế hệ trẻ biết trân trọng những giá trị truyền thống, đồng thời xây dựng được một xã hội văn minh, nhân ái.

Tùng Linh
Phiên bản di động