Học sinh nhốt, xúc phạm cô giáo: Không thể chấp nhận được!
Vụ bé gái bị cô giáo tát tới tấp ở Quốc Oai: Trách nhiệm của ai? |
Vừa qua, mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại hình ảnh nhóm học sinh dồn cô giáo vào góc lớp, đe doạ kèm theo lời chửi bới, xúc phạm.
Sự việc sau đó được xác minh xảy ra tại Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang, vụ việc xảy ra vào khoảng 10h30 ngày 29/11, tại Trường THCS Văn Phú.
Vào thời điểm trên, cô giáo Phan Thị H (38 tuổi) vào dạy tiết ba môn âm nhạc ở lớp 7C. Khi đến giờ vào lớp, có một số học sinh vẫn ở ngoài chưa vào nên cô H nhắc nhở thì có một vài học sinh phản ứng.
Trong giờ học, có một số học sinh xin ra ngoài nhưng cô H không đồng ý. Sau đó giữa giáo viên và học sinh có những khúc mắc trong giờ học.
Hình ảnh cô giáo ở Tuyên Quang bị học sinh dồn vào góc lớp, chửi bới, đe dọa. Ảnh cắt từ clip |
Sau giờ dạy tiết ba của lớp 7C, cô H sang dạy tiết 4 tại lớp 6A. Sau tiết học, một số em học sinh lớp 7C sang lớp 6A tiếp tục có phát ngôn và hành vi thiếu chuẩn mực như nói tục, xúc phạm, quay video với cô H.
Sau khi nhận được báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Tuyên Quang tiếp tục chỉ đạo, xác minh, làm rõ vụ việc.
Trên cơ sở đó, có hình thức xử lý nghiêm khắc theo đúng mức độ vi phạm với các cá nhân và tập thể liên quan (giáo viên, học sinh, lãnh đạo trường, đơn vị quản lý giáo dục huyện và các cá nhân, đơn vị liên quan khác).
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn. |
Chiều 6/12, tại buổi họp báo Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đánh giá đây là vụ việc rất nghiêm trọng, không thể chấp nhận được.
Theo ông Sơn, vụ việc này phải xem xét tổng thể để có những biện pháp xử lý vướng mắc, cần thiết phải chấn chỉnh và rút kinh nghiệm sâu sắc việc này.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, bạo lực học đường là vấn đề chung mà chúng ta phải quan tâm. Các biện pháp kỷ luật học sinh chỉ áp dụng với vụ việc cụ thể. Do đó, ngành giáo dục, địa phương, phụ huynh, thầy cô cần tìm giải pháp căn cơ, lâu dài.
Trước hết, cần đánh giá lại đội ngũ giáo viên từ quy trình đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra chuyên môn, phẩm chất, kỹ năng. Việc giáo dục, tăng cường đạo đức học đường cũng cần đánh giá xem học sinh chấp hành ra sao.
"Với nhà trường để xảy ra vụ việc như vậy sẽ gây nhiều hậu quả nên phải tìm ra nguyên nhân sâu xa để ngăn chặn sớm. Các mối quan hệ thầy cô, học trò, diễn biến tâm lý học sinh, quản lý trường lớp đều phải xem xét lại", ông Sơn cho hay.
Ông Sơn cũng cho rằng, giáo dục không chỉ trong nhà trường mà phải có mối quan hệ chặt chẽ với phụ huynh. Cuối cùng là trách nhiệm của toàn xã hội, bởi bạo lực xảy ra trong trường nhưng cũng là hiện tượng xã hội.
"Giáo dục học sinh cũng không chỉ trong nhà trường, trong gia đình mà là trách nhiệm của toàn xã hội. Văn hóa của chúng ta trong xã hội, từ văn hóa giao thông cho đến tất cả cách ứng xử, văn hóa trên không gian mạng… đều cần làm tốt. Đây cũng là việc rất quan trọng tác động đến học sinh, sinh viên", ông Sơn nói.
Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương, các cơ sở đào tạo làm tốt việc đào tạo đội ngũ giáo viên, rồi các chương trình giảng dạy và đặc biệt là tư tưởng đạo đức, quản lý Nhà nước và việc phối hợp với phụ huynh.