Tôn sư trọng đạo - truyền thống văn hóa quý báu của người Hà Nội
Trường THPT Việt Đức vinh dự đón nhận Huân chương lao động hạng Nhì Hành trình “mang chữ về bản” của thầy giáo Mua Mí Lầu Thái Bình: Thầy giáo hiếp dâm học sinh bị lĩnh án 13 năm tù giam |
Mỗi năm, khi dịp 20/11 - Ngày Nhà giáo Việt Nam cận kề, lại có rất nhiều câu chuyện xung quanh truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Hà Nội là Thủ đô ngàn năm văn hiến, chính vì thế truyền thống tôn sư trọng đạo vẫn được chúng ta gìn giữ, trân trọng suốt thời gian qua.
Truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo của người Hà Nội vẫn tỏa sáng qua nhiều thế hệ (Ảnh min họa) |
Nhiều người vẫn hay nói rằng: “Thầy cô là cha mẹ thứ hai của chúng ta”, là người cha người mẹ trên phương diện tinh thần. Họ không trực tiếp sinh ra chúng ta nhưng là người nuôi nấng về mặt tri thức và đạo đức cho ta hằng ngày. Vậy nên truyền thông “tôn sư trọng đạo” vẫn được gìn giữ lâu bền qua bao tháng năm.
Đặc biệt, thống quý báu này được thể hiện rõ nhất ở Thủ đô Hà Nội. Trong bài “Lá cờ” của ca sĩ Tạ Quang Thắng có đoạn:
“Chuyện của cha tôi
Là những giấc mơ dở dang
Là xếp bút nghiên, chiến đấu vì một màu cờ đỏ tươi thấm máu bao người”.
Giống như chiến sĩ ở mọi miền Tổ quốc, khi có chiến tranh, đặc biệt những giai đoạn ác liệt, bao lứa học sinh, sinh viên của Thủ đô xếp bút nghiên lên đường chiến đấu. Một thống kê cho biết, từ năm 1970 đến 1972, có hơn 10.000 sinh viên tại các trường đại học ở Hà Nội lên đường nhập ngũ, trực tiếp tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Trong xã hội xưa, thầy giáo được coi là biểu tượng thiêng liêng cho sự học, là “khuôn vàng thước ngọc” của đạo đức, nhân cách để học trò học, noi theo thầy mà trở thành người có đức, có nhân, có tài để đứng ra giúp nước. Trong ba vị trí đặc biệt quan trọng của xã hội xưa “Quân - Sư - Phụ” thì người thầy chỉ đứng sau vua, người được xã hội, Nhân dân đặc biệt coi trọng và tôn vinh, là người mà Nhân dân gửi gắm niềm tin để giúp con em họ học hành mà thành tài. Có nhiều câu tục ngữ, ca dao xưa mang ý nghĩa răn dạy con người về vai trò của người thầy: “Không thầy đố mày làm nên”, “Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy”, “Trọng thầy mới được làm thầy”...
Hà Nội trước nay vẫn là trung tâm giáo dục hàng đầu của cả nước, vậy nên truyền thống tôn sư trọng đạo ngày càng được gìn giữ và trân quý. Kinh thành Thăng Long cũng là Hà Nội ngày nay, là nơi có trường đại học đầu tiên trên cả nước, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cũng là nơi vinh danh bia đá rất nhiều những anh tài xuất chúng của cả nước.
Lịch sử khoa bảng Việt Nam, kể từ năm 1076 khi nhà Lý mở khoa thi đầu tiên tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đến năm 1919 - khoa thi cuối cùng kết thúc chế độ khoa cử phong kiến, cả nước có 2.898 vị tiến sĩ; Riêng xứ Đoài và xứ Sơn Nam thượng - vùng “phên giậu” của Thăng Long - Hà Nội đã có tới 338 vị được khắc tên trên bia đá và công trạng của họ được lưu danh sử sách, nhân dân truyền tụng, tôn vinh. Điều đó chứng minh, Thăng Long là “địa linh sinh anh kiệt”.
Ngày xưa, Thăng Long là Kinh đô, tập trung nhiều người tài giỏi, người muốn làm quan, thi thố với đời phải ra kinh đô thi, chánh chủ khảo cũng là ân sư, vậy nên, rất nhiều vị anh tài xuất chúng được phát triển thử mảnh đất thiêng liêng này. Ngày nay, truyền thống này vẫn được gìn giữ và phát huy.
Truyền thống tôn sư trọng đạo còn ở chỗ, thế hệ nào chúng ta cũng rất hiếu học, coi trọng sự học. GS Nguyễn Lân Dũng từng nói khiêm tốn rằng: “Thế hệ chúng tôi nhiều người giỏi không phải vì chúng tôi giỏi mà chúng tôi có nhiều thầy giỏi. Nhớ lại, tôi thấy thật may mắn được học những người thầy giỏi, tâm huyết với nghề như thầy Lê Bá Thảo dạy môn Địa lý, thầy Hoàng Như Mai dạy Văn, sử là thầy Trần Văn Khang, Họa là họa sĩ Nguyễn Khang, Nhạc là nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu… toàn những người giỏi hàng đầu.
Thời đó, các thầy tự học tiếng Nga qua một cuốn sách tiếng Pháp để có kiến thức mới dạy chúng tôi. Các thầy là những tấm gương truyền lại tinh thần tự học. Tốt nghiệp đại học tôi chưa học chút nào về vi sinh vật học, vậy mà tôi phải dạy ngay môn học vi sinh vật. Tôi đã phải tự học, tự tìm đến thầy Đặng Văn Ngữ để hỏi han và thầy Ngữ đã hướng dẫn tôi phải học ngoại ngữ để có kiến thức. Tôi nói thế để thấy quan trọng không phải là học kiến thức, mà quan trọng là các thầy thổi vào lòng chúng tôi lòng yêu khoa học, lòng yêu nghề, tinh thần tự học”.
Có thể thấy Hà Nội là trung tâm là giáo dục của cả nước, nhiều trường đại học chất lượng, yêu cầu về cả kiến thức, kỹ năng ngày càng cao. Hàng năm, không chỉ dịp 20/11, có rất nhiều chương trình để tri ân thầy cô, tri ân sự miệt mài cố gắng, hết mực hết lòng vì thể hệ học sinh tương lai. Các thế hệ học sinh ngày nay cũng luôn phát huy ý thức, dành tình cảm kính trọng cho những “người lái đò”. Các hoạt động để tri ân như văn nghệ, thể dục thể thao, thi đua giành điểm tốt cũng được tổ chức nhiều hơn, biểu dương công lao của người thầy với xã hội.
Ở Hà Nội, các hoạt động như trao giải giáo viên dạy giỏi các cấp, thi đua giáo viên xuất sắc, hay cả những hoạt động thi đua học tập, văn nghệ cho cả thầy và trò vẫn được tổ chức thường xuyên, thu hút được sự tham gia đông đảo từ nhiều trường học trên địa bàn thành phố. Thật đáng mừng khi truyền thông lâu đời và ý nghĩa tôn sư trọng đạo vẫn luôn được phát triển qua tháng năm như vậy
Vai trò của người thầy luôn được đề cao và coi trọng, hình ảnh người thầy giáo luôn tiêu biểu trong mọi tầng lớp của xã hội và nghề giáo được tôn vinh là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Trong quá trình hội nhập, xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong giai đoạn này, chúng ta càng thấu hiểu tầm quan trọng của tri thức, của văn hóa, chính vì thế, đạo nghĩa thầy trò vẫn luôn được chúng ta thấm nhuần, đề cao. Đó cũng là đạo lý và lễ nghĩa của toàn xã hội, là dòng chảy xuyên suốt qua mọi thế hệ.