Từ chối các mối quan hệ độc hại để sống thật với cảm xúc
Uể oải quay trở lại trường sau Tết, làm sao để trẻ lấy lại năng lượng? Đầu năm mới người trẻ nô nức đi lễ chùa Sau Tết, người trẻ “giật mình” với cân nặng của bản thân |
Sẵn sàng từ bỏ
Ở tuổi 25, Nguyễn Thúy Quỳnh (sống tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết cô bắt đầu tự học cách chia tay những mối quan hệ mà mình cho là độc hại từ khi bước chân vào học tại bậc THPT. Đối với Quỳnh, quá trình đó không hề dễ dàng mà cần cả quãng thời gian dài kiên nhẫn và can đảm.
Theo cô gái trẻ, đó là một giai đoạn rất khó khăn để Trang có thể rời xa một người bạn đã từng khá thân thiết của mình. Trải qua mối quan hệ “độc hại” đó, cô gái 25 tuổi mới nhận ra rằng đôi khi cắt đứt liên lạc với một người lại chính là cách tốt nhất để kết nối mình với sự cân bằng trong cuộc sống.
Dù rất khó khăn để quyết định, Thúy Quỳnh chấp nhận chia tay người bạn thân khi cảm thấy sự thao túng về cảm xúc cũng như mối quan hệ giữa 2 người trở nên "độc hại" hơn |
"Mình từng có một người bạn "hợp cạ" về tính cách và sở thích. Tuy nhiên, càng chơi cùng lâu, cô ấy dần thay đổi thái độ và cách đối xử với mình. Thay vì lắng nghe và chia sẻ, người bạn ấy lại chuyển sang thao túng cảm xúc, coi sự giúp đỡ, việc phải quan tâm đến cô ấy mỗi ngày của mình như một thứ trách nhiệm.
Mình phải luôn là người hỏi thăm cô ấy thay vì có chuyện gì cô ấy sẽ không kể cho mình luôn. Nhiều khi cô ấy đăng trạng thái “vu vơ” trên mạng nhưng thực chất là đang hướng mũi tên vào mình. Đỉnh điểm, cô ấy có thể đặt điều về mình, nhưng tỏ ra không có chuyện gì xảy ra khi đối mặt", Thúy Quỳnh nói.
Mối quan hệ này khiến cho cô gái 25 tuổi cảm thấy tủi thân, mệt mỏi vì không được tôn trọng. Vì thế, khi suy nghĩ nghiêm túc, cô gái trẻ quyết định nói chuyện thẳng thắn và cắt đứt liên lạc với người này.
"Mình không mất nhiều thời gian đắn đo nên giữ hay bỏ bạn vì không tiếc một người thiếu tôn trọng mình. Nếu như mối quan hệ ấy không đem lại niềm vui, động lực cho mình tiếp tục hoàn thiện những mục tiêu trong cuộc sống, mình sẵn sàng bước đi để tìm kiếm những người đồng hành khác", Thúy Quỳnh chia sẻ.
Sau vài tháng yêu đương, Trần Đức Nam (24 tuổi, freelancer) quyết định chia tay với bạn gái để "giải phóng" bản thân khỏi mối quan hệ mà chàng trai trẻ cho là độc hại.
"Mình và cô ấy đều có điểm chung là thường trầm cảm, rối loạn lo âu. Cứ nghĩ có chung "tâm bệnh" sẽ giúp hai bên dễ cảm thông và giúp đỡ nhau nhưng mọi thứ chỉ trở nên tệ hơn...", Đức Nam nói.
Chia tay người yêu chí sau một thời gian ngắn quen nhau, Đức Nam cảm thấy tinh thần và cuộc sống trở nên tích cực hơn |
Chàng trai 24 tuổi cho biết, dù dành phần lớn thời gian bên nhau, Đức Nam vẫn cảm thấy mệt mỏi vì người yêu không lắng nghe, thậm chí còn trách móc và gây áp lực tâm lý khi cô ấy không kiểm soát được cảm xúc. Đôi khi, bạn gái của Nam còn chọn cách “biến mất”, đột ngột cắt đứt liên lạc trong một khoảng thời gian, khiến anh cảm thấy hoang mang, tự đổ lỗi cho bản thân dù không phải sai lầm của mình.
"Mình cảm thấy bản thân không được lắng nghe, tôn trọng và đồng cảm trong mối quan hệ. Chuyện tình cảm không mấy suôn sẻ lại thêm áp lực cuộc sống khiến mình luôn cảm thấy nặng nề, mất tập trung, bỏ bê bản thân tới mức ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý. Nhiều lúc, mình cảm thấy mối quan hệ này chỉ đến từ một phía”, Đức Nam bày tỏ.
Sau một thời gian cân nhắc, anh lựa chọn chấm dứt mối quan hệ, cắt đứt liên lạc với người cũ. Đức Nam cũng dành vài tháng để điều chỉnh lại sinh hoạt, bắt đầu bằng việc đi tập yoga, đọc sách, nghe nhạc nhiều hơn để chữa lành cảm xúc và tập trung vào những mục tiêu cá nhân.
"Mình nghĩ rằng đáng ra mình nên chia tay sớm hơn. Dù là người yêu, bạn bè hay đồng nghiệp, nếu mối quan hệ đó chỉ khiến cuộc sống trở nên buồn chán, ta nên học cách từ bỏ", Đức Nam bày tỏ.
Hãy chỉ từ bỏ sau khi cố gắng
Gen Z (người sinh năm từ 1996 đến 2012) và các mối quan hệ là chủ đề được bàn tán khá nhiều trong thời gian qua. Nhiều người cho rằng thế hệ Z là thế hệ dễ dàng từ bỏ mọi thứ, trong đó có tình bạn, tình yêu và đồng nghiệp. So với những thế hệ trước đây, họ không đề cao sự hy sinh và ổn định, thay vào đó lại ưu tiên sức khỏe tinh thần cùng cảm nhận cá nhân. Ở mặt tích cực, vấn đề này cho thấy ngày nay mọi người dần ý thức rõ hơn về bản thân, quyền mưu cầu hạnh phúc và mức độ hòa hợp trong tình cảm.
Đặc biệt, với sự bùng nổ của phương tiện truyền thông và mạng xã hội, thế hệ trẻ hiện đại có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với những chỉ dẫn, cảnh báo trong mối quan hệ. Từ đó, trong tình yêu, hôn nhân hoặc tình bạn, họ không còn đề cao sự hy sinh mà cho rằng tình cảm là sự hợp tác "win - win", nơi tất cả cùng có lợi. Tuy nhiên, ở mặt tiêu cực, sự chia tay nhanh chóng cũng cho thấy một bộ phận người trẻ ngày nay thiếu hụt kỹ năng sống cần thiết, đặc biệt là kỹ năng xử lý mâu thuẫn và giao tiếp tích cực.
Giới trẻ hiện đại đang chủ động chia tay với các mối quan hệ độc hại thay vì chấp nhận để sống khác đi với cảm xúc thật của mình |
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Trần An Tâm, giới trẻ hiện đại đang ngày càng bị nhắm tới để trở thành con mồi của những mối quan hệ độc hại từ cả người thân, bạn bè và người yêu. Điều này được thúc đẩy trong kỷ nguyên số khi họ gặp và tương tác với nhiều người hơn, mỗi người lại có nhiều lớp "mặt nạ".
“Có không ít bạn trẻ đang ở trong một mối quan hệ tiêu cực nhưng bản thân không thể nhận ra. Bị bạn bè, người yêu chê trách hoặc phủ nhận, họ thường có xu hướng đổ lỗi cho chính mình. Vì vậy, việc từ bỏ một mối quan hệ không phải là điều xấu nhưng hãy đảm bảo trước đó đã từng cố gắng.
Có 3 điều mà người trẻ nên cân nhắc trong các mối quan hệ: đừng hứa khi đang vui, đừng trả lời khi đang nóng giận và đừng quyết định khi đang buồn. Tạm hoãn việc đưa ra quyết định, để cảm xúc bình ổn lại, cân nhắc một chuỗi các sự kiện gần đây để đánh giá mức độ hài lòng, hạnh phúc của bản thân, bạn sẽ có một cái nhìn toàn diện hơn cho quyết định bước tiếp hay dừng lại đối với một mối quan hệ”, chuyên gia tâm lý Nguyễn Trần An Tâm chia sẻ.