Trăm năm tay nghề se hương, gìn giữ nếp nhà

Nhiều năm nay, trên con phố Hàng Khoai (Hà Nội) tấp nập, có một cụ bà hàng ngày vẫn âm thầm giữ lại nếp nhà, se hương, dệt mùi, làm nên nét hương xưa của Hà Nội. Đó là bà Phạm Thị Anh Tú, chủ cửa hàng hương Đồng Tiến nổi tiếng đất Hà thành.
Những ý tưởng kinh doanh “kiếm thêm” dịp Tết Bấp bênh làng nghề tăm hương trăm tuổi Quảng Phú Cầu

Trò chuyện với phóng viên tại cửa hàng trầm hương Đồng Tiến tại số 10 Hàng Khoai (Hà Nội), bà Phạm Thị Anh Tú tự hào chia sẻ về lịch sử nghề làm hương nhang của gia đình mình. Gia đình bà làm nghề đã hơn 100 năm, đến bà là đời thứ 6 làm nghề. Tổ tiên gia đình bà Tú có gốc ở Hưng Yên, di cư lên Hà Nội và lập nghiệp bằng nghề truyền thống tại ngõ Hàng Hương.

Trăm năm tay nghề se hương, gìn giữ nếp nhà
Bà Phạm Thị Anh Tú

“Lúc trước, các cụ nhà tôi mở cửa hàng ở ngõ ấy, rồi sau đó chuyển về ngay cửa chợ Đồng Xuân, còn riêng tôi với cửa hàng nhỏ này thì đã 40 năm hơn rồi” – bà Tú cười nói. Hiện con cháu của các cụ họ Phạm vẫn giữ gìn nghề truyền thống của gia đình theo nếp xưa. Ngoài cửa hàng tại số 10 Hàng Khoai, gia đình còn có 2 cửa hàng nữa của gia đình tại số 146 Trần Nhật Duật và 581 Thụy Khuê, do các em của bà Tú quản lý.

Không gian số 10 Hàng Khoai tuy nhỏ, nhưng giữ được nét cổ kính của một thời Hà Nội xưa. Ngoài phố tuy ồn ào tấp nập, nhưng trong cửa hàng vẫn ấm cúng với mùi hương trầm thoang thoảng.

Trăm năm tay nghề se hương, gìn giữ nếp nhà
Hương trầm Đồng Tiến đã có tuổi đời hàng trăm năm nay

Chia sẻ về nghề làm hương, bà Tú nói: “Nếu nói về nghề làm hương của gia đình tôi thì qua bao nhiêu năm cũng chẳng thay đổi nhiều, khác là một vài công đoạn có máy móc làm thay sức người, còn gần như tất cả mọi thứ đều giữ nguyên theo nét xưa của các cụ”.

Về phần nguyên liệu, bà Tú cho biết hiện tại gia đình vẫn pha trộn các nguyên liệu truyền thống theo công thức bí truyền của các cụ xưa để lại, gồm có hơn 20 loại nguyên liệu khác nhau và phải cân đo tỉ mỉ theo đúng tỉ lệ. Các vị thuốc bắc, thuốc nam, rễ cây hương, gỗ trầm...phải được chọn lựa kĩ càng để đảm bảo cây hương thành phẩm thơm dịu, ấm áp mà lại không nồng, cay mắt khi sử dụng. Bà kể: “Bây giờ mới có nhiều trầm để cho vào làm hương, thời trước trầm rất hiếm nhưng nó cũng là một nguyên liệu không thể thiếu để làm hương thơm hơn”.

Ngoài hương nén truyền thống, gia đình bà Phạm Thị Anh Tú còn sản xuất nhiều loại mặt hàng khác như nụ trầm hương, hương vòng, hương đại để phục vụ lễ tết hiếu hỉ cho người dân.

Trăm năm tay nghề se hương, gìn giữ nếp nhà
Gia đình bà Tú còn sản xuất nhiều loại mặt hàng khác như nụ trầm hương, hương vòng...

“Sản xuất hương phải phụ thuộc một phần vào thời tiết, trời phải có nắng thì chúng tôi mới phơi hương được. Không có nắng, hương sẽ không đạt được độ khô, độ chín mùi theo tiêu chuẩn. Chúng tôi không làm lò sấy, vì khi sấy sẽ bị mất mùi thơm của hương cổ truyền” - Bà Tú vui vẻ cho hay.

Cơ sở làm hương, sản xuất sản phẩm của gia đình tại Hưng Yên hiện vẫn đang hoạt động, việc buôn bán giao thương hàng hóa của các cửa hàng đều do gia đình bà Tú điều hành, quản lý. Ngoài sản xuất hương trầm các loại, cửa hàng còn có các mặt hàng vàng mã, nến thơm, dầu đèn... để phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người dân.

Trăm năm tay nghề se hương, gìn giữ nếp nhà
Một trong các công đoạn làm hương

Chia sẻ với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô, bà Tú cho biết: “Nhà tôi bao năm nay buôn bán cứ đều đều, ai đã đến mua quen, thích dùng thì sẽ luôn luôn quay lại để mua thêm. Nhất là vào dịp cuối năm, khách rất đông vì sản phẩm trầm hương là những món quà Tết rất thiết thực và ý nghĩa với người thân bạn bè".

Trăm năm tay nghề se hương, gìn giữ nếp nhà

Trăm năm tay nghề se hương, dệt mùi cho nhiều Lễ, Tết, ngày hội… bà Phạm Thị Anh Tú và các thế hệ trong gia đình tự hào với nghề và luôn tâm niệm sẽ gìn giữ nếp nhà truyền thống, truyền lại nghề cho các thế hệ sau để hương trầm Đồng Tiến vẫn còn mãi.

Đức Minh
Phiên bản di động