Nối những giá trị nhân văn của người Hà thành

Em Lê Khánh Linh cho rằng "Mỗi góc phố một người đang sống" của nhà văn Nguyễn Trương Quý là cuốn sách đáng để những người yêu Hà Nội tìm đọc và lan tỏa. Bằng việc tiếp nhận cuốn sách rất cẩn thận và review đầy cảm xúc với ngôn ngữ giàu hình ảnh nhưng không kém phần sắc sảo, chắc chắn, cô học sinh lớp 8A2, trường THCS Ngô Sĩ Liên (Hà Nội) đã cho thấy chính mình cũng đang góp phần nối dài những giá trị nhân văn còn mãi trong lối sống của người Hà thành. Báo Tuổi trẻ Thủ đô trân trọng giới thiệu tới bạn đọc bài viết này.
Thanh Hoá: Triệt phá thành công đường dây làm giả giấy phép lái xe Nghệ nhân khắc dấu - người lưu giữ hồn xưa Hà Thành Bài 2: Chàng trai Hà thành xung kích nơi tuyến đầu

Nhà văn Nguyễn Trương Quý sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nổi tiếng bởi thứ văn chương thấm đẫm tình cảm với Thủ đô. Niềm say mê ấy được minh chứng qua giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” mà ông được trao tặng năm 2019. Những tác phẩm của ông thường được kể lại ở một góc nhìn nhận đặc trưng, lối viết mới mẻ, cách khám phá riêng về Hà Nội. “Mỗi góc phố một người đang sống” là cuốn sách như thế.

Nối những giá trị nhân văn của người Hà thành
Em Lê Khánh Linh, học sinh lớp 8A2, trường THCS Ngô Sĩ Liên, Hà Nội

Tôi đọc “Mỗi góc phố một người đang sống” của nhà văn Nguyễn Trương Quý vào một ngày tháng 5 khi phượng đã hồng và bằng lăng đã tím khắp những góc phố Hà Nội. Với tôi, đây là cuốn sách đáng để những người yêu Hà Nội tìm đọc và lan tỏa. Cuốn sách như một cây cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, nối những giá trị nhân văn vẫn còn mãi nơi lối sống của người dân Hà thành.

Cuốn sách “Mỗi góc phố một người đang sống” được in trên khổ 13x20cm do Nhà xuất bản Trẻ phát hành vào tháng 6/2015. Bìa cuốn sách lấy tông chủ đạo màu xanh dương với bức tranh con phố Hà Nội xưa cũ. Bức tranh ký họa trên bìa sách được chính tác giả Nguyễn Trương Quý vẽ lại, dựa trên những mảnh ký ức đẹp đẽ về Thủ đô xưa.

Cuốn sách dày 282 trang, được chia thành 3 chương lớn: “Hà Nội đi nhanh và sống chậm”, “Lữ khách trong phố” và “Tấm bản đồ sử ký”. Mỗi chương có khoảng 10 bài viết. Mỗi bài viết ghi lại những góc độ, phương diện khác nhau của Thủ đô Hà Nội, từ những thói quen nhỏ nhặt nhất của người dân đến những giai điệu, kiến trúc đã trở thành biểu tượng của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Nối những giá trị nhân văn của người Hà thành

Cuốn sách mở đầu với chương “Hà Nội đi nhanh và sống chậm” bao gồm 12 bài viết. Những bài viết như một cái nhìn toàn cảnh về cách sống, cách sinh hoạt của con người Hà Nội. Vì là tản văn nên chủ đề của mỗi bài viết cũng rất đa dạng. Qua những trang viết đầu tiên, nhà văn Nguyễn Trương Quý đưa độc giả về với “Forum nước chè”, đi qua “Nơi tuổi 17 hẹn”, “Phố vẫy đủ mười khúc ngâm” hay “Tiếng rao” đã quá quen thuộc với người dân 36 phố phường.

Cùng với đó, 8 bài viết khác về cuộc sống và sự đổi thay của Hà Nội qua năm, tháng: “Ỷ Lan câu view”, “Chân trời đã mất”, “Liệu mà cầu toàn ở Hà Nội”... Chung quy, “Hà Nội đi nhanh và sống chậm” như một bức tranh thu nhỏ về những tư tưởng sống khó có thể bị mai một của người Thủ đô.

Chương “Lữ khách trong phố” có lẽ là phần dài nhất của cuốn sách. Ở chương sách này, tác giả Nguyễn Trương Quý đã khắc họa Hà Nội ở những phương diện cụ thể, sinh động nhất. Nhà văn đã lấy cái tiêu biểu, đại diện để vẽ nên một Thủ đô từ chi tiết đến đại cảnh. Nếu như ở những bài viết đầu tiên, tác giả chọn Hồ Gươm để tả về nét kiến trúc mang đậm văn hóa Á đông của Hà Nội thì liên tiếp các bài viết “Hà Nội của những cao bồi già”, “Khuôn mặt cười của phố” và “Không gian và thời gian của vô cùng Hà Nội” lại lấy nhà văn Nguyễn Việt Hà làm gương mặt nổi bật đại diện cho tâm hồn con người.

Nối những giá trị nhân văn của người Hà thành

Ở hai bài viết cuối của chương sách này, tác giả đã lựa chọn phở - như quốc hồn quốc túy với giá trị văn hóa sâu đậm - để nói lên đặc trưng ẩm thực của con người Thủ đô. Với tôi, chương sách này có lẽ không chỉ dừng lại ở việc vẽ một bức tranh Thủ đô chi tiết hơn mà còn là nỗi khao khát tìm lại vẻ đẹp mẫu mực và tính bản sắc của người Hà Nội thanh lịch văn minh mà tác giả đã khéo léo quan sát, cảm nhận được.

Chương cuối cùng “Tấm bản đồ sử ký” cũng để lại trong lòng độc giả nhiều dư âm nhất. Đây có lẽ là chương đặc biệt nhất bởi sự liên kết với cuộc đời tác giả. Nhà văn Nguyễn Trương Quý đã từng theo học ngành kiến trúc. Bởi vậy, chương cuối này chính là góc nhìn của một kiến trúc sư về cảnh quan, đô thị Hà Nội.

Mở đầu tự nhiên từ câu chuyện những ngõ, ngách nhỏ dần chẳng còn được ghi rõ tên ở bài viết “Biến mất khỏi bản đồ”, nhà văn Nguyễn Trương Quý đã vô cùng thành công trong việc dẫn dắt người đọc vào các vấn đề chuyên môn của mình mà vẫn giữ được giọng văn đầy cuốn hút. Những bài viết tiếp theo từ “Không gian hạnh phúc”, “Big Brother của không gian đô thị Hà Nội” đến “Một vòng hoa giáp của kiến trúc Hà Nội”… hầu hết đều xoay quanh các công trình, những vấn đề kiến trúc hay đô thị hóa.

Nối những giá trị nhân văn của người Hà thành

Jacob O. Gold - nghiên cứu sinh ngành nhân chủng học của Đại học Illinois, Hoa Kỳ, người đã dịch sang tiếng Anh tác phẩm “Xe máy tiếu ngạo” - một tập sách khác của tác giả Nguyễn Trương Quý đã nhận xét: “Những cuốn sách của Nguyễn Trương Quý đưa chúng ta đến với Hà Nội; cho chúng ta cơ hội trở nên thông thạo nơi này cùng một trong những nhà quan sát sắc sảo nhất của nó”. Tôi nghĩ rằng Jacob đã không sai khi viết về thứ văn chương đầy hoài niệm của nhà văn Nguyễn Trương Quý như vậy.

Bởi thông qua “Mỗi góc phố một người đang sống”, bản thân tôi cũng phần nào cảm nhận được góc nhìn của tác giả sâu sắc, tỉ mỉ đến nhường nào. Chắc hẳn, nhà văn Nguyễn Trương Quý đã dành rất nhiều thời gian sưu tầm, nghiên cứu, chắt lọc các tư liệu để viết nên cuốn sách. Khi đọc “Mỗi góc phố một người đang sống” có một ý nghĩ rất rõ nét trong tâm trí tôi: Người ta thực sự chỉ hiểu một thành phố khi đã hết lòng sống với nó... Tôi tin rằng Hà Nội là thành phố của Nguyễn Trương Quý - nơi sinh ra rồi trưởng thành - đã dành thời gian của đời mình cho ngõ, cho phố, cho mỗi gương mặt người dù thân, dù lạ nơi đây.

Nối những giá trị nhân văn của người Hà thành

Giống như tác giả Nguyễn Trương Quý đã viết: “Hà Nội vẫn trên đà sinh trưởng của nó”, tôi tin rằng Thủ đô sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, có những biến chuyển và thay đổi ở từng thời kỳ. Quả thực, Hà Nội ngày nay đã trải qua nhiều sự đổi thay, bước đi từ vẻ đẹp cổ kính của phố cổ đến sự hiện đại hóa của những khu đô thị mới. Hà Nỗi sẽ luôn tồn tại những giá trị cốt lõi về văn hóa, xã hội mà người dân vẫn gìn giữ và truyền lại cho thế hệ mai sau.

“Mỗi góc phố một người đang sống” với tôi không chỉ đơn thuần là một cuốn sách. Với tôi, đây là một nguồn cảm hứng lớn lao, thúc đẩy sự cố gắng phát triển bản thân mỗi ngày để mai sau có những đóng góp có ý nghĩa không chỉ đối với Hà Nội mà cho toàn xã hội. Cuốn sách này đã hướng độc giả tới một tình yêu Hà Nội sâu đậm để rồi khơi dậy khát vọng cống hiến cho Thủ đô văn minh, hiện đại.

Nối những giá trị nhân văn của người Hà thành

Hãy đọc “Mỗi góc phố một người đang sống” để hiểu hơn về thành phố của chính mình. Đó cũng là cách ta trò chuyện với không gian sống, không gian văn hóa, không gian ký ức và không gian tình yêu của chính mình.

Khánh Linh
tuoitrethudo.vn
Phiên bản di động