Thủ tướng: Chấm dứt cho vay tập trung vào một số doanh nghiệp sân sau
Ngân hàng siết nợ nhà máy điện gió đầu tiên tại Việt Nam Các ngân hàng phải "tranh nhau cho vay" với khách hàng tốt |
Một số cơ chế, chính sách tín dụng còn hơi cứng nhắc
Ngày 7/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận sự đóng góp quan trọng của hệ thống ngân hàng vào nền kinh tế.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng tăng trưởng tín dụng còn thấp; mức tăng trưởng tín dụng không đồng đều (một số tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại tăng trưởng khá cao, một số tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm); doanh nghiệp tiếp cận tín dụng còn nhiều khó khăn.
Kết quả thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi chưa đạt như kỳ vọng, nhất là gói 120.000 tỷ đồng xây dựng nhà ở xã hội; nợ xấu có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống…
Về nguyên nhân của khó khăn, vướng mắc, Thủ tướng nêu rõ, từ phía cung (các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại) thì hồ sơ, thủ tục cho vay vẫn còn phức tạp; lãi suất mặc dù đã giảm song vẫn còn cao so với khả năng chi trả của doanh nghiệp; còn hiện tượng tiêu cực mà các cơ quan có trách nhiệm sẽ làm sáng tỏ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. |
Từ phía cầu (doanh nghiệp, người dân), trong bối cảnh kinh tế, đầu tư, thương mại toàn cầu gặp khó khăn ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình đầu tư, sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu trong nước, làm giảm khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế (cả về tín dụng của doanh nghiệp và tín dụng tiêu dùng); một số doanh nghiệp có nhu cầu vay nhưng không đáp ứng được điều kiện cho vay (nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ); mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn khi khó chứng minh được tính hiệu quả.
Nêu một số điểm cần lưu ý trong điều hành chính sách tín dụng trong thời gian tới, Thủ tướng chỉ rõ, tín dụng tăng trưởng còn chậm, một phần là do kinh tế khó khăn, khả năng hấp thụ vốn, nhu cầu vốn của người dân và doanh nghiệp còn yếu, một phần là do khả năng đáp ứng điều kiện tín dụng có phần kém đi, nhưng cũng đặt ra yêu cầu đối với ngành, đối với các tổ chức tín dụng cần bám sát tình hình, lĩnh vực, ngành nghề và linh hoạt hơn về điều kiện cho vay (nhất là về tài sản bảo đảm…) và cần đánh giá triển vọng dòng tiền nhiều hơn, sát hơn; có tiêu chuẩn, tiêu chí chung và có ưu tiên, có hạn chế đúng, trúng, phù hợp.
Việc điều hành tín dụng đôi khi còn bị động, cần kịp thời hơn nữa (bao gồm cả việc cấp hạn mức tăng tín dụng) mới đảm bảo luôn đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Việc ban hành một số cơ chế, chính sách tín dụng còn hơi cứng nhắc, chưa thực sự sát tình hình và yêu cầu thực tiễn (như một số điều kiện, điều khoản trong Thông tư 06/NHNN, sau đó đã được sửa đổi, bổ sung bằng Thông tư 10).
Không hạ chuẩn tín dụng, nhưng xử lý linh hoạt
Trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc đẩy mạnh chống tiêu cực, không hạ chuẩn tín dụng, nhưng xử lý linh hoạt phù hợp tình hình; kịp thời xử lý các vướng mắc pháp lý; đẩy mạnh sử dụng các công cụ thị trường, giảm bớt và tiến tới loại bỏ công cụ hành chính.
Các đơn vị đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp để tham gia huy động vốn cho nền kinh tế; đẩy mạnh chính sách tài khóa liên quan vốn, thuế, lệ phí, đầu tư công… để hỗ trợ chính sách tiền tệ. Cùng với đó, các doanh nghiệp bất động sản cũng phải cơ cấu lại phân khúc và giá thành sản phẩm.
Quang cảnh hội nghị. |
Cụ thể, người đứng đầu Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước thực hiện các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; nâng cao chất lượng tín dụng và hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát các điều kiện tín dụng, linh hoạt hơn, sát tình hình hơn nữa (nhất là về tài sản thế chấp, về thủ tục cho vay…) để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi hơn; đồng thời, đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai quyết liệt hơn nữa các biện pháp để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay (tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số…); đẩy mạnh triển khai hiệu quả các gói tín dụng ưu đãi phù hợp với đặc thù của từng tổ chức tín dụng trong các lĩnh vực quan trọng, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung/kéo dài thời gian thực hiện đối với các Thông tư số 02/2023, Thông tư số 03/2023 và Thông tư số 06/2023 và Thông tư số 10/2023 nhằm phù hợp với tình hình thực tế, ổn định thị trường tiền tệ, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định của pháp luật; tiếp tục kiểm soát tốt ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo, cho vay chéo dẫn đến mất an toàn hệ thống.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng cần tiếp tục hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.
"Chấm dứt tình trạng cho vay tập trung vào một số doanh nghiệp, dự án thuộc hệ sinh thái, hoặc thuộc sân sau của tập đoàn dễ làm mất an toàn và lành mạnh của ngân hàng. Nghiêm cấm việc mở rộng room tín dụng và dành lãi suất thấp cho thành viên ban lãnh đạo ngân hàng", Thủ tướng yêu cầu.
Lãnh đạo Chính phủ cũng giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp Bộ Xây dựng thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản theo đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tiễn để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.