Các doanh nghiệp bất động sản vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng
Các “rào cản” làm doanh nghiệp gặp khó khi triển khai dự án bất động sản Tháo gỡ “điểm nghẽn”, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển |
Nhận định trên được ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đưa ra tại Hội thảo: Tháo gỡ “điểm nghẽn”, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, do Báo Lao Động tổ chức sáng 5/7.
Theo ông Khánh, mặc dù ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực điều chỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế thông qua nhiều đợt giảm lãi suất, các gói tín dụng ưu đãi... Mức lãi suất đã giảm mạnh, lãi suất huy động và lãi suất cho vay mới của các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng hơn 2%/năm so với cuối năm 2022 đầu năm 2023.
Thực tế, các thỏa thuận tín dụng cũng chỉ tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt, có quỹ đất lớn với các dự án sạch.
Hầu hết các doanh nghiệp bất động sản không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn do sức khỏe của các đối tượng này vốn đã suy yếu từ lâu, cùng với các khó khăn của thị trường.
Ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) |
Để tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, đẩy nhanh xây nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, ngày 11/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP giao cho NHNN chủ trì triển khai chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng để chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn từ 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung và dài hạn.
Theo Bộ Xây dựng, sau hơn nửa năm triển khai thực hiện, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng bước đầu đã có kết quả, tuy nhiên việc giải ngân còn chậm. Tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 6 dự án nhà ở xã hội tại 7 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 530,973 tỷ đồng, trong khi có tới 28 địa phương đã công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng.
Những tháng đầu năm 2024, tín dụng vay tiêu dùng, mua bất động sản vẫn tiếp tục đà suy giảm dù lãi suất cho vay đã duy trì ở mặt bằng thấp. Bởi những biến cố về lạm phát, lãi suất… vẫn chưa thể dự đoán. Việc vay tiền để mua nhà và trả nợ hàng tháng với số tiền trên 10 triệu đồng trở thành gánh nặng với nhiều gia đình, khi họ không thực sự tự tin vào tình hình công việc và thu nhập trong tương lai.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Khánh đã đề xuất các giải pháp nhằm khơi thông nguồn vốn tín dụng cho thị trường bất động sản.
Theo đó, về phía Chính phủ, các bộ ngành và hệ thống ngân hàng cần sớm ban hành các văn bản, nghị định, thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành ba bộ luật vừa mới được thông qua, bao gồm Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai. Đảm bảo tính “tương thích” giữa ba bộ luật cả về mặt phạm vi, đối tượng, thời gian và không gian.
Với các vấn đề, vướng mắc chưa được tháo gỡ trong luật, các cơ quan bộ, ngành cần chủ động rà soát, tổng hợp, nghiên cứu hướng giải quyết thông qua việc soạn thảo, trình phê duyệt các cơ chế, chính sách đặc thù thông qua các nghị quyết để hỗ trợ xử lý, tránh ách tắc kéo dài.
Song song với việc điều chỉnh hạ lãi suất, các ngân hàng cần xem xét, nới lỏng điều kiện vay để các doanh nghiệp, khách hàng tăng cơ hội tiếp cận được với các khoản vay. Tránh trường hợp “lãi tuy giảm” nhưng thủ tục lại “chặt”.
Đối với các doanh nghiệp bất động sản khó khăn, Ngân hàng Nhà nước nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoãn nợ các khoản vay đến hạn như thời kỳ dịch COVID bùng phát, tiếp cận với các khoản vay tín dụng mới để các dự án được triển khai liền mạch, giảm sức ép lên thị trường.
Các ngân hàng thương mại tiếp tục rà soát, phân loại các dự án bất động sản để kịp thời có giải pháp tín dụng phù hợp đối với doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện, đặc biệt là các doanh nghiệp có dự án bất động sản đáp ứng nhu cầu thực của thị trường, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp phù hợp với thu nhập của người lao động.
Các ngân hàng cần quan tâm hơn tới mảng bất động sản công nghiệp, dành nguồn vốn trung và dài hạn, không chỉ cho vay đầu tư hạ tầng, mà có chính sách cho vay thông thoáng hơn cho các các nhà đầu tư thứ cấp, có thể thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai, hoặc bằng bản quyền sáng chế, công nghệ máy móc, thậm chí có thể tín chấp, việc cho vay thông qua kênh này có thể tạo nên rủi ro, tuy nhiên sẽ có tác dụng rất lớn để phát triển sản xuất, tạo ra nhiều công ăn việc làm nguồn thu ổn định, bền vững nhiều mặt cho nền kinh tế nói chung và tổ chức tham gia nói riêng.
Về phía các doanh nghiệp bất động sản cần chủ động rà soát lại danh mục dự án đầu tư, nên bán một phần hoặc toàn bộ các dự án không phù hợp với nguồn lực hiện tại, đồng thời chủ động cơ cấu nợ và lên phương án dòng tiền. Tập trung nguồn vốn vào các dự án đảm bảo pháp lý, có phương án vay vốn khả thi, có khả năng hoàn thành sớm, dễ thanh khoản để các ngân hàng thương mại có cơ sở cấp tín dụng.
Mặt khác, doanh nghiệp nên giảm bớt kỳ vọng lợi nhuận, thậm chí chấp nhận bán lỗ, dùng lợi nhuận của các năm trước để duy trì hoạt động. Với các dự án mới trong giai đoạn nghiên cứu, doanh nghiệp chủ động định hướng sang phân khúc giá bình dân, sản phẩm để sử dụng, ít mang tính đầu tư, đảm bảo khả năng hấp thụ khi đưa sản phẩm ra thị trường.