Khi ngành Ngân hàng “bật chế độ” can thiệp thị trường vàng, tỷ giá
Thống đốc: Có đủ nguồn lực ổn định thị trường vàng Cả 4 “ông lớn” ngân hàng quốc doanh bán vàng qua mạng Nghiên cứu đề xuất đánh thuế giao dịch vàng |
“Tăng liều” giải pháp kiểm soát tỷ giá
Từ đầu năm 2024 đến nay, thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong nước chịu áp lực tăng từ những biến động khó lường của thị trường tài chính toàn cầu, cộng hưởng với những thách thức, khó khăn trên thị trường trong nước thời gian qua.
Tính đến thời điểm hiện tại, VND mất giá gần 5%, ngang bằng dự báo cả năm. Đây là yếu tố bất ổn khiến Ngân hàng Nhà nước phải vất vả đối phó để ổn định thị trường.
Nguyên nhân chính của việc tỷ giá tăng trong thời gian qua là do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa đưa ra thời gian cụ thể để nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất nên giá trị đồng USD tăng cao. Trong khi đó, việc đồng USD tăng giá đã tác động giảm giá đồng tiền của các nước khác trên thế giới và trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Đồng thời, chính sách hạ lãi suất rất mạnh của Việt Nam trong thời gian qua cũng tạo ra sự bất cập về chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND trên thị trường liên ngân hàng (tiếp tục duy trì lãi suất âm, tức là lãi suất đồng USD thấp hơn VND), điều đó cũng tạo áp lực khiến đồng USD tăng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. |
Tuy nhiên, với sự điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá vẫn duy trì được sự ổn định, thị trường ngoại tệ thông suốt, đảm bảo các cân đối chung ngoại tệ, trạng thái ngoại tệ dương cho các ngân hàng thương mại và nền kinh tế cũng như đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp cho nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, tỷ giá chịu áp lực tăng. Đây là diễn biến chung các nước trên thế giới và trong khu vực, nhiều đồng tiền trong khu vực mất giá ở mức độ tương đối cao.
Trong môi trường kinh tế thế giới biến động như hiện nay, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, tỷ giá có lúc tăng, lúc giảm là điều hết sức bình thường. Chính phủ đã chỉ đạo phải ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã theo dõi rất sát.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp đồng bộ thực hiện các giải pháp, chính sách để điều tiết tiền tệ và thực hiện can thiệp để đảm bảo nguồn ngoại tệ để doanh nghiệp nhập khẩu, phục vụ sản xuất trong nước.
Theo đó, để hỗ trợ ổn định thị trường ngoại tệ, làm dịu sức ép lên tỷ giá trong điều kiện thanh khoản VND của các tổ chức tín dụng tương đối dư thừa, thu hẹp mức chênh lệch lãi suất âm trên thị trường liên ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tín phiếu với kỳ hạn và khối lượng phù hợp nhằm điều tiết lượng tiền VND dư thừa, hạn chế các yếu tố gia tăng áp lực lên tỷ giá.
Đồng thời, từ ngày 19/4/2024, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai bán ngoại tệ can thiệp hỗ trợ thanh khoản thị trường để phục vụ các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế, đồng thời bình ổn tâm lý thị trường, từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Được biết, giải pháp điều tiết thanh khoản và bán ngoại tệ can thiệp được Ngân hàng Nhà nước thực hiện nêu trên cũng tương tự các giải pháp được các ngân hàng Trung ương trong khu vực triển khai thời gian qua.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú. |
Tỷ giá là một trong những vấn đề điều hành vĩ mô rất quan trọng, bởi vì nó không chỉ ảnh hưởng tới giá trị đồng tiền, sức mua của đồng Việt Nam mà nó còn ảnh hưởng rất nhiều đến các chính sách kinh tế khác, đến sự ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát và tâm lý thị trường, niềm tin của nhà đầu tư. Chính vì thế, Ngân hàng Nhà nước luôn coi điều hành tỷ giá là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành theo cơ chế hết sức linh hoạt, để đảm bảo tỷ giá có thể lên xuống phù hợp với xu thế chung và đảm bảo được các mục tiêu đã đề ra, đó là sự ổn định của sức mua đồng tiền, sự hài hòa trạng thái ngoại tệ luôn luôn duy trì ở mức dương cũng như là đảm bảo cân đối ngoại tệ cho các nhu cầu hợp pháp của nền kinh tế, góp phần bình ổn tâm lý thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Với sự phát triển quay trở lại của sản xuất và tăng xuất khẩu trong thời gian tới, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, điều này sẽ hỗ trợ cho cung cầu ngoại tệ. Nhiều dự báo cho thấy, tỷ giá vào cuối năm nay sẽ được hạ nhiệt và Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường để các doanh nghiệp yên tâm vấn đề điều hành của Chính phủ.
Nỗ lực ổn định thị trường vàng
Cùng với tỷ giá, giá vàng cũng diễn biến “nóng” và khiến Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phải “đau đầu” nhất trong những tháng đầu năm 2024.
Từ cuối năm ngoái, lường trước những diễn biến phức tạp, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện các biện pháp quản lý, giám sát hoạt động thị trường vàng. Trong đó, lãnh đạo Chính phủ đã ra hàng loạt văn bản chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp bình ổn và giảm chênh lệch giữa thị trường trong nước và thế giới.
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước. |
Thực tế, giá vàng trong nước, đặc biệt là vàng miếng SJC diễn biến “rất nóng”, có thời điểm tăng lên mức 93 triệu đồng mỗi lượng; chênh lệnh giữa trong nước và thế giới cũng lên tới trên 15 triệu đồng… đặt ra yêu cầu cấp bách phải có giải pháp hiệu quả hơn nữa của Ngân hàng Nhà nước.
Trước yêu cầu đặt ra, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện các giải pháp bao gồm thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng và các doanh nghiệp kinh doanh vàng, và đánh giá lại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP. Cùng với đó, việc tổ chức 9 phiên đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường.
Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, diễn ra ngày 29/5/2024, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, biến động giá vàng là xu hướng chung của các nước trên thế giới chứ không chỉ riêng ở Việt Nam.
Trong nước, giá vàng diễn biến phức tạp và cũng diễn biến cùng chiều với giá vàng thế giới. Tuy nhiên, chênh lệch trong nước và quốc tế nới rộng và đặc biệt là giá vàng SJC. Trước bối cảnh đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm và có nhiều chỉ đạo quyết liệt cả Ngân hàng Nhà nước cũng như các Bộ, ngành phải thực hiện chức năng theo quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP để có thể thu hẹp về chênh lệch giá vàng.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, việc thu hẹp chênh lệch giá vàng là một nhiệm vụ thách thức, bởi vì chúng ta thực hiện trong điều kiện giá vàng quốc tế vẫn liên tục biến động và phức tạp. Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thực hiện tăng cung vàng ra thị trường.
“Thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước thực hiện đấu thầu. Tuy nhiên qua 9 phiên đấu thầu, chênh lệch giá thì giảm không được như kỳ vọng. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã dừng đấu thầu để đánh giá tình hình và tìm ra các nguyên nhân cũng như xây dựng một phương án mới để nhằm giảm được chênh lệch giá vàng trong thời gian tới, đi đôi với minh bạch hóa các giao dịch của thị trường vàng”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Khi các giải pháp trên chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng, mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới vẫn ở mức cao, khoảng trên 20%, Ngân hàng Nhà nước quyết định thực hiện bán vàng cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) để các đơn vị này bán vàng trực tiếp tới người dân.
Cùng với biện pháp kể trên, Ngân hàng Nhà nước cũng phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Thanh tra Chính phủ tổ chức thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng đối với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và sẽ kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật.
Thực tế, kể từ ngày 29/5/2024, thời điểm Ngân hàng Nhà nước thông báo áp dụng biện pháp mới để bình ổn thị trường vàng, đến nay, giá vàng SJC đã giảm 15 triệu đồng/lượng, tương đương mức giảm 16%. Đồng thời, chênh lệch giữa giá vàng SJC với giá vàng quốc tế cũng thu hẹp xuống chỉ còn gần 4 triệu đồng/lượng và chỉ còn cao hơn so với giá vàng nhẫn 24k trong nước hơn 2 triệu đồng/lượng.
Trong bối cảnh thị trường vàng đã “bớt nóng”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ để kiểm soát, ổn định kinh tế vĩ mô. Ngân hàng Nhà nước có đủ nguồn lực và quyết tâm để bình ổn thị trường vàng, giữ mức chênh lệch giữa trong nước và thế giới ở mức phù hợp.