Các ngân hàng phải "tranh nhau cho vay" với khách hàng tốt
Ngân hàng Nhà nước "chia" lại chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng Các ngân hàng ngấm đòn nợ xấu trái phiếu bất động sản |
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa chủ trì cuộc họp với về điều hành tăng trưởng tín dụng trong thời gian cuối năm 2023.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 23/11/2023 dư nợ toàn hệ thống tăng 8,38% so với cuối tháng 12 năm ngoái mức đã giao cho các tổ chức tín dụng.
Theo đó dư địa còn lại của toàn hệ thống để các tổ chức tín dụng mở rộng tăng trưởng tín dụng là rất lớn khoảng 6,2% tương đương khoảng 735 nghìn tỷ đồng để cấp cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao chủ yếu do nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, quá trình phục hồi còn chậm nên cầu tín dụng giảm và sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế còn yếu…
Chia sẻ tại cuộc họp, đại diện các ngân hàng cũng cho rằng, về vốn hiện các ngân hàng không thiếu nhưng để bơm vốn cho nền kinh tế, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng, vấn đề không chỉ nằm ở công tác điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng hay room tín dụng mà còn nằm ở khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Chiều 30/11, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp với về điều hành tăng trưởng tín dụng trong thời gian cuối năm 2023. |
Theo đại diện các nhà băng, làm ngân hàng thì "ai cũng thích cho vay", không cho vay được là thất nghiệp. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, tất cả các phân khúc khách hàng đều bị ảnh hưởng nên giải ngân tín dụng là bài toán khó.
Thực tế cho thấy, khi thị trường nước ngoài giảm sút, tổng cầu trong nước và thế giới đều giảm, doanh nghiệp không có đơn hàng, co cụm lại, không những không vay vốn mà khi bán được hàng tồn kho họ còn trả lại tiền cho ngân hàng. Những người có khả năng vay và trả thì không có nhu cầu, bởi nếu vay vốn sản xuất mà để tồn kho thì rất nguy hiểm.
Chính vì vậy đối với những khách hàng tốt, các ngân hàng thương mại "tranh nhau để cho vay", nhưng cũng có những nhóm khách hàng cần phải thận trọng để để phòng ngừa rủi ro.
Các ngân hàng thương mại đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp tổng thể hơn, nhất là giải quyết những vướng mắc pháp lý liên quan tới các dự án bất động sản; triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước nhất là trong dịp tết nguyên đán sắp tới; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư,… qua đó khơi thông "mạch máu" tín dụng.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cần phải bám sát tình hình thực tế của nền kinh tế và nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, rà soát, xem lại các quy định để điều chỉnh, nhằm điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng chủ động, linh hoạt hơn nữa.
Trong thời gian còn lại của năm 2023, Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, nỗ lực hơn nữa tìm thêm các giải pháp điều hành, cấp tín dụng cho nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên theo quy định của pháp luật và bảo đảm an toàn hệ thống.
Chia sẻ quan điểm "không thể vỗ tay bằng một bàn tay" của đại diện một ngân hàng thương mại nêu trong cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng cho rằng "nếu 2 bàn tay mà không vỗ trúng vào nhau thì cũng không thể thành tiếng", do đó ông đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng cần phải chủ động hơn nữa, sẵn sàng hơn nữa để giải ngân vốn kịp thời khi doanh nghiệp, người dân có nhu cầu và đảm bảo điều kiện.