Đến 24/6, tín dụng tăng trưởng 4,45%
Ngân hàng nào nắm “ngôi vương” doanh số sử dụng thẻ tín dụng? Phó Thống đốc: Dư nợ tín dụng xanh đạt gần 637.000 tỷ đồng |
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong nửa đầu năm 2024, mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay duy trì xu hướng giảm, tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; hoạt động kinh doanh bảo hiểm ổn định, thị trường chứng khoán duy trì xu hướng tăng trưởng theo đà phục hồi của nền kinh tế.
Theo đó, tính đến thời điểm 24/6/2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,50% so với cuối năm 2023 (cùng thời điểm năm trước tăng 3,68%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,45% (cùng thời điểm năm trước tăng 3,83%).
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, điều hành hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ; đồng thời chỉ đạo tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Ảnh minh họa. |
Tại thời điểm tháng 4/2024, lãi suất tiền gửi bình quân bằng đồng Việt Nam của ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 1,9%-2,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,8%-5,2%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 6%-6,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,9%-7,4%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.
Lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 7,3%-9,5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng đồng Việt Nam đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,6%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (4%/năm).
Theo đánh giá của cơ quan thống kê, tín dụng tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống và tập trung vào các động lực tăng trưởng kinh tế, đáp ứng xu hướng mới như tín dụng xanh, đồng hành cùng quá trình thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050...
Về thị trường chứng khoán, hoạt động giao dịch trên thị trường diễn ra sôi động trong sáu tháng đầu năm 2024, chỉ số VN-Index duy trì xu thế tăng trưởng nhờ hoạt động sản xuất kinh doanh được phục hồi.
Trên thị trường cổ phiếu, tính đến ngày 26/6/2024, chỉ số VNIndex đạt 1.260,99 điểm, tăng 11,6% so với cuối năm 2023; mức vốn hóa thị trường (đến ngày 17/06/2024) đạt 5.533,6 nghìn tỷ đồng, giảm 6,8%.
Giá trị giao dịch bình quân tháng 6/2024 đạt 26.970 tỷ đồng/phiên, tăng 7,6% so với bình quân tháng trước. Tính từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 24.309 tỷ đồng/phiên, tăng 38,3% so với bình quân năm 2023.
Đến cuối tháng 5/2024, thị trường cổ phiếu có 730 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết; 878 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM với tổng giá trị niêm yết và đăng ký giao dịch đạt 2.159 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với cuối năm 2023.
Trên thị trường trái phiếu, giá trị giao dịch bình quân tháng 6/2024 đạt 12.088 tỷ đồng/phiên, tăng 16,6% so với bình quân tháng trước. Tính từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 10.187 tỷ đồng/phiên, tăng 56,3% so với bình quân năm 2023.
Tính đến cuối tháng 5/2024, thị trường trái phiếu hiện có 461 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt hơn 2.127 nghìn tỷ đồng, tăng 4,8% so với bình quân năm 2023.