Thủ lĩnh Đoàn giữ gìn và phát huy nghề khảm trai truyền thống
Thủ lĩnh Đoàn “dân vận khéo"... Muốn làm thủ lĩnh giỏi phải lắng nghe thanh niên... |
Vượt khó
Tốt nghiệp trung học phổ thông Tuệ lên đường đi bộ đội. Những năm tháng trong quân ngũ đã rèn giũa cho anh tính cẩn thân, kiên trì và kỉ luật. Xuất ngũ trở về địa phương anh hăng hái tham gia công tác Đoàn và tìm kiếm các cơ hội lập nghiệp. Khi đó, bố mẹ Tuệ đang phát triển trang trại theo mô hình VAC và muốn anh nối nghiệp. Tuy nhiên, anh lại muốn gắn bó với nghề khảm trai.
“Từ những chiếc vỏ trai, vỏ ốc tưởng như vô dụng người thợ khảm Chuyên Mỹ có thể tạo ra các họa tiết vô cùng tinh xảo. Nghề khảm trai không đơn thuần chỉ có đục đẽo, mài, lắp ráp theo khuôn mẫu nhất định, đó còn là cả một quy trình bao gồm nhiều công đoạn mới tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh. Những tác phẩm ấy không chỉ được tạo nên từ đôi bàn tay cần mẫn tài hoa mà gửi gắm cả tâm hồn người thợ” – Tuệ chia sẻ.
Với Tuệ đó không chỉ là một nghề mà còn là nét văn hóa truyền thống của quê hương. Anh yêu nét văn hóa ấy nên ngay từ khi học cấp 2 đã đến nhiều cơ sở khảm trai ở làng để học nghề. Tuệ muốn có một xưởng khảm của trai của riêng mình. Tuy nhiên, chưa đủ kinh nghiệm và thiếu vốn nên anh quyết định đi làm thuê cho các cơ sở khảm trai trong làng. Tuệ muốn tìm hiểu kỹ thuật và cả các nguyên liệu khảm trai.
Theo Tuệ, nguyên liệu khảm trai không chỉ có vỏ trai, vỏ ốc trong nước mà còn nhập ngoại từ Singapore, Indonesia... Vỏ trai dùng để khảm cũng có nhiều loại. Trai cánh mảnh, nhỏ có màu sẫm trong khi trai thịt trắng có vỏ dày, nhiều vân. Trai ngọc bên trong có lớp xà cừ dày óng ánh tựa sắc cầu vồng.
Nguyễn Đình Tuệ luôn cố gắng giữ gìn và phát huy nghề khảm trai truyền thống |
Khi tích lũy được kinh nghiệm cộng với việc được Đoàn Thanh niên xã hỗ trợ vay vốn Tuệ quyết định lập nghiệp. Toàn bộ đam mê nhiệt huyết anh dồn cả vào các tác phẩm khảm trai. Tuy nhiên, đúng lúc đó Tuệ gặp khó khăn về đầu ra cho sản phẩm. Anh cho biết: “So với nhiều gia đình ở làng mình là người làm sau. Sản phẩm của họ đã có thương hiệu và được nhiều người biết đến trong khi đó mình mới bập bõm vào nghề”.
Giữ nghề
Không chịu khuất phục khó khăn, Tuệ đẩy mạnh việc giới thiệu sản phẩm và bán hàng trên mạng xã hội. Anh cũng tích cực mang sản phẩm ra các cửa hàng ở nội thành Hà Nội để quảng bá. Nhiều lần Tuệ chở hàng về đúng lúc trời mưa tầm tã nên vô cùng vất vả. Tuy nhiên, sự kiên trì đã giúp anh vượt qua khó khăn và dần dẫn có được khách hàng quen. Hiện cơ sở khảm trai của Tuệ tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Vừa phát triển kinh tế gia đình Tuệ vừa tích cực tham gia công tác Đoàn – Hội tại địa phương. Nhiệt tình, năng động nên anh nhanh chóng được tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Chuyên Mỹ. Theo Tuệ, do tác động của kinh tế thị trường nên việc thu hút, tập hợp thanh niên gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, anh và Ban chấp hành Đoàn xã đã đẩy mạnh việc tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao và các tổ, đội, nhóm, câu lạc bộ theo sở thích như: Câu lạc bộ bóng chuyền, Câu lạc bộ Thanh niên làm kinh tế giỏi…
“Câu lạc bộ Thanh niên làm kinh tế giỏi của xã hiện có hơn 10 thành viên. Hàng quý chúng mình tổ chức sinh hoạt một lần. Trong đó, các thành viên sẽ trao đổi về nghề nghiệp, kỹ năng sống hay hỗ trợ nhau trao đổi hàng hóa” – Tuệ cho biết.
Câu lạc bộ Thanh niên làm kinh tế giỏi không chỉ hỗ trợ tích cực Đoàn xã trong công tác đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ các gia đình và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hoạt động tình nguyện mà còn tạo việc làm và khuyến khích các thanh niên khác khởi nghiệp. Trong đó, Tuệ và các thành viên khác chú trọng công tác tuyên truyền đến đoàn viên, thanh niên giữ gìn nét văn hóa địa phương thông qua loa truyền thanh của xã; tổ chức cho đoàn viên, thanh niên đến dâng hương, dọn dẹp vệ sinh ở Đền thờ cụ Trương Công Thành, Tổ nghề khảm trai.
Những hoạt động đó đã góp phần tích cực vào sự phát triển công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của địa phương. Mô hình kinh tế và những đóng góp của Tuệ cho công tác Đoàn được Huyện đoàn Phú Xuyên đánh giá cao. Đây cũng trở thành động lực để Tuệ tiếp tục nỗ lực mở rộng mô hình kinh tế, tích cực đóng góp cho công tác Đoàn. “Từ nhỏ mình đã luôn muốn gắn bó với quê hương. Vì vậy, mình sẽ nỗ lực để cùng với các đoàn viên, thanh niên khác giữ gìn và phát triển làng nghề, góp phần tích cực vào việc xây dựng nông thôn mới tại địa phương” – Tuệ nói.