Thăng Long - Hà Nội, nơi mạch nguồn văn hóa chảy mãi

Kể từ ngày Lý Thái Tổ định đô đất Thăng Long, địa linh nên nhân kiệt, là chốn “hội tụ quan yếu bốn phương” nên nơi đây lắng tụ, bồi đắp tinh hoa khắp trăm miền. Để hơn 11 thế kỷ qua, mạch nguồn văn hóa ấy càng dạt dào, chảy mãi đến ngàn sau.
Xe khách, xe máy bị cấm lưu thông trên cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long Dàn "siêu mẫu" nhí xúng xính áo dài diễn catwalk Hồn Việt sống động trong những thiết kế "Áo dài xưa và nay"

Những dặm dài văn hóa

Cả ngàn năm qua, là nơi kinh thành, giáo dục và văn hóa của Thăng Long rất phát triển. Văn nhân thi sĩ khắp đất nước ta đều có nhưng tại Hà Nội có nhiều dấn ấn của những nhà thơ, nhà văn nổi tiếng khắp các triều đại phong kiến xưa kia.

Đến thời chữ quốc ngữ hình thành và phát triển, bao nhiêu tác phẩm thi ca nhạc họa ra đời tại Hà Nội, do nghệ sĩ Hà Nội sáng tác và thể hiện vẫn còn vang vọng cho đến tận bây giờ. Thế hệ nghệ sĩ Hà Nội thời chống Pháp, chống Mỹ cũng cống hiến cho chúng ta khối lượng tác phẩm đồ sộ. Từ đó đến nay, mỗi thế hệ đều cho ra đời những sản phẩm văn hóa mang dấu ấn thời đại của mình.

Bao trùm tất cả, đó là nét văn hóa Hà Nội thể hiện qua rất nhiều điều. Những tác phẩm văn học nghệ thuật, những công trình kiến trúc có tính thẩm mỹ cao. Ngay cả những hàng cây, dãy phố, cây cầu… cũng đều là một phần của nền văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

Thăng Long- Hà Nội, nơi những mạch nguồn văn hóa chảy mãi
Thăng Long- Hà Nội, nơi những mạch nguồn văn hóa chảy mãi

Không thể không nhắc đến yếu tố con người - chủ thể của văn hóa. Người kinh kỳ thanh lịch hào hoa, người Thủ đô ý nhị tinh tế cũng tạo nên những nét văn hóa ứng xử, tạo nên lối sống rất Hà Nội mà không đâu có được.

Những điều đó làm nên một tổng thể văn hóa Hà Nội, thành những giá trị dù có biến chuyển theo thời gian lúc đầy lúc hao nhưng cốt lõi giá trị ấy không bao giờ thay đổi. Đó chính là điều khiến chúng ta thêm tự hào, thêm yêu mảnh đất này như yêu trái tim mình.

Sau hòa bình lập lại 1954 và nhất là từ khi đất nước thống nhất 1975, thành phố Hà Nội đã đề ra nhiều chương trình bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đặc biệt, từ năm 1990, hướng tới kỷ niệm 990 năm và Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, thành phố đã tập trung tu bổ tôn tạo các di tích trọng điểm và các di sản phi vật thể tiêu biểu. Hàng chục ngàn tỷ đồng của Nhà nước và đóng góp của nhân dân đã đầu tư vào tu bổ hàng trăm di tích, như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các di tích của Thăng Long tứ trấn, đền thờ Hai Bà Trưng, di tích thuộc tứ bất tử (Đền Và, đền Phù Đổng...), Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, các đình, đền, chùa tiêu biểu về kiến trúc và lịch sử, các di tích cách mạng kháng chiến và lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Năm 1999, Hà Nội được tổ chức Văn hóa - Giáo dục - Khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”.

Từ ngày 1/8/2008, địa giới Hà Nội được mở rộng bao gồm cả tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Một lần nữa nền văn hóa đa dạng, phong phú được tích hợp thêm những giá trị mới để Hà Nội mang tầm vóc Thủ đô trong thời kỳ hội nhập và sáng tạo.

Chào đón kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, thành phố đầu tư xây dựng tượng đài Lý Thái Tổ, Thánh Gióng, Quyết tử để Tổ quốc Quyết sinh, Bác Hồ và Bác Tôn (do Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng tại Công viên Thống nhất).

Năm 2000, Hà Nội tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhân dịp này, tháng 10/2000, Hà Nội được Chủ tịch nước quyết định tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”. Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội được Ban chỉ đạo Quốc gia và thành phố Hà Nội tổ chức rất trọng thể vào tháng 10/2010. Tuần văn hóa với những họat động hết sức ấn tượng. Đêm văn hóa nghệ thuật đặc sắc được tổ chức tại sân vận động Quốc gia Mỹ Đình ngày 10/10/2010. Dịp đại lễ đã giúp cho nhân dân Thủ đô và cả nước hiểu hơn về Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, anh hùng... đồng thời củng cố niềm tin, Hà Nội đang vững bước hướng tới tương lai.

Chảy mãi về tương lai

10 năm đã trôi qua kể từ đại lễ 1000 năm Thăng Long, nhà văn hóa Bùi Hạnh Cẩn từng nói đây là dịp hiếm có “1000 năm một gặp”, không phải ai cũng có cơ may trong đời. Nay ông đã về thế giới người hiền, chúng ta những người ở lại càng may mắn hơn vì tiếp tục được đếm con số 1010. Vậy là 1010 năm, kể từ cái năm 1010 Lý Thái Tổ dời đô về nơi đây. Cứ mỗi một năm, giống như lớp vân gỗ trên thân cây, tầng văn hóa của Hà Nội lại dày thêm một chút.

Hà Nội vô cùng trân trọng những gì mình đang có được ngày hôm nay. Đó là kết quả bao thế hệ, bao công sức, bao thế kỉ người xưa dựng lên. Trong đó, các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh là nguồn sử liệu quý giá, minh chứng cho quá trình hình thành, phát triển của Thủ đô Hà Nội và của dân tộc. Thời gian qua, công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần làm phong phú kho tàng di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

Theo số liệu của cuộc tổng kiểm kê, đánh giá và phân loại di tích năm 2016, trong 5.922 di tích lịch sử, văn hóa được kiểm kê, có 2.435 di tích xếp hạng đã được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội công bố và bàn giao số liệu, danh mục di tích cho các quận, huyện, thị xã quản lý.

Địa phương có nhiều di tích là huyện Thường Tín (440 di tích), Ứng Hòa (433 di tích), Ba Vì (394 di tích), Chương Mỹ (374 di tích), Phú Xuyên (345 di tích), Sóc Sơn (341 di tích)… Các địa phương có ít di tích tập trung chủ yếu là các quận nội thành như: Thanh Xuân (29 di tích), Ba Đình (47 di tích), Cầu Giấy (49 di tích), Hai Bà Trưng (51 di tích), Hoàn Kiếm (66 di tích)…

Theo đó trên toàn thành phố có hơn 1.000 lễ hội với các chủ đề, quy mô và hình thức khác nhau. Trong đó các lễ hội chủ yếu tập trung vào dịp mùa xuân.

Ngoài những lễ hội lớn ở Hà Nội như lễ hội chùa Hương, lễ hội gò Đống Đa, hội Gióng… trong thành phố Hà Nội còn có các lễ hội của nhiều vùng địa phương được tổ chức rải rác trong năm. Các lễ hội đều mang những sắc màu riêng biệt.

Tinh thần, đặc trưng nguồn gốc văn hóa, lịch sử cũng như những khát vọng của người Việt nói chung và người Thăng Long xưa nói riêng đều được thể hiện rõ nét thông qua những lễ hội. Đây cũng là những giá trị văn hóa quý giá cần được gìn giữ, lưu truyền và phát huy.

Năm 2019 chúng ta kỉ niệm 20 năm được UNESCO vinh danh thành phố vì hòa bình. Cũng trong năm này, Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố sáng tạo” của UNESCO.

Thăng Long - Hà Nội, nơi mạch nguồn văn hóa chảy mãi

Ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đã trao Quyết định của Tổng Giám đốc UNESCO công nhận Danh hiệu “Hà Nội - Thành phố sáng tạo về thiết kế” và trở thành một thành viên chính thức của Mạng lưới các Thành phố sáng tạo văn hóa của UNESCO trên toàn cầu.

Ông Michael Croft cho rằng, nếu như Hà Nội được UNESCO ghi danh là Thành phố vì hòa bình từ 20 năm trước, xuất phát từ truyền thống đoàn kết và nhân ái thì "Hà Nội - Thành phố sáng tạo" là một danh hiệu mới, danh hiệu của thế kỷ XXI. Danh hiệu này thể hiện chiến lược và tầm nhìn của thành phố Hà Nội, Thủ đô của Việt Nam tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết và tích cực tham gia hội nhập với bạn bè khu vực và trên thế giới.

Lịch sử nghìn năm văn hiến với những di sản văn hóa phong phú của Thủ đô đã thổi bùng lên ngọn lửa của sức sáng tạo và đổi mới. Hà Nội giờ đây là một mảnh đất màu mỡ cho để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng những giá trị mới, với lớp lớp thế hệ trẻ và những con người tài năng nhất, nhiệt huyết nhất đang nỗ lực cống hiến tại mảnh đất kinh kỳ.

Như vậy, tham gia mạng lưới các Thành phố sáng tạo là điều kiện để thành phố xây dựng và thúc đẩy vị trí cạnh tranh trong thu hút đầu tư, kích thích tái tạo đô thị, tập trung các chương trình phát triển giáo dục và các sự kiện văn hóa gắn liền với sự phát triển bền vững. Tham gia mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO là bước đi đầu tiên nhưng có ý nghĩa quan trọng cho mục tiêu nâng cao vị thế và tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn hơn cho Thủ đô Hà Nội. Để thực hiện cam kết, thành phố sẽ cụ thể hóa bằng những chương trình, hành động cụ thể nhằm thúc đẩy tiềm năng, sức mạnh mềm của giá trị ngàn năm văn hiến của Thủ đô.

Hà Nội - “Trái tim của cả nước”, là đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế - nơi hội tụ các tinh hoa văn hóa ngàn năm văn hiến; Là nơi tập trung đông đảo các nhà khoa học của cả nước. Đây là nền tảng, một nguồn lực to lớn để phát triển cũng như là tiền đề để khơi nguồn sáng tạo.

Đây cũng chính là những nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững của Thủ đô. Thành phố hiện có một cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo phát triển nhanh chóng, phong phú gồm: Các nhà thiết kế, nghệ sĩ, nhà khoa học, các không gian sáng tạo và hàng nghìn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo.

Tiếp tục bồi đắp, khẳng định giá trị người Hà Nội

Không chỉ giữ gìn, trao truyền, phát huy những giá trị người xưa để lại, Hà Nội luôn ý thức mình sống sao cho xứng với những thành quả ấy. Trong điều kiện hòa bình, phát triển, hội nhập, người Hà Nội cũng phải tạo nên dấu ấn của thời đại ngày nay. Điều đó càng được khẳng định rõ nét hơn qua hai bộ quy tắc ứng xử mà thành phố ban hành.

Thời gian thực hiện chưa lâu, chưa phải là dài so với 1010 năm của hành trình Thăng Long - Hà Nội nhưng tính hiệu quả của hai bộ quy tắc ứng xử cho ta thấy một lần nữa văn hóa nền tảng của Hà Nội vô cùng vững chắc. Bởi lẽ, giống như một cái cây cổ thụ, có thể một vài nhánh bị sâu mọt khiến người ta hiểu nhầm.

Thân cây vẫn tràn trề nhựa sống, có gốc rễ sâu rộng, khi được “điểm” đúng chỗ, cây lại trổ cành xanh lá, ra hoa kết quả xum xuê tươi tốt, át hết những cành sâu mọt kia. Nhìn tổng thể, “cây” văn hóa Hà Nội bây giờ tràn trề sức sống mùa xuân. Rồi đến lúc, những cành sâu mọt tự gãy rụng vì biết không còn được dung dưỡng. Cả những cành tầm gửi cũng phải mất dấu, nhường chỗ cho “cành chính thống” phát huy tác dụng.

Nói như thế để thấy, một bộ phận người Hà Nội thiếu ý thức cũng chỉ như dăm ba cành nhánh nhỏ đi ngược lại với khát khao vươn ra ánh nắng mặt trời, cống hiến cho tập thể mà thôi. Nếu không có gốc rễ bền chặt, không có nội lực hùng hậu, hẳn sâu mọt ở cành nhánh ấy sẽ lan tỏa nhanh chóng mà tiêu diệt cả thân cây. Điều đó không thể xảy ra. Bởi hai Bộ quy tắc ứng xử như “liều thuốc” kịp thời và đúng chỗ, mang tính gợi mở, khơi gợi truyền thống và tính tự giác cao của mỗi công dân nên phát huy tác dụng với hiệu quả có thể trông thấy rõ.

Đối với bộ quy tắc ứng xử cho công chức, viên chức, người lao động, điều này thực sự chấn chỉnh tâm thế, tư tưởng, tác phong của cán bộ nhà nước. Một mũi tên trúng nhiều đích, bộ quy tắc này khiến sự chây ì, ỷ lại, thói “sáng rửa cưa, trưa mài đục”, “sáng cắp ô đi tối cắp về”, đổ gánh nặng lên tập thể đã giảm bớt rất nhiều.

Thăng Long - Hà Nội, nơi mạch nguồn văn hóa chảy mãi

Từ đó, hiệu quả công việc được nâng lên rõ rệt. Môi trường công sở trở thành mái nhà thứ hai, nơi mọi người đoàn kết gắn bó nhưng tất thảy đều tự giác làm tốt phần việc của mình, tạo văn hóa cơ quan, văn hóa đồng nghiệp trên cơ sở tôn trọng cá nhân, bản thân và tập thể.

Điều này cũng khiến hình ảnh cán bộ nhà nước thay đổi trong mắt nhân dân. Sự tin tưởng, yêu mến sẽ là động lực để nhân dân làm theo, cống hiến và gửi trọn niềm tin vào cơ quan nhà nước.

Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng cũng chính là bộ quy tắc chung cho toàn xã hội. Mỗi người đều có thể tự soi mình vào đó mà điều chỉnh hành vi, lối ứng xử của mình. Cơ bản, những điều “nên” và “không nên” của bộ quy tắc này cũng chính là những gì chúng ta cần để ứng xử với gia đình, hàng xóm, đồng nghiệp, với mọi người xung quanh.

Thực tế cho thấy, bước chân từ nhà ra ngõ, lên xe buýt, ra công viên, đi trên đường, vào siêu thị, đến trường học, vào cơ quan công sở… những thói hư tật xấu đã giảm đi rõ rệt. Bản thân mỗi người Hà Nội cũng đã tự thấy mình khó có thể đi ngược xu thế trong thời buổi hiện đại này. Hay nói cách khác, bản thân mỗi người Hà Nội cũng có nhu cầu hoàn thiện và đẹp trong mắt người khác, cả về nội dung và hình thức.

Bởi vậy, chúng ta có gì ở thời điểm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội? Chúng ta có tất cả thiên thời - địa lợi - nhân hòa để tự hào rằng, chúng ta đang ngụp lặn thỏa thuê trong dòng chảy bền vững của văn hóa Thủ đô và sẽ xuôi cùng dòng chảy ấy đúng hướng, về tương lai.

Thanh thiếu nhi Ba Đình thi tìm hiểu “Thăng Long xưa - Hà Nội nay”
Sôi nổi các hoạt động kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội
PV
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động