Tái thiết di sản công nghiệp - Cần một "tiếng nói chung"
Tạo sức sống cho di sản bằng nghệ thuật đương đại Chuyên gia Pháp hiến kế tái thiết di sản công nghiệp hiệu quả |
Nhiều thiết kế có tính ứng dụng cao
Tại phần trao giải cuộc thi Iconic Design, Tiến sĩ, kiến trúc sư Vương Hải Long – Trưởng khoa Kiến trúc trường Đại học Kiến trúc Hà Nội - bày tỏ sự tự hào và vui mừng khi trường có được những bạn trẻ tài năng trong ngành.
Ông chia sẻ: “Có tới vài trăm đồ án dự thi tham gia cuộc thi Iconic Design. Hội đồng chấm thi đã phải lựa chọn kỹ lưỡng giữa rất nhiều ý tưởng, nét vẽ độc đáo khác nhau để chọn ra 15 sinh viên xuất sắc nhất trong ngày hôm nay. Các bạn rất xứng đáng với phần thưởng vì đó là tài năng và tâm huyết của các bạn dành cho ngành thiết kế. Tôi mong các bạn sẽ không ngừng phát huy sức sáng tạo để cho ra những tác phẩm độc đáo và có tính ứng dụng cao trong cuộc sống”.
Các sinh viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội với đồ án ấn tượng đã đạt giải trong cuộc thi Iconic Design. |
Tiến sĩ, kiến trúc sư Vương Hải Long chúc mừng sinh viên Nguyễn Đan Hùng đạt giải Nhất cuộc thi. |
Hai bạn Lê Minh Hạnh và Phùng Thế Hùng với thành tích giải Nhì |
Giải Ba Iconic Design là Lê Thị Thanh Hà, Lê Trung Thái, Cao Bá Trọng |
Cuộc thi được tổ chức dành cho các cựu sinh viên, hướng đến thiết kế thư viện dành cho vùng khó khăn tại địa bàn các tỉnh miền núi. Với mục tiêu tuyên truyền văn hóa đọc, mang đến điều kiện tiếp cận sách cho học sinh vùng cao, hơn 100 cựu sinh viên ngành kiến trúc, xây dựng đã đưa ra những ý tưởng đa dạng khiến ban giám khảo rất bất ngờ.
Kiến trúc sư Trần Hữu Thọ - Giám đốc thiết kế Vietdecor |
Kiến trúc sư Trần Hữu Thọ - Giám đốc thiết kế Vietdecor – chia sẻ: “Chúng tôi rất ấn tượng với đồ án đạt giải cao nhất của cuộc thi. Tôi cho rằng, các sinh viên kiến trúc, thiết kế ngày nay đã có sự tìm hiểu và đầu tư thời gian, công sức để nghiên cứu vấn đề khá cụ thể. Bởi nếu không có sự nghiên cứu đó, các bạn sẽ không đưa ra được những mẫu thiết kế mang tính ứng dụng thực tiễn và rất phù hợp với môi trường vùng cao như cuộc thi đã đề ra. Chúng tôi hi vọng có thể tổ chức nhiều cuộc thi tương tự để khai thác và phát hiện được các kiến trúc sư có tài năng để đem lại nhiều giá trị hơn cho cộng đồng thiết kế nói riêng và xã hội nói chung”.
Giải Nhất cuộc thi Thiết kế thư viện cộng đồng thuộc về bạn Nguyễn Trung Kiên. Ông Trần Hữu Thọ cho biết, đồ án giải Nhất của cuộc thi sẽ được ông và nhóm KTXD 9497 lựa chọn để thi công tại một điểm vùng cao vào đầu năm 2024. |
Cần sự vào cuộc của chính quyền, cộng đồng sáng tạo, nhà đầu tư
Sau phần trao giải là buổi tọa đàm “Tái thiết các di sản trong lòng Hà Nội tiếp cận từ khai thác sáng tạo và phát huy giá trị” do trường Đại học Kiến trúc Hà Nội tổ chức.
Tọa đàm được dẫn dắt bởi các diễn giả Tiến sĩ - Kiến trúc sư Đinh Thị Hải Yến, Thạc sĩ, kiến trúc sư Phạm Thùy Linh và Thạc sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Việt Ninh đã đem tới những phân tích và góc nhìn chuyên môn kiến trúc để trả lời cho câu hỏi "Làm thế nào để tận dụng hiệu quả tiềm năng của những di sản công nghiệp lâu dài, bền vững?".
Tiến sĩ Đinh Thị Hải Yến, Thạc sĩ Phạm Thùy Linh và Thạc sĩ Nguyễn Việt Ninh ((từ phải qua trái) |
TS Đinh Thị Hải Yến trình bày kết quả của những nghiên cứu cụ thể về công tác đánh giá giá trị di sản, khía cạnh liên quan đến sự lỗi thời của công trình và tái sử dụng thích ứng di sản thông qua các mô hình quốc tế đang thịnh hành.
Theo đó, có những tiêu chí giúp nhận định chi tiết về các khía cạnh của di sản như yếu tố lịch sử, xã hội, khoa học, thiết kế,...Thông qua đó, giới nghiên cứu sẽ có cái nhìn khách quan để đánh giá và nhận định giá trị, xác định tiềm năng bảo tồn của một di sản.
Hà Nội hiện có 185 công trình công nghiệp. Trong đó, 95 công trình còn hiện hữu, 90 công trình đã bị phá hủy và chuyển đổi. Trước năm 1945, có các công trình công nghiệp là Nhà máy Bia Hà Nội, Nhà máy Rượu Hà Nội, Nhà máy Điện Yên Phụ, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Tới giai đoạn 1954-1965 có 24 công trình, giai đoạn 1965-1975 có 12 công trình và giai đoạn 1975-1986 có 10 công trình...
Một phần trong nghiên cứu của Tiến sĩ - Kiến trúc sư Đinh Thị Hải Yến về di sản công nghiệp |
“Các di sản công nghiệp có ý nghĩa lớn về mặt lịch sử và thẩm mỹ, xã hội. Rất nhiều di sản có giá trị sâu sắc về tinh thần với người dân. Bởi chúng đóng vai trò quan trọng trong quá khứ, gắn liền với tiềm thức, ký ức cũng như cuộc sống một thời. Vậy nên di sản công nghiệp xưa cũ luôn có sức sống ngay cả trong đời sống hiện đại”, Tiến sĩ Đinh Thị Hải Yến nhận xét.
Bài toán đặt ra thời điểm này là làm thế nào để "đánh thức" tiềm năng công nghiệp văn hóa đang ngủ yên của các di sản công nghiệp trên địa bàn Hà Nội, khi các công tác cải tạo và chuyển đổi di sản công nghiệp vẫn chưa thực sự có sức ảnh hưởng hiệu quả.
Tiến sĩ Đinh Thị Hải Yến nhận định, các chính sách và định hướng của cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo tồn, tái thiết để "vực dậy" chuỗi di sản công nghiệp. Chính quyền nên đề ra kế hoạch điều phối quy hoạch cụ thể để xử lý các khúc mắc trong công tác giữ gìn và phát triển di sản nói chung và di sản công nghiệp nói riêng trên địa bàn Hà Nội.
"Thiết nghĩ, chúng ta nên tìm được tiếng nói chung về định hướng của chính quyền, Nhân dân và các nhà đầu tư để việc tái thiết di sản công nghiệp có thể hoạt động hiệu quả. Các cơ quan, ban ngành quản lý cần đánh giá, thẩm định kỹ lưỡng các khía cạnh về giá trị của di sản công nghiệp trước khi lên kế hoạch tái thiết, sửa đổi không gian. Dựa vào đó, các nhà đầu tư tiềm năng sẽ xác định được con số cụ thể nhằm tái thiết lại không gian di sản hợp lý. Nhà đầu tư cần nắm được họ nên giữ lại những gì của di sản và sửa đổi, xây mới phần nào của các công trình cũ. Nếu có được sự hài hòa ấy thì việc khai thác di sản công nghiệp sẽ đáp ứng hiệu quả cho phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô trong tương lai" - bà Yến nói.