Di sản công nghiệp làm sống lại những ký ức về thời bao cấp

Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, bốt Hàng Đậu, cầu Long Biên những ngày này đón tiếp hàng chục nghìn lượt khách tham quan. Trong số ấy, không ít du khách là những người cao tuổi, từng gắn bó với những di sản này.

Hoài niệm về một thời bom đạn

Với thế hệ trẻ bây giờ, có lẽ khái niệm thời bao cấp chỉ hiện hữu trong trang sách, tài liệu hoặc qua những câu chuyện kể của bố mẹ, ông bà. Vì thế, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 với chủ đề “Dòng chảy”, Ban tổ chức đã tái hiện một không gian thời bao cấp một cách sinh động qua những triển lãm sắp đặt tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm.

Là người đã gắn bó cả một thời thanh xuân với ngành giao thông vận tải, bà Đặng Thị Tuệ (80 tuổi, Hà Nội) luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới Phân xưởng Gia công nóng tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Tại đây, những hiện vật, máy móc được phủ bởi lớp thời gian, mang đến cho bà nhiều cảm xúc về một thời bom đạn.

Di sản công nghiệp làm sống lại những ký ức về thời bao cấp
Bà Đặng Thị Tuệ (80 tuổi) đang chia sẻ về câu chuyện gắn liền với chiếc máy tiện ngày xưa bà làm việc

Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, bà Tuệ bồi hồi nhớ lại: “Bao nhiêu năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước, bà cũng không được đi sơ tán mà cùng đồng đội bám sát lấy địa trận để nếu ô tô hỏng là phải sửa chữa ngay lập tức".

Có lẽ, chính bởi sự gắn bó sâu sắc ấy cho phân xưởng, mà đến giờ phút này đây, khi được nhìn lại cỗ máy tiện ngày xưa bà từng ngồi làm việc, đôi tay lại thoăn thoắt từng công đoạn, bà đứng đó kể về các khâu hoạt động của máy khiến ai cũng phải trầm trồ.

Di sản công nghiệp làm sống lại những ký ức về thời bao cấp
Lắng nghe bà Tuệ kể câu chuyện về thời lao động ngày ấy, du khách tham quan ai cũng đều gật gù ấn tượng

Chia sẻ bằng tất cả niềm xúc động khi được thăm lại cỗ máy gắn liền với công việc ngày xưa, bà Tuệ hào hứng kể cho các bạn trẻ về công việc của mình và vui mừng khi được ngắm nhìn máy tiện ngày ấy dường như vẫn còn nguyên vẹn.

Bà mong muốn qua đó, giới trẻ sẽ thấu hiểu được sự cùng cực ngày xưa và cố gắng nhiều hơn cho thời gian tới.

Tại Phân xưởng Gia công nóng này, phóng viên tình cờ bắt gặp bác Đào Duy Hưng (66 tuổi, Hà Nội) đang cùng vợ hồi tưởng về nhà máy xe lửa đặc biệt này.

Bác Hưng nói, từ một nơi sầm uất biến thành một vùng đất rộng lớn bị bỏ hoang, rồi lại được tái sinh lại qua Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023, bác cho rằng, đây là một ý tưởng tuyệt vời của Ban tổ chức. Bác Hưng cũng bày tỏ niềm mong muốn qua triển lãm này, Nhà máy xe lửa Gia Lâm cũ sẽ được "hô biến" thành một nơi công cộng để phục vụ cho cộng đồng.

Di sản công nghiệp làm sống lại những ký ức về thời bao cấp
Bác Đào Duy Hưng cùng vợ tham quan không gian triển lãm nghệ thuật tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023

"Nhà máy Xe lửa Gia Lâm cũ là một mảnh đất rộng lớn và rất đẹp. Nếu bỏ hoang thì thực sự quá phí, tôi nghĩ chúng ta hãy tái thiết di sản công nghiệp này, còn mô hình thì chỉ nên thu lại thật nhỏ”, bác Hưng bày tỏ.

Mang trong mình một tâm hồn của người nghệ sĩ, bác Đặng Phan Long (68 tuổi, Hà Nội) mặc dù khá bận bịu công việc nhưng vẫn sắp xếp ghé qua triển lãm để quay chụp lại những tác phẩm đặc sắc của các tác giả - KTS Nguyễn Hồng Quang.

“Tôi rất ấn tượng vì có một không gian rộng lớn như thế này để tổ chức triển lãm nghệ thuật đương đại, đây là một điều rất tốt và rất phù hợp với đời sống công nghiệp”, bác Long thông tin.

Di sản công nghiệp làm sống lại những ký ức về thời bao cấp
Bác Đặng Phan Long tranh thủ lưu lại những bức hình trước khi triển lãm nghệ thuật kết thúc

Theo ghi nhận, mặc dù đã tới bốt Hàng Đậu (quận Ba Đình, Hà Nội), một trong những điểm tham quan trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, nhưng bác Long vẫn chưa được vào chiêm ngưỡng vì sức nóng của không gian này vẫn kéo cả ngàn người tới xem. Người nghệ sĩ già chỉ hy vọng, Ban tổ chức có thể kéo dài thêm thời gian diễn ra triển lãm, để mọi người có thể tham quan trọn vẹn các di sản này.

Thưởng thức nghệ thuật qua không gian triển lãm

Bên cạnh những hoạt động quen thuộc như dạo phố, cafe, ghé các trung tâm thương mại mua sắm… thì dễ dàng nhận thấy trong vài năm gần đây, các bạn Gen Z còn dành nhiều thời gian cho các hoạt động mang tính nghệ thuật, cụ thể hơn là các buổi triển lãm.

Có mặt ở triển lãm từ đầu giờ chiều, bạn Đào Thanh Trúc (17 tuổi, Hà Nội) đang bày tỏ sự choáng ngợp trước những tác phẩm nghệ thuật tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023.

Cô nàng cho biết: “Em biết đến lễ hội năm nay khi đang tình cờ lướt các trang mạng xã hội. Vậy nên quyết định ghé thăm và tại đây tất cả các tác phẩm của triển lãm khiến em vô cùng ấn tượng, chúng có sự hoà hợp hoàn hảo với không gian cổ kính ở nhà máy”.

Di sản công nghiệp làm sống lại những ký ức về thời bao cấp
Đào Thanh Trúc (bạn cao hơn) đang cùng bạn ngắm nhìn lại cỗ máy ngày xưa mà thế hệ cha ông từng ngồi làm việc trong phân xưởng

Cô nàng đặc biệt thích thú với Phân xưởng Gia công nóng 1B vì tại đây, Thanh Trúc được trải nghiệm "sức nóng" trực tiếp của phân xưởng này. Sự hiện hữu của máy móc, mùi dầu mỡ, thậm chí là âm thanh, tiếng ồn của một xưởng sản xuất đúng nghĩa… tất cả đều được kiến trúc sư giữ nguyên vẹn khiến Thanh Trúc có thể cảm nhận được hết những công việc hàng ngày của các công nhân tại xưởng.

Cùng với đó, các bản thiết kế, đồ án, triển lãm nghệ thuật khác như Pavilion “Bến chờ” của kiến trúc sư Lê Quang Thạch cũng thu hút sự chú ý của Thanh Trúc và các bạn trẻ tham quan.

Bạn Trần Gia Huy (18 tuổi, Hà Nội) hy vọng và tin rằng các triển lãm được tổ chức nhiều hơn tại các di sản công nghiệp như thế này sẽ thu hút không chỉ giới trẻ Việt Nam mà còn đông đảo khán giả quốc tế.

Di sản công nghiệp làm sống lại những ký ức về thời bao cấp
Trần Gia Huy (khẩu trang đen) hy vọng các triển lãm sẽ được tổ chức nhiều hơn tại các khu di tích để thu hút không chỉ giới trẻ Việt Nam mà còn đông đảo bạn bè quốc tế tham dự.

Gia Huy bộc bạch: “Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2023 thực sự phong phú với nhiều hoạt động ý nghĩa nên em mong muốn những lễ hội như này sẽ diễn ra thường xuyên hơn và nếu được thì mở lâu dài cũng là 1 cách rất hay để đem các tác phẩm nghệ thuật, những nơi dần bị chìm vào dòng chảy thời gian sống lại và đến gần hơn với giới trẻ”.

Tái thiết di sản công nghiệp - Cần một Tái thiết di sản công nghiệp - Cần một "tiếng nói chung"
Tạo sức sống cho di sản bằng nghệ thuật đương đại Tạo sức sống cho di sản bằng nghệ thuật đương đại
Chuyên gia Pháp hiến kế tái thiết di sản công nghiệp hiệu quả Chuyên gia Pháp hiến kế tái thiết di sản công nghiệp hiệu quả
Trao quyền cho Hà Nội để phát huy hiệu quả hợp tác công tư Trao quyền cho Hà Nội để phát huy hiệu quả hợp tác công tư
Nỗ lực hồi sinh di sản công nghiệp Nhà máy Xe lửa Gia Lâm Nỗ lực hồi sinh di sản công nghiệp Nhà máy Xe lửa Gia Lâm
Quỳnh Giang
Phiên bản di động