Sống trọn vẹn với bốn giác quan

“Dù thế nào đi nữa, chúng ta hãy luôn tin tưởng vào tương lai, tin tưởng bản thân, luôn tiến lên phía trước. Chỉ có niềm tin, ý chí, nghị lực mới có thể giúp ta vượt qua mọi khó khăn, nghịch cảnh. Hãy tin rằng dù thế nào đi nữa cuộc sống luôn nhiệm màu và đẹp đẽ”.
Các tấm gương điển hình đã truyền cảm hứng tích cực cho thế hệ trẻ Tôn vinh và lan tỏa nhiều tấm gương người tốt, việc tốt Ấn tượng trước những tấm gương lan tỏa ý chí, khát vọng Việt Nam

Đó là thông điệp của chị Dương Thanh Hiền, sinh năm 1986, sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội - một cô gái khiếm thị đầy nghị lực đã vượt lên nghịch cảnh một cách mạnh mẽ, sống cuộc đời đầy ý nghĩa.

Khiếm khuyết về tâm hồn mới đáng sợ

Người xưa có câu “Giàu đôi con mắt, khó hai bàn tay”, nói lên tầm quan trọng và cần thiết của đôi mắt trong cuộc sống nhưng dù ở “thế giới không màu”, chị Dương Thanh Hiền vẫn vượt qua bóng tối, vượt qua số phận, vươn lên, trở thành người có ích cho xã hội.

Chị Hiền kể, nếu quay ngược thời gian khoảng gần chục năm về trước, chị khó có thể mạnh mẽ như bây giờ. Khi còn sáng mắt, chị là giáo viên của trường Tiểu học Brendon (Hà Nội). Năm 2014, sau một vụ tai nạn giao thông, cô gái trẻ đã hoàn toàn mất đi thị lực. Từ bỏ sự nghiệp, xa rời bục giảng, ước mơ, hoài bão còn dang dở…, chị Hiền rơi vào những khoảng mờ mịt, không lối thoát. Sau đó, chị nhận ra rằng, thật phí thời gian để dằn vặt về những khiếm khuyết của bản thân. Ai cũng có những khó khăn, thách thức, rồi chị Hiền dần học cách chấp nhận và yêu lấy nó.

Để bắt đầu lại cuộc sống, cô gái trẻ quyết tâm tìm cho mình một công việc mới. Chị trải nghiệm qua nhiều công việc: Gieo mầm đậu nành, làm nhân viên kinh doanh qua điện thoại cho một phần mềm toán tiểu học, bán hàng trong tiệm bánh, hay tham gia học lớp giáo viên dạy Yoga. Tuy thời gian làm việc không lâu nhưng đủ để chị nhận ra bản thân quá thiếu kỹ năng và phương tiện để hòa nhập với cuộc sống cộng đồng.

Chị Dương Thanh Hiền
Cô gái khiếm thị Dương Thanh Hiền

Chị Hiền trải lòng: “Tôi biết ở đâu đó xung quanh có những người giống mình, dù không nhìn thấy nhưng họ vẫn tỏa sáng, miệt mài cống hiến sức lực cho xã hội. Càng nghĩ như vậy, tôi càng khao khát muốn được đi học, muốn tìm cho mình một con đường, một lối đi riêng và phải sống cuộc đời ý nghĩa”.

Đặc biệt, cô gái khiếm thị rất khâm phục và lấy tấm gương người đồng tật - Christine Hà (Quán quân “Vua đầu bếp Mỹ”) để noi theo, nỗ lực cố gắng. Chị Hiền chia sẻ, Christine Hà từng nói: “Tôi ở đây không chỉ là một nguồn cảm hứng, mà tôi còn muốn được nhìn nhận một cách nghiêm túc”.

“Hành trình vươn lên trở thành “Vua đầu bếp Mỹ” của cô gái khiếm thị người Mỹ gốc Việt đã để lại cho tôi thật nhiều xúc cảm. Chỉ với bốn giác quan, cô ấy đã chế biến được những món ăn tuyệt vời. Tôi nghĩ, chúng ta cũng thế, nếu thiếu đi giác quan “nhìn” thì cũng có thể pha sữa cho con, có thể khiêu vũ hay hoàn toàn có thể có một cuộc sống trọn vẹn chỉ với bốn giác quan, nếu thực sự nỗ lực”, Dương Thanh Hiền bày tỏ.

Theo lý tưởng đó, chị Hiền trở nên mạnh mẽ hơn. Chị hạnh phúc dù chỉ còn bốn giác quan, hoàn toàn tự tin về khiếm khuyết của cơ thể. Bởi theo chị, sự khiếm khuyết về hình hài là bình thường, còn khiếm khuyết về tâm hồn mới thật sự đáng sợ.

Hình ảnh đẹp của người khiếm thị thời 4.0

Năm 2017, qua sự giới thiệu của một người bạn, Dương Thanh Hiền chính thức trở thành hội viên của Hội Người mù quận Hoàng Mai, Hà Nội. Tại đây, chị được Ban lãnh đạo Hội cử đi học hai khóa: Giáo viên dạy chữ nổi; Giáo viên dạy Tin học tại Trung tâm Đào tạo và Phục hồi chức năng cho người khiếm thị. Với lòng quyết tâm, sự nỗ lực, cô gái mù đã dành danh hiệu học viên xuất sắc trong cả hai khóa. Hơn nữa, chị Hiền hiện thực hóa ước mơ được một lần nữa đứng trên bục giảng.

Chị Dương Thanh Hiền trong cuộc thi khiêu vũ
Chị Dương Thanh Hiền trong cuộc thi khiêu vũ

Điều đó đã thực sự trở thành bước đệm quan trọng trong sự nghiệp của chị sau này. Với các phương tiện, công cụ hỗ trợ như chữ nổi, máy tính, điện thoại… chị Hiền tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc cũng như hòa nhập cộng đồng. Nhờ vậy, năm 2018, cô gái trẻ đã mở một cơ sở tác động cột sống tại nhà. Chị Hiền thực sự thấy vui khi không chỉ được chăm sóc sức khỏe cho mọi người mà còn có thể lắng nghe, chia sẻ với họ về những khó khăn.

Không dừng lại ở đó, chị và những người bạn đã liên tiếp mở các lớp học về bộ môn chữa bệnh tuyệt vời này. Đồng thời, chị tiếp tục thử sức với kinh doanh online trên nền tảng Facebook. Ngoài cung cấp cho thị trường sản phẩm tốt cho sức khỏe, chị còn muốn mang đến một hình ảnh đẹp của người khiếm thị Việt Nam trong thời đại mới 4.0.

Cũng từ đó, chị Hiền có thêm nhiều cơ hội tiếp cận với các hoạt động cộng đồng. Cô gái khiếm thị tham gia sôi nổi phong trào Hội, tích cực gửi các bài viết dự thi do Hội Người mù thành phố Hà Nội phát động và đoạt giải Ba với bài viết “Nhà của nắng”.

Đầu năm 2022, chị được nhận lời mời làm giảng viên cho lớp “Dạy kỹ năng nấu ăn cơ bản cho sinh viên khiếm thị Hà Nội”. Được tiếp cận với các bạn trẻ, giúp họ có thêm kiến thức về các món ăn và yêu thích nó như cách các bạn ấy vẫn luôn trân trọng, yêu thương sự khiếm khuyết của chính mình, chị thấy bản thân thật có giá trị khi đã mang lại nguồn cảm hứng cho nhiều bạn trẻ.

Phá bỏ giới hạn để chạm tới ước mơ

Một điều tuyệt vời đã đến khi chị Hiền có cơ duyên với Dance sport tại Câu lạc bộ khiêu vũ người khiếm thị Hà Nội SOLAR. Khiêu vũ thể thao tưởng chừng là một môn nghệ thuật bất khả thi đối với người khiếm thị nhưng họ đã làm rất tốt bằng niềm đam mê cháy bỏng và quyết tâm phá bỏ mọi giới hạn của bạn thân để cùng nhau chạm tới ước mơ.

Qua hai mùa cùng “Bước nhảy xóa mọi khoảng cách – PASS”, cuộc thi duy nhất trên thế giới dành cho người khiếm thị, chị Hiền đạt được 7 huy chương Vàng, 3 huy chương Bạc, 4 huy chương Đồng cho giải cá nhân và một huy chương Vàng cho giải đồng diễn tập thể.

Cô gái khiếm thị
Cô gái có cuộc sống đầy sắc màu dù sống trong "thế giới không màu"

Có người hỏi chị rằng, khi không nhìn thấy được nữa, chị tiếc nuối điều gì nhất? Chị Hiền đã trả lời: “Đó là hình ảnh của cha mẹ”. Khi còn sáng mắt, chị bị cuốn vào vòng xoáy của công việc nên ít gặp cha mẹ. Chị đâu ngờ tới một ngày mình sẽ vĩnh viễn không nhìn được họ nữa.

Tuy nhiên, không thể nhìn, không có nghĩa là không thể chăm sóc, chị Hiền bắt đầu làm quen với việc nấu ăn để mang lại cho người thân những món ăn ngon lành. Muốn biết được thức ăn chín hay sống, chị sẽ ngửi mùi hương, nếm thử vị hoặc dùng đầu đũa để cảm nhận sự thay đổi trên bề mặt của thức ăn; Muốn biết nước đã sôi hay chưa, có thể nghe bằng tai hoặc hơ qua bàn tay trên miệng nồi để cảm nhận sức nóng của hơi nước…

Sau một thời gian làm quen, với vài vết cắt và vết bỏng trên đôi bàn tay, chị lại trở thành đầu bếp chính của gia đình. Rồi khi trái gió trở trời, chị xoa bóp, bấm huyệt giúp cha mẹ dịu bớt cơn đau xương cốt. Cô con gái luôn muốn bù đắp cho cha mẹ mình để vơi bớt nỗi day dứt, tiếc nuối.

Đến nay, mặc dù sống trong “thế giới không màu” nhưng chị Hiền lại xây dựng nên cho mình một cuộc sống đầy màu sắc, mà thậm chí không phải ai cũng có thể làm được - kể cả những người có đôi mắt sáng. Để đạt được tất cả điều đó, cô gái mù luôn có niềm tin vào bản thân, vào ý chí, nghị lực của mình. Chị giữ tinh thần lạc quan rằng, dù thế nào đi nữa, cuộc sống vẫn luôn nhiệm màu và đẹp đẽ.

Lê Dung
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động