Sau phản ánh của báo Tuổi trẻ Thủ đô hàng loạt “tổng kho” có hoạt động lạ
Trước đó, tháng 5/2019, Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã đăng tải bài viết phản ánh một cơ sở kinh doanh có treo biển hiệu “tổng kho Nguyễn Dương” về việc hàng hóa mập mờ, có dấu hiệu kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc.
Các gian hàng bày biện hổ lốn tại tổng kho |
Cụ thể, tại cở sở tổng kho này bày bán các mặt hàng từ sống đến chín, từ đồ gia dụng đến mỹ phẩm. Không khó để quan sát thấy ở đây nào là thịt, cá đông lạnh, bánh, đồ nông sản, rồi cả mỹ phẩm, đồ nhựa đến quần áo... Khi PV quan sát bao bì sản phẩm, hầu hết đều thiếu thông tin như cơ sở sản xuất, hạn sử dụng...
Tại cơ sở kinh doanh Nguyễn Dương, các gian hàng được "sắp xếp" kiểu hổ lốn. Thực phẩm đông lạnh đều chứa chung trong tủ bảo ôn cỡ lớn. Những gói thịt đông lạnh được bọc bằng nilon, tuyết phủ kín, không biết đó là loại thịt gì và không hề có thông tin về xuất xứ cũng như ngày sản xuất.
Ngoài ra tại tổng kho này còn có rất nhiều dầu gội đầu, sữa rửa mặt, kem đánh răng, sữa tắm trẻ em... Các sản phẩm đều được dán mác của những thương hiệu lớn, nhưng khi PV hỏi nhân viên bán hàng có xuất được hóa đơn của công ty sản xuất hay không thì họ đều lắc đầu và cho biết, chỉ có hóa đơn bán hàng của "tổng kho".
Đáng chú ý, ở tổng kho này có không ít đồ chơi trẻ em. Trên các sản phẩm này, ngoài việc in chữ “Made in China”- thể hiện là sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc - thì trên bao bì của nhiều sản phẩm cũng được ghi bằng nhiều ngôn ngữ tiếng Anh, tiếng Thái Lan... trong khi đó lại không hề có tem mác nhập khẩu hay tem mác phụ để hướng dẫn trẻ nhỏ.
Tổng kho Thảo Dương vẫn hoạt động bên trong, sau khi bị xử phạt |
Theo PV ghi nhận, có đến 4 cơ sở kinh doanh những sản phẩm có dấu hiệu vi phạm kiểu "tổng kho" như trên tại khu đô thị Gleximco. Khách hàng của các cơ sở kinh doanh này chủ yếu là những "chủ shop" bán hàng qua mạng… bởi thực tế hàng hóa ở đây có giá bán thấp hơn hẳn so với hàng có đầy đủ thông tin, nhãn mác... Ví dụ, nếu hộp màng bọc thức ăn mua ở nơi khác có giá hơn 100.000 đồng, nhưng tại đây sản phẩm có hình thức gần giống chỉ có giá 37.000 đồng.
Được biết, từ năm 2019 đến nay, lực lượng chức năng quận Hà Đông (Hà Nội) đã kiểm tra 3 lượt tổng kho treo biển hiệu Thảo Nhung (địa chỉ ô số 5, liền kề Shophose, C64 Khu đô thị Gleximco) và phát hiện cơ sở này có dấu hiệu kinh doanh hàng lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về tem nhãn. Cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt hàng chính gần 11 triệu đồng và tịch thu, tiêu hủy hàng hóa nhập lậu trị giá trên 30 triệu đồng.
Tiếp đó, ngày 13/5/2020, Công an quận Hà Đông phối hợp Đội Quản lý thị trường số 17 cũng kiểm tra cơ sở quy mô khác là tổng kho Thanh Nga (địa chỉ số 2, lô C7, khu Gleximco) và cũng xử phạt vi phạm hành chính số tiền gần 5 triệu do kinh doanh hàng hóa nhập lậu, tịch thu hàng hóa trị giá gần 11 triệu đồng.
Trong tháng 6 và tháng 7/2020, Công an quận Hà Đông đã phối hợp các ngành chức năng 2 lần kiểm tra, xử lý vi phạm, phạt hành chính và tịch thu hàng hóa nhập lậu của tổng kho Thảo Dương (địa chỉ số 02-03-C11 KĐT Gleximco), do có dấu hiệu vi phạm kinh doanh hàng lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về tem nhãn.
Mặc dù cơ quan chức năng đã có những biện pháp xử lý mạnh tay như vậy nhưng các cơ sở nêu trên tiếp tục có dấu hiệu vi phạm. Ngày 10/9/2020, Công an quận Hà Đông đã có công văn đề xuất Chủ tịch UBND quận Hà Đông, Ban chỉ đạo 389 Hà Đông, Cục Quản lý thị trường Hà Nội chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường phối hợp Công an Quận Hà Đông ra quyết định kiểm tra đối với 3 cơ sở trên và xử lý nghiêm theo pháp luật.
Đến ngày 11/9, Đội Cảnh sát kinh tế phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 26 tiến hành kiểm tra đồng loạt 3 cơ sở trên. Kết quả, tại cả 3 tổng kho Thảo Nhung, Thanh Nga, Thảo Dương, lực lượng liên ngành đều phát hiện nhiều hàng hóa do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu và tạm giữ toàn bộ số hàng hóa tổng giá trị khoảng 120 triệu đồng.
Ngày 15/9, hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra dù biển hiệu tổng kho Nguyễn Dương đã bị gỡ |
Để ghi nhận thực tế sau khi cơ quan chức năng xử phạt, chiều 15/9, PV báo Tuổi trẻ Thủ đô có mặt tại địa chỉ ô 14 – 15 – C16 khu đô thị Geleximco – Lê Trọng Tấn - Hà Đông. Băng rôn, biển hiệu to nền đỏ, chữ vàng trước kia đã được gỡ xuống.
Tuy nhiên, mọi hoạt động của tổng kho này diễn ra như bình thường. Khách mua buôn vẫn nườm nượp ra vào.
Biển hiệu tổng kho Nguyễn Dương trước kia |
Một người phụ nữ lớn tuổi tại tổng kho này khi được hỏi về việc bán hàng kiểu lạ lùng như vậy đã cho biết, sau khi báo chí phản ánh và cơ quan chức năng đi kiểm tra nên phải “chống đối” bằng việc vẫn kinh doanh nhưng tháo biển hiệu. Thậm chí người phụ nữ này còn chỉ cho khách cách đỡ bị nhầm với tổng kho khác khi không có biển hiệu.
“Công an họ đi kiểm tra không cho treo biển, giờ ai muốn đến mua hàng cháu cứ bảo ngay cạnh cửa hàng Vũ Gia hoặc có số điện thoại trên mạng cháu gọi đến là nhân viên sẽ chỉ cho”.
Qua lời giới thiệu được biết Nguyễn Dương là tổng kho có số lượng hàng nhiều nhất, "mạnh miệng cam kết" giá rẻ nhất Hà Nội và hoạt động đầu tiên tại khu đô thị Geleximco. Tuy nhiên, ngày 11/9 vừa qua, lực lượng chức năng lại chỉ tiến hành kiểm tra có 3/4 "tổng kho" là Thảo Nhung, Thanh Nga, Thảo Dương.
Các sản phẩm tại tổng kho tuy rẻ nhưng đa phần là không giấy tờ nguồn gốc |
Thiết nghĩ, để nâng cao ý thức, nhận thức chấp hành pháp luật của các hộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhằm đảm bảo sự bình ổn thị trường trên địa bàn, các cơ quan chức năng, trực tiếp là bộ phận quản lý thị trường của TP Hà Nội tiếp tục kiểm tra, rà soát hoạt động của các "tổng kho", trên cơ sở đó chấn chỉnh kịp thời những sai phạm. Có như vậy mới bảo vệ chính đáng quyền lợi, sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng, nhất là trong thời điểm Tết Trung thu đang đến gần và vấn đề an toàn thực phẩm chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.