Quản lý thị trường "phán" tổng kho toàn đồ rẻ tiền, không làm gì được?!
Xuất hiện tổng kho có nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc |
Hàng hóa nhập nhằng nguồn gốc, nhãn mác ở tổng kho |
Mặt hàng mập mờ xuất xứ, đầu mối cho shop online
Theo điều tra của PV, tại tổng kho Nguyễn Dương ở địa chỉ ô 14 – 15 – C16 khu đô thị Geleximco – Lê Trọng Tấn (Hà Đông, Hà Nội) bày bán nhiều loại sản phẩm như đồ gia dụng, đồ chơi, mỹ phẩm, thực phẩm đông lạnh... Trong đó nhiều sản phẩm không có thông tin nhập khẩu, nhãn phụ tiếng Việt.
Các nhân viên bán hàng tổng kho Nguyễn Dương "sẵn sàng" chia sẻ: "Hầu hết những sản phẩm đều không có hóa đơn nhập khẩu, nếu cần chỉ có hóa đơn thanh toán của cửa hàng".
Ngay cả những sản phẩm có giá cao từ 3 đến 5 triệu đồng, khi PV hỏi có phiếu bảo hành của hãng hay không thì nhân viên trả lời hời hợt là hãng không có bảo hành nhưng khi hỏng chỉ cần đem đến kho là được.
“Nếu có hỏng hóc gì chị cứ đem đến đây, bọn em sẽ bảo hành cho, chứ không có bảo hành của hãng đâu chị nhé” – Nhân viên tại tổng kho Nguyễn Dương cho biết.
Cơ sở 1 của tổng kho Nguyễn Dương |
Khi trao đổi với PV qua điện thoại, bà Dung - đại diện của tổng kho Nguyễn Dương khẳng định: “Tất cả sản phẩm tại kho đều có giấy tờ đàng hoàng, hiện tại em đang đi nước ngoài nên hẹn chị thời gian nào đó qua trực tiếp để em cung cấp thông tin về các sản phẩm bên em”.
Trong khi đó, theo quy định tại khoản 3, Điều 9, Nghị định 89/2006/NĐ-CP: "Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hoá. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc”.
Kem đánh răng không rõ xuất xứ được bày bán trên kệ của tổng kho Nguyễn Dương |
Được biết tổng kho Nguyễn Dương có 2 cơ sở là đầu mối chuyên cung cấp các sản phẩm cho những shop online, thậm chí cả những cửa hàng xách tay trên cả nước.
Cơ sở 1 tại: Ô 14, Lô C16, Khu C, KĐT GELEXIMCO - Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội; Cơ sở 2 tại: Số 63 Tô Vĩnh Diện, Quận Thanh Xuân, Hà Nội. Qua tìm hiểu được biết chủ cơ sở là ông Nguyễn Tài Dương.
Các sản phẩm sẽ được cập nhập liên tục cho khách buôn trên fanpage của cơ sở này |
Trước đó ngày 12/9/2018, Đội Quản lý thị trường số 1, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã ra quyết định xử phạt hành chính 19 triệu đồng, tịch thu 2.000 chiếc bánh Trung thu không rõ nguồn gốc của ông Nguyễn Tài Dương - chủ tổng kho Nguyễn Dương.
Đại diện Cục Quản lý thị trường "toàn đồ rẻ tiền không làm gì được đâu"
Để làm rõ thông tin về hoạt động kinh doanh các loại sản phẩm tại tổng kho Nguyễn Dương, ngày 29/5, PV đã trao đổi thông tin với Cục Quản lý thị trường Hà Nội.
Tại đây, Ông Trịnh Bá Quang - Trưởng phòng Tổng hợp ghi nhận nội dung thông tin từ phía PV về cơ sở này.
Thực phẩm không ghi ngày sản xuất, nơi chế biến... được bày bán công khai tại cơ sở này |
Ngay buổi chiều cùng ngày, ông Trịnh Bá Quang đã liên hệ qua điện thoại cho PV và liên tục cho rằng tại cơ sở này toàn hàng rẻ tiền và sẽ không làm gì được:
“Anh đã đến chỗ tổng kho Nguyễn Dương rồi, chỗ này toàn hàng của mình nhưng không có nhãn. Chủ yếu là nông sản mình, toàn hàng rẻ tiền ấy mà. Tầng trên thì cũng đồ gia dụng rẻ tiền, đồ này chả làm gì được nó đâu, nó đầy đủ hết ấy mà, toàn hàng rẻ tiền thôi... để anh xem đã nhé!” - Ông Quang cho biết.
Dưới đây là những hình ảnh PV ghi nhận tại cơ sở này. Còn sự việc có đúng như lời vị đại diện quản lý thị trường Hà Nội nói hay không, xin nhường lời lại cho độc giả.
Tuổi trẻ và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin!