Xuất hiện tổng kho có nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc
Thực phẩm, mỹ phẩm nhập nhằng tem mác
Sau khi nhận được thông tin, nhóm PV đã trực tiếp đến một trong những tổng kho được phản ánh tại địa chỉ ô 14 – 15 – C16 khu đô thị Geleximco – Lê Trọng Tấn (Hà Đông), có treo biển tổng kho Nguyễn Dương để ghi nhận thực tế.
Mặt hàng đông lạnh không ghi ngày chế biến hay hạn sử dụng |
Cụ thể, tại tầng 1 của tổng kho trên, nhóm phóng viên đã phát hiện nhiều sản phẩm như thịt đông lạnh, bánh, đồ nông sản, mỹ phẩm, đồ nhựa, quần áo đổ đống... Hầu hết mặt hàng đều mập mờ thông tin đối với người tiêu dùng.
Tại đây, các loại thực phẩm như thịt đông lạnh, cá mực, cá hồi, ốc khêu sẵn, nem chua, bao tử cá... cất chung trong một chiếc tủ bảo ôn. Khi PV mở tủ, mùi thực phẩm tanh nồng pha lẫn mùi hăng xộc lên mũi vô cùng khó chịu. Những vỉ thịt đông lạnh được bọc bằng nilon, tuyết phủ kín, thậm chí rất khó nhận biết đó là loại thịt gì. Đáng nói là các thực phẩm đông lạnh trên không hề có thông tin về ngày giết mổ, xuất xứ cũng như hạn sử dụng.
Hải sản, chế phẩm từ cá, thịt bò, thịt lợn đông lạnh được để chung trong một tủ bảo ôn, khi mở ra gây mùi tanh nồng khó chịu |
Tiếp tục trong vai người mua hàng, sang các kệ hàng mỹ phẩm của tổng kho này, PV phát hiện một số sản phẩm như dầu gội, sữa rửa mặt, kem đánh răng, sữa tắm trẻ em... Hầu hết sản phẩm đều mang nhãn hiệu của thương hiệu lớn, nhưng khi PV trong vai khách hàng hỏi có xuất được hoá đơn Công ty sản xuất hay không thì nhân viên cho biết, chỉ có hoá đơn bán hàng của tổng kho.
Khi quan sát trong tủ kem, PV cũng nhận thấy có loại cũng không có địa chỉ sản xuất hay hạn sử dụng |
Bánh bông lan trứng muối đựng trong một chiếc sọt nhựa dưới sàn tầng 1 tòa nhà này |
La liệt đồ chơi không tem chứng nhận kiểm định chất lượng
Với "ưu điểm" giá rẻ, giá buôn hay bán lẻ tương đương nhau, lại có nhiều mặt hàng nên Tổng kho Nguyễn Dương thường được hộ kinh doanh nhỏ lẻ hoặc bán online chọn làm đầu mối.
Vì giá rẻ nên tại cơ sở này lúc nào cũng đông khách |
Chị Hoa một chủ shop đồ gia dụng online đang lấy hàng tại Tổng kho Nguyễn Dương cho biết:
“Mình hay ra đây chụp ảnh các mặt hàng hoặc lấy ảnh tại fanpage của tổng kho rồi đăng lên facebook hoặc zalo. Có khách chốt lấy thì ra đây nhặt. Có những mặt hàng nào “hót” thì phải ôm luôn vì họ chỉ đăng lên 1 ngày là đã hết sạch rồi. Cứ 1 tuần là mình lại nhập khoảng 5 triệu tiền hàng, chủ yếu là đồ gia dụng và đồ chơi trẻ em. Nói thật là hàng ở đây chỉ được cái là rẻ thôi chứ chất lượng thì không ổn, đa phần là hàng Trung Quốc nên nhiều khi hàng ship cho khách còn bị trả về” – Chị Hoa chia sẻ.
Nếu như hộp màng bọc thức ăn mua ở nơi khác có giá hơn 1 trăm nghìn nhưng tại đây chỉ có 37 nghìn đồng |
Theo quan sát của PV, ngoài đồ chơi có in chữ “Made in China” – được hiểu là xuất xứ Trung Quốc - trên bao bì còn có các ngôn ngữ khác như tiếng Thái và tiếng Anh và nhưng lại không có bất cứ tem mác nhập khẩu hay tem mác phụ nào để hướng dẫn trẻ nhỏ. Vậy nhưng, các sản phẩm đồ chơi này lại được bày bán rất nhiều tại tầng 2 của tổng kho Nguyễn Dương này.
Trong khi theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước, nhập khẩu chỉ được lưu hành trên thị trường khi đã có chứng nhận phù hợp với các tiêu chuẩn về an toàn, có độ pH hay hàm lượng độc tố không vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
Đồ chơi không tem mác, không cảnh báo, toàn tiếng nước ngoài và địa chỉ sản xuất chỉ ghi Made in China |
Đồ chơi đủ các loại màu sắc bắt mắt được bày trên tầng 2 của tổng kho Nguyễn Dương |
Từ thực tế ghi nhận được, ngày 29/5 PV đã trao đổi thông tin với Cục quản lý thị trường Hà Nội. Tại đây, Ông Trịnh Bá Quang - Trưởng phòng Tổng hợp cho biết, mình được giao nhiệm vụ tiếp nhận thông tin báo chí, ghi nhận nội dung thông tin từ phía phóng viên về tổng kho Nguyễn Dương.
"Chắc chỗ này mới thôi, chúng tôi sẽ cho đi kiểm tra. Thực ra nếu toàn bộ các mặt hàng bắt họ làm nhãn phụ hết thì cũng khó, nhiều khi người kinh doanh nhỏ người ta đi mua lại không muốn dán nhãn phụ có đầy đủ nơi sản xuất hoặc địa chỉ nhà phân phối vì khi dán nhãn phụ khách hàng có thông tin về nơi nhập và khách họ lại không qua người phân phối ấy nữa. Đấy cũng là cái lý do người kinh doanh ngại dán, nhãn phụ là doanh nghiệp tự làm chứ có ai duyệt đâu! Miễn là đủ nội dung là được, bản chất nó chỉ là phần dịch lại nhãn gốc cho người tiêu dùng dễ nhận biết thôi.” – Ông Quang bày tỏ quan điểm và cho biết đơn vị sẽ cho kiểm tra hoạt động tại địa điểm này.
Như vậy, theo như lời vị đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội thì việc không ghi rõ ràng thông tin cho từng sản phẩm là điều có thể chấp nhận được? Liệu hình thức "tổng kho" có phải là "vũ khí" giúp chủ kinh doanh qua mặt lực lượng chức năng? Cục Quản lý thị trường đã làm tròn trách nhiệm của mình khi không nắm được thông tin về một cơ sở với lượng hàng hóa tiêu thụ lớn trong khi các mặt hàng mập mờ nguồn gốc?
Các sản phẩm giá vô cùng rẻ |
Có thể thấy, việc tổng kho Nguyễn Dương ngang nhiên bán các mặt hàng như phản ánh ở trên là rõ ràng. Vậy Cục Quản lý thị trường Hà Nội có biết về các hoạt động kinh doanh mặt hàng mập mờ nguồn gốc này không?
Thiết nghĩ, trước khi có động thái từ ngành chức năng, người tiêu dùng cũng cần cân nhắc kỹ trước khi mua hàng; tránh việc tiền mất, tật mang.
Tuổi trẻ và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin!