"Sang chấn tâm lý" với những trend ẩm thực độc lạ
Hà Nội là điểm đến thành phố ẩm thực tốt nhất Châu Á 2024 Trải nghiệm không gian ẩm thực Hà thành độc đáo |
Sự kết hợp táo bạo hay quá đà?
Mở đầu danh sách đồ uống kỳ lạ là cà phê thịt heo kho Tô Đông Pha của Starbucks, ra mắt vào dịp Tết Nguyên đán 2024 tại Trung Quốc. Ly cà phê này kết hợp giữa espresso và nước sốt thịt heo kho – một món ăn nổi tiếng vùng Giang Nam, với miếng thịt được đặt ngay trên miệng ly. Dù nhận được sự chú ý lớn, nhiều thực khách cảm thấy thất vọng. "Thử một lần cho biết thôi, vị mặn ngọt lẫn lộn khiến tôi không muốn thử lại", một người dùng Weibo chia sẻ. Giá bán 68 nhân dân tệ (khoảng 220.000 VND) cũng gây tranh cãi khi nhiều người cho rằng số tiền đó đủ để thưởng thức một bữa ăn đầy đủ và hai ly latte từ quán cà phê địa phương.
Cà phê thịt kho Starbuck gây nhiều tranh cãi |
Không kém phần "ấn tượng", tại TP.HCM, quán trà sữa đã ra mắt trà sữa hành lá vào Ngày Cá tháng Tư. Kết hợp giữa hương vị béo ngậy của trà sữa và mùi hăng nồng của hành lá, món này nhanh chóng trở thành đề tài bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội. Tuy nhiên, người tiêu dùng chỉ cần một ngụm để kết luận: "Chỉ là trò đùa ngày lễ, uống vào khó chịu và buồn nôn".
Trà sữa hành lá khiến nhiều cư dân mạng "phát ớn" trước sự kết hợp mùi vị lạc quẻ, vô duyên |
Những món đồ uống độc lạ khác cũng không hề kém cạnh. Cà phê giấm ở Sơn Tây là sự kết hợp giữa Americano và giấm – món đặc sản địa phương, nhưng không mấy ai đủ dũng cảm để uống hết một ly. Trà sữa mắm tôm từng gây bão mạng với lời hứa "vị đậm đà khó quên", nhưng với nhiều người, ấn tượng để lại là "mùi vị sang chấn tâm lý".
Một số thương hiệu còn phát triển các món đồ uống với topping kỳ quặc như cơm nguội, giò heo hay cá chiên. Những món này thường được quảng bá như sự sáng tạo độc đáo, nhưng thực tế chúng nhanh chóng rơi vào quên lãng sau vài ngày gây sốt.
Khi tò mò dẫn đến rủi ro sức khỏe
Sự kết hợp hổ lốn giữa các nguyên liệu không chỉ gây khó chịu cho vị giác mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe. Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Ngọc Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng, trả lời báo chí: “Những món đồ uống kỳ lạ không phải lúc nào cũng gây độc ngay, nhưng chúng có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa, tăng cân và ảnh hưởng chức năng gan, thận nếu sử dụng thường xuyên”.
Cũng theo BS. Hùng, việc sử dụng các nguyên liệu như mắm tôm, cá chiên hay giò heo trong đồ uống không mang lại giá trị dinh dưỡng và có thể gây ra phản ứng tiêu cực về tiêu hóa.
"Sáng tạo là tốt, nhưng những món này nên được giới hạn trong những trò đùa vui vẻ chứ không phải trở thành trào lưu dài hạn", ông nói thêm.
Trà sữa đất nung với lớp kem béo sẽ rất ngon cho đến khi chủ quán rải sa tế và ớt bột lên bề mặt. |
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia công nghệ thực phẩm, trả lời báo chí rằng những món đồ uống như trà sữa hành lá hay latte cay chỉ phục vụ mục đích câu view và không đảm bảo an toàn thực phẩm.
"Chúng không chỉ làm mất đi hương vị vốn có của đồ uống mà còn có thể gây ra những vấn đề về sức khỏe", ông cảnh báo.
Nhiều thương hiệu đã tận dụng sự tò mò của người tiêu dùng để đẩy mạnh doanh thu trong thời gian ngắn, nhưng không phải lúc nào cũng thành công. Starbucks và Pizza 4P’s là những ví dụ điển hình khi sử dụng các món ăn và đồ uống kỳ lạ như một chiến lược tiếp thị để tạo hiệu ứng truyền thông. Tuy nhiên, với những cửa hàng nhỏ lẻ, việc “đu trend” mà không có sự tính toán kỹ lưỡng lại mang đến rủi ro lớn.
Trà chanh khổ qua tuy được lòng nhiều người nhưng các bạn trẻ vẫn phản ánh "khó uống" do không quen vị đắng của loại quả này |
Không ít quán phải chịu thiệt hại vì chạy theo những trào lưu nhất thời. Một ví dụ là món trà sữa hành lá: Sau khi gây bão trên mạng vào Ngày Cá tháng Tư, món này nhanh chóng biến mất khỏi thực đơn vì không ai muốn quay lại trải nghiệm lần thứ hai. Những món đồ uống này cũng không để lại dấu ấn thương hiệu, khiến chúng trở thành công cụ câu view ngắn hạn hơn là sản phẩm bền vững.
Chuyên gia Đặng Ngọc Hùng khuyên: “Giới trẻ cần tỉnh táo khi tiếp cận các trào lưu mới và nên tập trung vào những món ăn lành mạnh. Thay vì chạy theo những món gây sốc, các bạn hãy chọn những sản phẩm có lợi cho sức khỏe và phù hợp với khẩu vị của mình”.
Cẩn trọng trước những "cơn sốt" nhất thời
Những món đồ uống độc lạ phản ánh sự sáng tạo và xu hướng thích khám phá của giới trẻ, nhưng không phải sáng tạo nào cũng mang lại giá trị tích cực. Khi sự tò mò đi quá xa, nó có thể gây ra những hệ lụy không mong muốn cho sức khỏe và dẫn đến sự lãng phí không cần thiết. Người tiêu dùng cần cẩn trọng hơn khi đối mặt với những món ăn mới lạ và các nhà kinh doanh cũng nên cân nhắc kỹ trước khi đón đầu trào lưu.
Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều trend ẩm thực "vội vàng đến rồi vội vàng đi". Có trend gây lưu luyến cho thực khách nhưng cũng có nhiều trend khiến bạn trẻ chỉ muốn "xóa khỏi trí nhớ" |
Sáng tạo trong ẩm thực là điều đáng khích lệ, nhưng sáng tạo cần đi đôi với sự an toàn và bền vững. Chỉ có như vậy, các món ăn và đồ uống mới thực sự mang lại giá trị lâu dài cho người tiêu dùng và góp phần làm phong phú văn hóa ẩm thực.