Quốc hội chốt áp thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024
Áp thuế tối thiểu toàn cầu mang lại nhiều cơ hội mới cho Việt Nam Áp thuế tối thiểu toàn cầu sẽ hạn chế trốn thuế, chuyển lợi nhuận Nên nội luật hoá quy định về thuế tối thiểu toàn cầu |
Sáng 29/11, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Kết quả, với 462 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 93,52 %), Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024, áp dụng từ năm tài chính 2024.
Theo nghị quyết, thuế suất sẽ áp dụng là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề nhất. Các nhà đầu tư thuộc diện chịu thuế sẽ buộc phải nộp thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.
Theo tính toán, có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu. Nếu các nước có công ty mẹ đều áp thuế từ năm 2024, các nước này sẽ thu thêm phần thuế chênh lệch khoảng hơn 14.600 tỷ đồng trong năm sau.
Quang cảnh phiên họp sáng 29/11. |
Tuy nhiên việc áp thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong thời gian hưởng ưu đãi miễn giảm thuế, có thuế suất thực tế thấp hơn 15%.
Nghĩa là ưu đãi về thuế của Việt Nam dành cho các doanh nghiệp ngoại sẽ không còn tác dụng, nên có thể ảnh hưởng tới môi trường đầu tư.
Trước đó, một số ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá tổng thể về môi trường đầu tư khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu để có các giải pháp về ưu đãi đầu tư phù hợp, giải quyết vướng mắc cho các nhà đầu tư hiện hành cũng như làm rõ về chế độ ưu đãi thuế đối với các nhà đầu tư mới sẽ vào Việt Nam.
Đồng thời, một số ý kiến đề nghị làm rõ trường hợp doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam sau thời điểm nghị quyết có hiệu lực thi hành thì áp dụng ưu đãi đầu tư về thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hay áp dụng thuế suất theo quy định của nghị quyết.
Các đại biểu ấn nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. |
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ triển khai đánh giá một cách tổng thể hệ thống chính sách ưu đãi thuế hiện nay và khẩn trương xây dựng dự án sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp cùng với phương án điều chỉnh hệ thống thuế suất và ưu đãi thuế một cách phù hợp.
Cùng với đó, nhiều ý kiến băn khoăn về vấn đề bảo đảm môi trường đầu tư và đề nghị Chính phủ khẩn trương có các giải pháp chính sách ưu đãi phù hợp khác để tiếp tục duy trì môi trường đầu tư khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu.
Một số ý kiến cũng đề nghị có thể dùng khoản thu này để triển khai các hoạt động hỗ trợ khác ngoài thuế và cần sử dụng nguồn thu này một cách hợp lý, đúng mục đích là để thu hút, cải thiện môi trường đầu tư, như kinh nghiệm của Thái Lan và cần tính cho cả các doanh nghiệp trong nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh khẳng định, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội là rất xác đáng khi cho rằng cần thiết phải có những chính sách hỗ trợ đầu tư mới, thay thế cho các ưu đãi thuế sẽ không còn hiệu quả trên thực tế để các nhà đầu tư có thể yên tâm về môi trường đầu tư tại Việt Nam và thu hút được các nhà đầu tư lớn, chiến lược, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước.
Theo ông Lê Quang Mạnh, để giải quyết vấn đề trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất Quốc hội cho phép không ban hành một nghị quyết riêng về chính sách hỗ trợ đầu tư mà đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp thứ 6 với nội dung: “Đồng ý chủ trương, giao Chính phủ trong năm 2024 xây dựng dự thảo Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi ban hành. Đồng thời, rà soát tổng thể để hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới”.