Quang Linh Vlogs nhận làn sóng tẩy chay gay gắt từ cộng đồng

Trước khi vướng lùm xùm về quảng cáo sai sự thật và nhận phải làm sóng tẩy chay gay gắt như hiện tại, Quang Linh Vlogs được nhiều người biết đến là chàng nông dân chất phác, mang lại không ít giá trị tích cực cho cộng đồng.
Giới trẻ tẩy chay Baby Three vì có hình ảnh giống "đường lưỡi bò"

Từng là người truyền lửa tới cộng đồng

Ngày 24/2 vừa qua, Quang Linh Vlogs xin lỗi vì quảng cáo chưa chính xác về kẹo rau củ "1 viên tương đương 1 đĩa rau" trên livestream, gây hiểu nhầm cho khách hàng. Nam vlogger khẳng định đội ngũ của mình không cố tình quảng cáo lố về sản phẩm.

Tuy nhiên, sự việc càng trở nên lùm xùm khi một TikToker đưa kẹo rau củ đi kiểm định chất xơ. Kết quả người này đưa ra chênh lệch rất lớn so với con số phía công ty của Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục cung cấp. Cơ quan chức năng cũng vào cuộc ngay sau đó.

Trước ồn ào này, Quang Linh Vlogs có lượng người hâm mộ đông đảo khi chia sẻ cuộc sống, làm việc ở châu Phi, đặc biệt là các hoạt động giúp đỡ người dân địa phương. Thời gian qua, anh dần lấn sân livestream và kinh doanh tại Việt Nam.

Team "Chị Em Rọt" của Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục thường xuyên tổ chức các phiên bán hàng với lượt chốt đơn "khủng", khiến họ được mệnh danh là "chiến thần livestream".

"Người hùng châu Phi" nhận làn sóng tẩy chay gay gắt từ cộng đồng
Quang Linh từng có nhiều hoạt động hỗ trợ cuộc sống cho người dân Angola được cộng đồng ca ngợi

Quang Linh Vlogs tên thật là Phạm Quang Linh, SN 1997 tại Nghệ An. Năm 2016, sau khi tốt nghiệp THPT, anh sang Angola xuất khẩu lao động, làm công việc thợ xây. Cuộc đời chàng trai xứ Nghệ thay đổi khi kênh YouTube Quang Linh Vlogs ra đời.

Năm 2018, Quang Linh cùng 4 người bạn Việt Nam và 5 người Angola thành lập "Team châu Phi" để ghi lại cuộc sống thường ngày, ban đầu chỉ với mục đích lưu giữ kỷ niệm. Tuy nhiên, các video chân thực, giản dị về cuộc sống ở châu Phi của anh nhanh chóng thu hút sự quan tâm từ cộng đồng mạng.

Chỉ trong vòng 1 năm, kênh của Quang Linh đã cán mốc 1 triệu người theo dõi và đạt nút vàng. Nhờ nguồn thu nhập ổn định từ kinh doanh và làm nội dung, anh bắt tay thực hiện nhiều dự án ý nghĩa hơn để hỗ trợ người dân Angola.

Từ một thanh niên sang Angola làm thuê, Quang Linh đã trở thành ông chủ với các dự án trồng trọt và chăn nuôi quy mô. Anh thuê đất, hướng dẫn người dân bản địa trồng lúa, rau củ và nuôi gia súc, đưa những loại cây quen thuộc của Việt Nam sang đây.

Với lợi nhuận thu được, Quang Linh tích cực hỗ trợ cộng đồng bằng những dự án thiết thực như xây trường học, giếng nước, nhà vệ sinh, trao tặng nhu yếu phẩm, đồ dùng học tập cho các gia đình khó khăn, lan tỏa sự ấm no và tri thức đến những vùng xa xôi.

Khởi đầu khá khiêm tốn, Quang Linh Vlogs gây dựng được khối tài sản đáng kể nhờ kênh YouTube với hơn 4,1 triệu người đăng ký và khoảng 1.700 video cho đến nay.

"Người hùng châu Phi" nhận làn sóng tẩy chay gay gắt từ cộng đồng
Quang Linh Vlog và hoa hậu Thùy Tiên trong các dự án cộng đồng tại châu Phi

Theo dữ liệu từ Social Blade năm 2023, doanh thu ước tính từ kênh của Quang Linh dao động 8.000-128.600 USD/tháng, tương đương hàng tỷ đồng. Ngoài YouTube, fanpage của chàng trai này cũng thu hút hơn 2,2 triệu người theo dõi, mỗi bài đăng nhận được hàng nghìn đến chục nghìn lượt tương tác.

Tên tuổi Quang Linh càng được chú ý hơn khi anh hợp tác với Hoa hậu Thùy Tiên trong các dự án thiện nguyện tại Angola vào tháng 7/2022.

Để giúp đỡ 300 hộ dân nghèo trong sinh hoạt cũng như trồng trọt, ê-kíp của Thùy Tiên và Quang Linh đã kết hợp xây 2 giếng nước sạch ở Angola. Những hình ảnh thân thiết của cặp đôi khiến cộng đồng mạng "đẩy thuyền" nhiệt tình. Tuy nhiên, Thùy Tiên khẳng định cả hai chỉ là bạn bè, đồng hành để lan tỏa những điều tốt đẹp.

Dần bị quay lưng

Với hàng loạt đóng góp cho cộng đồng, Quang Linh Vlogs nhận được nhiều tình cảm yêu mến cũng như sự công nhận.

Tháng 10/2024, tại Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029, Quang Linh vinh dự trở thành đại diện tiêu biểu của cộng đồng kiều bào tại Angola tham dự sự kiện quan trọng này. YouTuber SN 1997 còn được hiệp thương cử vào vị trí Ủy viên Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2024-2029.

Hình ảnh đẹp của Quang Linh được tán dương và ngưỡng mộ, cho đến khi anh quyết định dấn thân vào những phiên livestream bán hàng ở Việt Nam. Cùng với Hằng Du Mục, anh xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội, giới thiệu đa dạng sản phẩm từ nhiều nhãn hàng.

Nhiều phiên livestream của Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục liên tục "lập đỉnh" với hơn 100.000 mắt xem. Thậm chí, để thu hút người mua hàng, nam vlogger liên tục pha trò như mặc đồ kỳ quặc, ướm thử trang phục phụ nữ, diễn tiểu phẩm hài...

Cũng từ đây, không ít dân mạng bàn tán về sự thay đổi của Quang Linh. Họ không còn thấy hình ảnh chàng nông dân chân chất cùng người dân Angola thu hoạch mùa vụ, chăm sóc bò, dê… mà chỉ thấy một KOC "đóng vest", miệt mài bán hàng, dù có lẽ cũng chưa thực sự trải nghiệm hết sản phẩm.

"Người hùng châu Phi" nhận làn sóng tẩy chay gay gắt từ cộng đồng
Sản phẩm kẹo rau củ Kera đang bị cộng đồng phản ứng gay gắt do quảng cáo sai sự thật

Những ồn ào kéo đến với Quang Linh Vlogs như một lẽ tất yếu. Trước "phốt" quảng cáo lố kẹo rau củ Kera, Quang Linh cũng nhiều lần đưa ra lời xin lỗi. Tháng 11/2024, anh xin lỗi về hai sự cố liên quan đến sản phẩm được bán qua kênh của mình.

Đầu tiên là sản phẩm "dẻ sườn lợn gác bếp" không đúng chất lượng như quảng cáo. Quang Linh cho biết đã làm việc với nhãn hàng và họ cam kết hoàn tiền 100% cho khách hàng.

Tiếp đó, anh cũng xin lỗi vì tình trạng đóng gói kém của sản phẩm "Burger Táo Đỏ", khi nhiều hộp bị móp méo khi giao đến tay người mua. Anh khẳng định sẽ rà soát lại toàn bộ khâu đóng gói và vận chuyển.

Khi đã chấp nhận kiếm tiền từ những giao dịch mua bán, Quang Linh cũng phải chịu sự giám sát khắt khe hơn từ người theo dõi. Không ai có thể bao dung, bỏ qua "sai sót" của anh hết lần này đến lần khác. Có lẽ, nhiều người sẽ không phải thở dài tiếc nuối, hay ngậm ngùi "thoát fan", nếu "người hùng châu Phi" có thể cân bằng giữa làm thương mại và lựa chọn một cách cẩn trọng hơn về sản phẩm, ngôn từ để quảng cáo.

Theo luật sư Bùi Vũ Nghĩa (Đoàn luật sư Vũ Gia), pháp luật đã có quy định về quảng cáo sai sự thật. Cụ thể theo khoản 7 Điều 109 Luật Thương mại 2005, quảng cáo sai sự thật bao gồm việc cung cấp thông tin không đúng về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, xuất xứ, bao bì, bảo hành và các yếu tố khác của sản phẩm, dịch vụ.

khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 cũng nghiêm cấm quảng cáo gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, chất lượng, giá cả, công dụng và các thông tin liên quan đến sản phẩm, dịch vụ. Như vậy, hành vi quảng cáo sai sự thật là vi phạm pháp luật và bị nghiêm cấm.

Khi cá nhân, tổ chức có hành vi quảng cáo sai sự thật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021. Theo đó, cá nhân sẽ bị phạt tiền 60 - 80 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo không đúng sự thật hoặc gây sự nhầm lẫn cho khách hàng về chất lượng, số lượng, công dụng, nguồn gốc xuất xứ, phương thức phục vụ và thời hạn bảo hành của hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ đã được đăng ký hoặc công bố.

"Người hùng châu Phi" nhận làn sóng tẩy chay gay gắt từ cộng đồng
Tình trạng KOL hay các nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật vẫn liên tục lặp đi lặp lại trong thời gian dài vừa qua

Hành vi quảng cáo sai sự thật còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 197 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13.

"Có thể thấy các trường hợp KOL hay nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật từ trước đến nay đều bị phạt hành chính và mức phạt được xem là rất nhẹ. Bởi những người này có thể thu về hàng trăm triệu đồng thậm chí đến hàng tỷ đồng từ các chiến dịch quảng cáo cho các nhãn hàng trên mạng xã hội. Chính vì thế, tình trạng KOL hay các nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật vẫn liên tục lặp đi lặp lại trong thời gian dài vừa qua.

Điều này đòi hỏi cần có hình thức xử phạt nặng hơn đối với các đối tượng này, như tăng mức phạt để có tính răn đe, thậm chí là tiến hành “cấm sóng” trên các nền tảng mạng xã hội, truyền hình hay cấm tham gia các sự kiện và nặng hơn, cần xử lý hình sự nếu các vi phạm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dùng và xã hội.

Trong đó, hình thức “cấm sóng” cần sớm được áp dụng, bởi với các KOL hay nghệ sĩ, khi cấm họ hành nghề xem như là mất đi tất cả, lúc đó họ mới ý thức được mình nên hành xử như thế nào trên môi trường mạng", luật sư Vũ Nghĩa nhấn mạnh.

Phạm Thành
Phiên bản di động