Nữ sinh trường làng giành học bổng 5,7 tỉ đồng Đại học Mỹ
55 đại học Mỹ huỷ lớp học trực tiếp, ĐH Harvard yêu cầu sinh viên dọn khỏi ký túc xá Con đường giành 7 học bổng nước ngoài của nữ sinh Hà Tĩnh Những lò đào tạo nhiều người siêu giàu nhất thế giới |
Tự bắt xe buýt nhiều chặng từ Bắc Ninh tới Hà Nội ôn thi mỗi ngày, có những buổi đi học về đã 22 giờ đêm, nhưng Nguyễn Diệu Vân không nản chí. Cô gái học lớp 12 Trường THPT Thuận Thành số 1, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh vừa được đền đáp công sức bằng học bổng toàn phần trị giá 5,7 tỉ đồng tới ĐH Mỹ, Trường Hobart and William Smith Colleges, ngành truyền thông.
Học ở đâu không quan trọng, tất cả đều do mình
Nguyễn Diệu Vân cho biết trước kỳ nghỉ hè lớp 10, cô chưa từng nghĩ tới chuyện sẽ trở thành một nữ sinh giành học bổng tới Đại học Mỹ. Tình cờ, một lần ngồi cùng mẹ và anh trai, mọi người cùng nói tới một bạn trẻ vừa đi du học. Vân chợt nói với mẹ “hay là con sẽ thử?”.
Không phải là chuyện "thử" nữa, Vân học thật, ôn tập thật, quyết tâm thật. Trong gia đình không có ai có kinh nghiệm săn học bổng Mỹ, mọi thứ Vân đều tự tìm hiểu trên mạng để biết những thứ mình cần chuẩn bị là gì. Cô cũng chủ động liên hệ các trung tâm tư vấn du học tại Hà Nội để biết mình cần điều kiện ra sao, hoàn thành bài luận thế nào.
“Tôi tự bắt xe buýt ra Hà Nội, vào một trung tâm, họ cho tôi làm thử một bài thi TOEFL để đánh giá trình độ đang ở đâu, tôi nghe không được, nói cũng không, viết cũng không nốt. Chị nhân viên nói tôi hay là thử làm một bài IELTS và kết quả không khả quan hơn. Tôi ôm đầu "ôi em mệt lắm rồi", sau đó hai chị em bàn luận và đưa ra giải pháp, tôi sẽ học một khóa ôn tập để có thể theo kịp các bạn lớp cơ bản đầu tiên. Tôi đi xe buýt từ Bắc Ninh lên Hà Nội ôn tập đều đều, mỗi ngày đi 2 chặng xe buýt, 1 chặng grab mới tới nhà. Ngồi trên xe buýt 1,5 tiếng tới 2 tiếng đồng hồ, tôi tranh thủ học bài. Tối nếu hết xe buýt, bố hoặc mẹ tôi sẽ chạy xe ra đón ở gia Lâm, 22 giờ hơn mới về tới nhà, rất mệt...”, Vân kể lại một phần nhỏ trong hành trình ôn tập thi IELTS và SAT để đủ điều kiện xin học bổng.
Tôi không so sánh các bạn, mỗi người một chặng đường, không ai giống ai. Nếu so sánh mình với người khác là sỉ nhục bản thân, tôi quyết tâm hơn, học tập chăm chỉ.
Nguyễn Diệu Vân |
“Tôi rất sốc. Nhưng tôi không so sánh các bạn, mỗi người một chặng đường, không ai giống ai. Nếu so sánh mình với người khác là sỉ nhục bản thân, tôi quyết tâm hơn, học tập chăm chỉ. Đồng thời, tôi quyết tâm làm một bài luận thật hay để người tuyển sinh sẽ phải chú ý tới hồ sơ của mình”, Vân chia sẻ.Vân cho hay, trong quá trình ôn thi và làm hồ sơ xin học bổng, mọi người nói với cô, xin học bổng 100% rất khó. Cô cũng gặp rất nhiều bạn giỏi, IELTS trên 8.0, SAT gần 1.600 điểm, điểm trung bình các môn học ở trường trên 9.0.
Nữ sinh giành học bổng tới Đại Mỹ với điểm SAT 1.400 (trong đó điểm toán 790/800) và IELTS 7.0, cho hay thực tế cô nộp hồ sơ 5 trường Đại Mỹ và nhận được thông báo trúng tuyển 4 trường, tuy nhiên chỉ khi tới trường Hobart and William Smith Colleges bản thân cô mới vỡ òa niềm vui thực sự khi trường quyết định cho cô 100% học bổng trong 4 năm học.
“Thực tế, tôi có viết email tới nhà trường và xin nhà trường có thể hỗ trợ thêm 12.000 đô la trong một năm để lo sinh hoạt phí và đã được chấp nhận", Vân kể. Tổng trị giá học bổng cô được đài thọ là 5,7 tỉ đồng.
Không học ở lớp chọn hay trường chuyên, cũng không phải “con nhà người ta” với gia thế “khủng”, bí quyết lớn nhất của Vân là cố gắng hết sức. “Trường chuyên hay trường thường thì cũng không thể khẳng định được hết chất lượng học sinh. Việc học ở đâu, có nổi bật hay không tôi nghĩ là do bản thân mỗi người. Có thể môi trường học tập sẽ có sự khác nhau nhưng quan trọng hơn cả là ở chính bản thân mình. Cha mẹ tôi chỉ là người buôn bán nhỏ theo truyền thống trong làng nhưng luôn cố gắng lắng nghe con cái, không bao giờ tạo áp lực điểm số, luôn cho con ra ngoài tự mình trải nghiệm mọi thứ”, nữ sinh 18 tuổi bộc bạch.
Người trẻ gìn giữ văn hóa quê hương
Bắc Ninh là quê hương của tranh dân gian Đông Hồ. Muốn dòng tranh này được nhiều người biết tới hơn, đặc biệt để người trẻ không quay lưng lại với văn hóa truyền thống, nữ sinh quê Bắc Ninh đã thành lập fanpage Dong Ho folk paintings hồi tháng 7/2019. Đồng hành với Vân là 7 người bạn rất nhiệt tình, đầy niềm đam mê với dân gian, lịch sử và văn hoá Việt Nam. Tuy mỗi người một cá tính nhưng tất cả đều có chung niềm đam mê với tranh Đông Hồ.
Năng động, sáng tạo, yêu thích các sản phẩm truyền thông, Vân thành lập một kênh YouTube đăng tải những video về đời sống giới trẻ hồi tháng 6. Tới nay, chỉ sau 2 tháng, kênh đạt hơn 20.000 lượt theo dõi.
Dịch Covid-19 ảnh hưởng tới việc sang Mỹ nhập học của Vân, cô chia sẻ, mình đã hoãn 1 kỳ học và chuyển hẳn sang học kỳ mùa xuân. “Bây giờ việc quan trọng tôi cần làm là giữ sức khỏe, bình tĩnh để hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT trong vài ngày tới”, nữ sinh vừa giành học bổng 5,7 tỉ đồng tới Đại học Mỹ chia sẻ.