Nỗi niềm sinh viên, người lao động đón Tết xa nhà vì dịch Covid-19

Dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ dịp cận Tết, không ít sinh viên bị mắc kẹt ở thành phố, không thể về quê đón Tết cùng gia đình.
Hà Nội chủ động, quyết tâm chiến thắng dịch bệnh một lần nữa Học sinh Hà Nội nghỉ Tết sớm 1 tuần phòng dịch Covid-19 Tranh thủ từng giờ, từng phút dập dịch trong thời gian sớm nhất

Mới đầu tuần trước, hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Phượng (quê ở khu dân cư Đồng Vày, phường An Lạc, thành phố Chí Linh, Hải Dương) hiện đang sinh sống tại Hà Nội còn rục rịch đi sắm Tết, quà bánh về biếu bố mẹ, người thân. Vậy mà chỉ sau đó vài ngày, thành phố Chí Linh trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất của cả nước. Thành phố bị phong tỏa, hành trình về quê ăn Tết với gia đình đành tạm hoãn.

Nỗi niềm sinh viên, người lao động đón Tết xa nhà vì Covid-19
Nguyễn Bảo Linh Linh chọn đi du lịch TP Hồ Chí Minh khi dịch Covid-19 chưa diễn biến phức tạp

Chị Phượng tâm sự: “Tết này là cái Tết đầu tiên của mình ở nhà chồng, cũng là dịp ra mắt, đi thăm nhiều họ hàng nên mình đã chuẩn bị từ rất sớm, quà bánh đã mua chỉ chờ ngày mang về. Theo dự định, khoảng 27, 28 Âm lịch hai vợ chồng cùng về. Bây giờ thì cả thành phố Chí Linh bị phong tỏa, nhà mình lại ở ngay gần Công ty TNHH điện tử Poyun Việt Nam nên vợ chồng mình chẳng về được nữa”.

Với những người chưa một lần ăn Tết xa gia đình, Tết năm nay có lẽ sẽ thật khó khăn vì sự hoành hành của dịch bệnh. Phượng chia sẻ: “Mình không đi du học cũng chẳng xuất khẩu lao động, chưa từng nghĩ sẽ có một cái Tết xa nhà như thế. Nhà neo người chỉ có bố mẹ với đứa cháu nhỏ, anh chị đang sống ở nước ngoài, mỗi dịp Tết để cả nhà quây quần mà năm nay cũng không thể.

Mọi dự định đều tan biến hết, mỗi ngày nghe tin tức thêm ca nhiễm mới, đường về nhà ngày một xa vời. Bố mẹ, con cháu chỉ nói chuyện được qua điện thoại. Ngày nào ông bà cũng động viên hai vợ chồng cố gắng ở yên Hà Nội ăn uống đầy đủ, khi nào hết dịch thì về chơi Tết muộn vậy. Bây giờ đang có dịch thì phải cùng nhau chống dịch”.

Hoàn cảnh của vợ chồng chị Phượng cũng là cảnh ngộ chung của nhiều người đang đi học, đi làm xa quê. Thành phố phong tỏa, nhiều người không thể trở về, cũng nhiều người không thể rời đi. Có những người đã đặt vé tàu, xe và không nằm trong vùng dịch vẫn sẵn sàng hủy lịch trình, ở lại để ngăn dịch bệnh lan rộng.

Nỗi niềm sinh viên, người lao động đón Tết xa nhà vì Covid-19
Bảo Linh tại đường sách Quận 1, TP Hồ Chí Minh

Nguyễn Bảo Linh cũng đã chuẩn bị sẵn sàng đón Tết Tân Sửu một mình ở thành phố Hồ Chí Minh. Nhà Linh ở Hà Nội. Sau khi kết thúc học kỳ 1, cô bạn lên đường đến TP Hồ Chí Minh du lịch thì dịch bệnh bất ngờ bùng phát.

Chia sẻ với phóng viên, Linh cho biết: “Lúc đầu, mình chỉ định đi trong 4 ngày. Vậy mà vào đến ngày thứ 2, nghe tin dịch bùng phát ở Hải Dương rồi có ca nhiễm trên chuyến bay VJ275, từ sân bay Cát Bi (Hải Phòng) về sân bay Tân Sơn Nhất cùng ngày với chuyến bay vào của mình. Dù không cùng chuyến nhưng để đảm bảo an toàn, mình quyết định tự cách ly tại đây trong 14 ngày. Gia đình cũng đồng lòng và động viên mình ở lại trong này, có thể qua Tết mới về cũng không sao”.

Chiều hôm sau, Linh quyết định hủy vé khứ hồi chỉ 30 phút trước giờ bay và không được hoàn bất cứ chi phí gì. Căn hộ Linh đang sống cũng được thuê thêm 14 ngày. Nhưng điều đó có lẽ không quan trọng bằng sức khỏe và đảm bảo công tác phòng dịch của cả nước ngay lúc này.

Linh tâm sự: “Tết xa nhà đầu tiên chắc chắn sẽ vô cùng khó khăn và buồn bã, nhưng nếu nghĩ tích cực lên, biết đâu đây sẽ là một trải nghiệm thú vị và đáng nhớ nhất. May mắn là mình có nhiều người bạn từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada cũng ở lại đây đón Tết nên có lẽ sẽ bớt cô đơn. Chúng mình dự định sẽ cùng nhau nấu những món ăn truyền thống như ở nhà, gọi điện chúc mừng năm mới gia đình và mọi người. Hương vị Tết ở đâu ta cũng có thể mang đi được mà, chỉ cần có sức khỏe và an toàn.

Tết năm nay không ăn Tết cùng gia đình thì vẫn còn những Tết năm sau nhưng nếu mỗi người không nêu cao tinh thần trách nhiệm thì có thể sẽ mãi mãi không có một cái Tết vắng bóng Covid-19”.

Nguồn: TTTĐ
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động