Những người trẻ giỏi “cất cánh” từ trường nghề

Họ là những người thợ trẻ giỏi “cất cánh” từ các trường đào tạo nghề. Được trang bị chuyên môn vững vàng, cùng với sự hội tụ của nhiều kỹ năng khác, họ đã có thành công nhất định trong sự nghiệp, với mức thu nhập mơ ước của nhiều người.
“Màu ký ức” tái hiện lịch sử, lan tỏa tình yêu đất nước "Bí kíp" xây dựng thương hiệu cá nhân cho người trẻ

Theo đuổi nghề bằng niềm đam mê

Vương Xuân Nam, sinh năm 1995 từng là học viên theo khoá học của tổ chức Plan International tài trợ tại trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội. Anh quê ở huyện Đông Anh, Hà Nội. Nam kể, tốt nghiệp trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương 1, rồi nắm được thông tin có khoá học miễn phí đào tạo nghề nâng cao ở Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, anh đăng ký theo học ngay.

Rèn giũa tay nghề thêm gần một năm nữa tại ngôi trường có bề dày trong lĩnh vực đào tạo nghề công nghiệp, Nam nhanh chóng trở thành người thợ lành nghề. Kết thúc khoá học, anh được nhà trường giới thiệu việc làm, thử việc làm kỹ thuật bay tại Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay VAECO (tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội).

Tháng 12/2018, vừa nhận việc, doanh nghiệp đã đề xuất tiền lương cho anh dao động từ 9-12 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này rất xứng đáng với tay nghề của chàng trai trẻ, dù mới ra trường. Anh chia sẻ: “Công việc hiện tại của tôi không quá bận rộn, trừ lúc cao điểm thì phải tăng ca làm thêm. Được nhà trường giới thiệu việc làm và làm việc đúng với niềm đam mê, tôi rất vui và cảm thấy mình may mắn”.

Chàng thợ trẻ giỏi cho biết, trong nhà trường, anh đã được học về các kỹ năng làm việc, an toàn lao động, cách ứng phó trong quá trình làm việc có sự cố đều được hướng dẫn. Khi ra ngoài làm việc, người lao động như anh được doanh nghiệp bổ sung những kiến thức mới, phù hợp với đặc thù ngành, đơn vị. Theo anh Nam, kỹ năng chuyên môn là một trong những yếu tố nền tảng của kỹ năng lao động. Anh đã được trang bị 70% chuyên môn từ khi còn trong trường và những kỹ năng khác là do bản thân trau dồi trong quá trình “ra đời”, làm việc thực tế.

Vương Xuân Nam
Anh Vương Xuân Nam

“Nếu quá trình học được thực hành, bám sát thực tế thì khi đi làm chúng ta có thể bắt nhịp ngay với thực tế và rất nhanh lành nghề. Tôi đã được học kỹ càng từ lý thuyết, gắn liền thực hành, tham gia khoá học chất lượng cao với trang thiết bị máy móc hiện đại, thầy cô giàu kinh nghiệm, truyền tải dễ hiểu nên đã đáp ứng được ngay yêu cầu của đơn vị tuyển dụng”, Vương Xuân Nam cho biết.

Theo anh Nam, kỹ năng lao động tuỳ thuộc vào cá nhân từng người và nó bao gồm một hệ thống các kỹ năng liên quan. Do cách tiếp cận của mỗi người, có người tiếp cận nhanh, có người rất lâu mới có kỹ năng tốt. Bởi vậy, bản thân mỗi người lao động cần phải tích cực rèn nghề, trau dồi kiến thức, kỹ năng mềm, ngoại giao và những yếu tố cần thiết để bắt nhịp kịp thời đại và xu hướng phát triển của xã hội.

Không ngừng cố gắng, đổi mới bản thân

Không riêng anh Vương Xuân Nam, thực tế cho thấy, đại đa số người lao động, dù làm bất cứ ngành, nghề gì, ở vị trí công việc nào, thì những ai đã qua đào tạo, vững kỹ năng nghề thường mang lại hiệu quả công việc cao hơn. Họ cũng là đối tượng dễ dàng nắm bắt những cơ hội việc làm tốt, thậm chí được các nhà tuyển dụng săn đón. Có thể kể đến tấm gương anh Nguyễn Văn Thiết, sinh năm 1995 (cựu sinh viên trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội).

Nguyễn Văn Thiết
Anh Nguyễn Văn Thiết

Chàng trai 9X đã xuất sắc giành Huy chương Vàng “Kỹ năng nghề ASEAN” năm 2016; được Thủ tướng tặng bằng khen và được chọn là một trong 10 đại sứ kỹ năng nghề đầu tiên của Việt Nam. Nguyễn Văn Thiết từng thi đỗ vào trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội. Thế nhưng, anh đã bỏ ngang vì thấy không hợp với dự định tương lai của bản thân. Hơn một năm bươn chải ngoài xã hội, làm nhiều loại công việc, Thiết thông suốt ra một điều rằng, sống trên đời phải có một cái nghề chuyên nghiệp.

Rồi anh đến trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội với mong muốn học nghề, sau này kiếm đủ tiền nuôi sống bản thân, giúp gia đình bớt khó khăn. Trong quá trình học tại trường, chàng trai 9X luôn cố gắng, phấn đấu vươn lên, không ngừng học hỏi, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng sống.

Ngay thời gian học tập ở trường nghề, anh đã thể hiện được năng lực của mình. Chàng thợ trẻ giỏi đã nhận được nhiều giải thưởng lớn như: Huy chương Vàng nghề Tự động hoá công nghiệp, nhận giải thưởng “Sinh viên 5 tốt” cấp thành phố Hà Nội, được vinh danh gương mặt trẻ Thủ đô, danh hiệu Tuổi trẻ sáng tạo từ Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh...

Tốt nghiệp ra trường với tấm bằng xuất sắc, Thiết trở thành kỹ sư cho Vinfast một công ty làm việc về lĩnh vực ô tô thuộc Tập đoàn Vingroup. Được làm việc trong một công ty lớn hàng đầu Việt Nam cùng với mức lương lý tưởng thế nhưng, chưa bao giờ Thiết ngừng cố gắng, ngừng học hỏi, cập nhập và đổi mới bản thân.

Để có kỹ năng nghề tốt, nâng cao kỹ năng lao động, anh chia sẻ, trước hết là lựa chọn nghề nghiệp mà mình yêu thích và sát với thực tế, không phải con đường nào đẹp nhất cũng dẫn tới thành công; Trau dồi kiến thức, kỹ năng ngoại ngữ để thấy mình không cô độc và hơn hết luôn phải tự tin, nỗ lực hết mình đối với con đường đã chọn.

Lê Dung
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động