Những người “bố nuôi” vùng biên ải

Song hành cùng nhiệm vụ ngày đêm canh giữ biên cương, những người lính quân hàm xanh ở đồn Biên phòng Phú Mỹ (Huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) còn đảm đương công việc như những người anh, người bố của không ít em nhỏ.
Bài 2: Thầy giáo quân hàm xanh xóa "tái mù" Băng rừng, vượt núi gieo chữ giữ biên cương - Bài 1: Sài Khao dạy chữ, chân không mỏi Tiếp tục đầu tư, nhân rộng các trường dân tộc nội trú

Ấm lòng bữa cơm biên ải

Trên biên giới Tây Nam của Tổ quốc, con sông Giang Thành chảy quanh co, có đoạn trùng lên đường biên giới. Có lẽ vì thế địa bàn này được đặt tên huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang. Đây là địa bàn đồn Biên phòng Phú Mỹ đang đóng quân, thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ vùng đất biên cương Tổ quốc.

Dưới cái nắng gay gắt đổ xuống vùng sông nước mênh mông miền Tây Nam bộ, đồng chí Danh Tâm – Chính trị viên đồn Biên phòng Phú Mỹ đưa chúng tôi đến xã Phú Mỹ để hiểu thêm về câu chuyện của cô bé Thị Cui Em, một trong những người con nuôi của của các anh.

Bé Cui Em kể: Nhà con có 4 anh chị em. Bố mẹ con kiếm sống nhờ công việc nhổ lá cây cỏ bàng về đan giỏ, bán trên thị xã và các vùng du lịch trong tỉnh.

Những người “bố nuôi” vùng biên ải
Đoàn công tác Hội Nhà báo Hà Nội tới thăm đồn Biên phòng Phú Mỹ, thắp hương trước Đài tưởng niệm chiến sĩ đồn Biên phòng đã ngã xuống trong công cuộc bảo vệ đất nước

Công việc nhổ cỏ bàng không đơn giản và nhàn hạ bởi quanh năm vùng Tây Nam Bộ hoặc vào mùa mưa hoặc nắng nóng chang chang. Kiên Giang cũng là địa bàn bị hạn mặn xâm nhập nên đất đai thu hẹp dần. Nhiều năm nay Tây Nam Bộ thiếu mưa trong khi cây cỏ bàng chỉ mọc được khi mùa nổi. Cây cỏ bảng càng ít đi khiến công việc của ba mẹ Cui Em trở nên cực nhọc, bấp bênh. Thay vì việc nhổ cỏ bàng ở cánh đồng gần nhà, ba mẹ phải đi xa hơn, đến những cánh đồng hoang vu hơn để tìm kiếm, mưu sinh.

Từ ngày 14 đến 19 tháng 5, đoàn công tác của Hội Nhà báo thành phố Hà Nội do Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Tô Quang Phán làm trưởng đoàn đến thăm, làm việc tại các Đồn biên phòng thuộc 2 tỉnh Kiên Giang và Cà Mau.

Đây là chương trình thực hiện ký kết tuyên truyền giữa Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Hội Nhà báo thành phố Hà Nội. Theo đó, Hội tổ chức các chuyến thực tế tìm hiểu những đóng góp thầm lặng của bộ đội biên phòng trong việc bảo vệ, giữ vững chủ quyền biên giới, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Nhà 4 chị em ăn học, lúc ba mẹ gặp khó khăn, Cui Em tưởng chừng như phải tạm gác việc đến trường. Nhưng nhờ sự quan tâm của các thầy cô và đặc biệt là sự hỗ trợ của các chiến sĩ đồn Biên phòng Phú Mỹ, cô bạn nhỏ được thắp lên tia hy vọng đi học như các bạn.

Các suất học bổng được trao tặng tới học sinh
Học trò Cui Em (người đứng thứ 2 - từ phải sang) đón nhận suất học bổng của các cô chú nhà báo Hà Nội

Đều đặn mỗi tháng Cui Em đến đồn biên phòng Phú Mỹ nhận 500 ngàn đồng từ các chú bộ đội. Con đường đến trường của em đã không bị gián đoạn. Được đi học là cơ hội giúp nụ cười đầy hạnh phúc quay lại trên môi cô học sinh lớp 5, trường tiểu học Phú Mỹ, huyện Giang Thành.

Cui Em nói: "Con cảm ơn các chú bộ đội nhiều lắm. Nhờ có số tiền hỗ trợ, ba mẹ con đỡ vất vả khi nuôi chúng con ăn học. Được nhận quà từ các chú bộ đội con vui và vô cùng tự hào. Con mong mình sau này lớn lên sẽ trở thành bác sĩ để giúp được nhiều người như các chú bộ đội biên phòng đang giúp cho bao gia đình hạnh phúc".

Theo Đại tá Huỳnh Văn Đông, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang: Trong năm 2022, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh triển khai Chương trình “Nâng bước các em đến trường” hỗ trợ 93 em với mức 500.000 đồng /1 em/1 tháng. Bộ đội biên phòng tỉnh nhận phụng dưỡng 7 Mẹ Việt Nam anh hùng và 12 gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, mỗi hộ 1.000.000 đồng/ tháng; 4 cháu con nuôi đồn Biên phòng mỗi cháu 2.000.000 đồng/tháng; Tổng số tiền năm 2022 là 882.000.000 đồng.

Con cảm ơn chú bộ đội Việt Nam…

Không riêng gì Thị Cui Em và ngoài hàng chục em bé đang được đồn biên phòng Phú Mỹ chăm lo, tại vùng biên giới Việt Nam – Camphuchia, khu vực giáp ranh của huyện Giang Thành còn có 9 em bé được các anh bộ đội biên phòng nhận là con nuôi.

Những người “bố nuôi” vùng biên ải
Các em nhỏ Campuchia trong chương trình Nâng bước các em đến trường của đồn Biên phòng Phú Mỹ

Hầu hết các em đều có hoàn cảnh gia đình đặc biệt như mồ côi, cha mẹ bệnh tật hoặc gia đình đông con. Các chiến sĩ quân hàm xanh đồn Biên phòng Phú Mỹ nhận đồng hành cùng các em từ khi còn nhỏ đến lúc ra trường.

Đồng chí Danh Tâm – Chính trị viên đồn Biên phòng Phú Mỹ cho biết thêm: "Ngay cả những khi cao điểm khó khăn của đợt dịch bệnh COVID-19, những người lính chúng tôi vẫn đau đáu nghĩ đến các con. Trong đợt dịch không kịp trao quà cho các con nên ngay sau khi hết giãn cách, chúng tôi tổ chức thăm hỏi gửi quà tới các con.

Việc trao tặng cho các con được 2 đồn biên phòng Việt Nam – Camphuchia thực hiện rất ấm cúng. Các con được mời lên đồn biên phòng nước bạn và nhận những suất quà bộ đội biên phòng Việt Nam. Cha con gặp lại nhau sau thời gian dài, ai cũng mừng, tủi".

Mỗi mùa xuân về, khi mai vàng nở bừng cửa ngõ đồn biên phòng, niềm vui của những người lính nhân lên gấp bội khi nhận những lá thư, tin nhắn của các con nuôi gửi tới với những dòng chữ thân thương: “Con cảm ơn các chú bộ đội Việt Nam nhiều lắm. Con luôn nhớ phải cố gắng học hành chăm chỉ để lớn lên trở thành người có ích như các anh bộ đội Việt Nam, bộ đội Cụ Hồ”.

“Chương trình “Nâng bước các em đến trường” của đồn Biên phòng Phú Mỹ giúp đỡ nhiều học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được đến trường. Tình cảm của người lính tiếp thêm động lực cho các em phấn đấu vươn lên trong học tập và rèn luyện. Hàng tháng, ngoài việc phân công cán bộ, chiến sĩ đến trao tiền cho các em, chiến sĩ đồn Biên phòng Phú Mỹ thường xuyên giữ mối liên hệ với gia đình, nhà trường, chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các em, nhất là những em bé thiệt thòi” - cô giáo Đoàn Cao Bình An, giáo viên trường Tiều học Phú Mỹ, huyện Giang Thành nhận xét.
Anh Vũ
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động