Bài 2: Thầy giáo quân hàm xanh xóa "tái mù"

11 giờ đêm, học viên tan lớp, líu ríu chào thầy giáo, đốm đèn pin lập lòe theo từng con dốc trôi về bản. Người thầy giáo quân hàm xanh thu xếp giáo án, sách vở, tắt hết điện, bóng tối bao trùm mênh mông rừng già. Ánh đèn xe cùng tiếng động cơ giòn tan đưa anh rẽ màn sương dày đặc, lướt qua những cung đường ngoằn nghoèo cheo leo từ các điểm trường trở về Đồn Biên phòng Trung Lý. Gần 20 năm qua, đại úy, thầy giáo Hơ Văn Di gắn bó với các lớp xóa mù chữ cho đồng bào như thế này.
Băng rừng, vượt núi gieo chữ giữ biên cương - Bài 1: Sài Khao dạy chữ, chân không mỏi

Những lớp học sáng đèn trong bản nhỏ

Đại úy Hơ Văn Di, nhà ở Pù Nhi - một xã miền núi cao có đường biên giới giáp Lào, thuộc huyện Mường Lát, Thanh Hóa. Ở con người anh toát lên cả tác phong nghiêm ngắn, kỉ luật của người lính đồng thời lại có cả nét mô phạm của người thầy.

Đại uý Hơ Văn Di cầm tay, dạy chữ cho đồng bào
Đại úy Hơ Văn Di cầm tay, dạy chữ cho đồng bào

Khi chúng tôi đến, Liên hiệp hội Phụ nữ huyện Mường Lát phối hợp với đồn biên phòng Trung Lý vừa tổ chức khai giảng lớp xóa mù chữ, xóa tái mù chữ cho hội viên phụ nữ bản Khằm 2. Chị em ở đây náo nức, hăng hái lắm. Những bộ trang phục đẹp nhất, những điệu múa đẹp nhất được các chị tưng bừng chuẩn bị cả tuần để chờ biểu diễn trong ngày vui này. Sau khi khai giảng, chúng tôi mới tranh thủ trò chuyện được với cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Trung Lý về công tác phổ cập giáo dục cho đồng bào vùng biên nơi đây.

Hơ Văn Di kể, anh về công tác tại Đồn Biên phòng Trung Lý từ năm 2006. Là người dân tộc Mông, có ưu thế là hiểu được tiếng nói và gần gũi với đồng bào hơn, được sự phân công của chỉ huy đơn vị, đồng chí Di xuống tận bản, hướng dẫn đồng bào học và viết chữ. Từ Đồn Biên phòng Trung Lý, anh đi khắp các bản xa, bản gần trong xã. Có những điểm trường sát mặt đường, dễ đi nhưng cũng có những điểm trường như tại bản Khằm 2 đường sá vô cùng khó khăn. “Chỉ vừa một viên gạch, đủ để bánh xe máy đi thôi”, đại úy Hơ Văn Di cười hiền.

Hỏi anh có sợ không, Di trả lời "Không". Rồi anh giải thích: "Mình đi rừng, đi núi quen rồi. Với lại, còn nhiệm vụ trên vai, nên mình phải chắc tay lái, không thể nào sa xuống vực được, dù không ít lần gặp nguy hiểm như sạt núi, mưa rừng, sương mù mờ mịt che khuất tầm nhìn...".

“Ấy là bây giờ điều kiện đã tốt lên nhiều. Chứ năm 2009, mình còn đi bộ đi dạy kia”, đồng chí Hơ Văn Di cho biết. Khi ấy, cứ khi nào mở lớp, anh lại bắt đầu hành trình của mình. 7 giờ sáng xuất phát từ đồn, đi theo các đường mòn lối mở, đạp núi băng rừng, xuyên các đường tắt, 3 giờ chiều anh mới đến nơi. Cùng với tổ công tác tại các chốt, ban ngày sinh hoạt chuyên môn, tối đến anh bắt đầu lên lớp dạy học.

Chị em phụ nữ mang cả con đến lớp học
Chị em phụ nữ mang cả con đến lớp học

Tại các lớp học xóa mù, xóa tái mù chữ, đồng bào chủ yếu là phụ nữ, thanh niên từ 20 - 30 tuổi. Đây là lực lượng lao động trẻ nên khá bận rộn. Ban ngày họ còn phải lên nương, lên rẫy, tối về sau khi xong hết công việc cá nhân thường ngày xong mới đến lớp học. Quy định là 7 giờ tối nhưng thường thì lẻ tẻ mỗi người đến vào một khung giờ khác nhau. Trong khi đó, dù rất hăng hái học tập nhưng mức độ tiếp nhận của mỗi người mỗi khác, thầy giáo quân hàm xanh phải vô cùng nhẫn nại và linh hoạt với nhiều phương pháp giảng dạy.

Dạy học cho trẻ nhỏ đã khó, dạy cho người lớn còn khó hơn. Phải cầm vào những bàn tay chai sần vì lao động, hướng dẫn di theo từng nét chữ, nhắc đi nhắc lại nhiều lần, thầy không chỉ dạy mà còn phải cùng đồng bào khắc phục cả sự ngượng ngùng, tự ái. Do vậy, trò kiên nhẫn một thì thầy phải kiên nhẫn mười thì mới khai thông được mặc cảm, xóa bỏ được tự ti để lớp học thực sự hiệu quả.

undefined

Cứ mỗi lớp học xóa mù, xóa tái mù diễn ra trong vòng 3 tháng. Những người lớn ban đầu còn bỡ ngỡ, bối rối với bút, với vở, ngồi còn thừa chân, thừa tay, khom lưng trên những chiếc bàn ghế bé xíu của trẻ em, được sự tận tình của người thầy giáo quân hàm xanh, thấm thoắt họ đã đọc được chữ, viết được câu từ lúc nào.

Thầy giáo Hơ Văn Di tâm sự, vui nhất là đồng bào ham học, ham hiểu biết, vẫn muốn được học thêm. Bởi vậy, nhiều khi lớp học kéo dài thêm thời gian, anh vẫn hăm hở lên đường.

Khai mở dân trí

Chữ viết là lối mòn dẫn vào tri thức của nhân loại. Với đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, chữ viết còn là phương tiện để tiếp cận với xã hội hiện đại, góp phần nâng cao dân trí, vươn lên văn minh.

Đồng bào vui mừng biểu diễn văn nghệ trong lễ khai giảng lớp xoá mù chữ
Đồng bào vui mừng biểu diễn văn nghệ trong lễ khai giảng lớp xoá mù chữ

Thượng tá Cao Văn Long, Chính trị viên Đồn Biên phòng Trung Lý cho biết tại đây, 11 bản là người dân tộc Mông, 4 bản dân tộc Thái, Mường, tập quán sinh hoạt còn nhiều điều chưa theo kịp với nơi khác. Đặc biệt, đồng bào trong lứa tuổi từ 25 - 45 hầu như chưa được học tập, phổ cập giáo dục, không nói được ngôn ngữ phổ thông, dân trí rất thấp. Do đó, Đồn Biên phòng Trung Lý kết hợp với hội phụ nữ địa phương trong chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” mở lớp xóa mù, tái xóa mù cho bà con.

Tuy giáo án, giáo trình còn hạn hẹp nhưng chủ yếu bằng thực tế của người cán bộ, chiến sĩ biên phòng nắm địa bàn sẽ có hình thức truyền thụ để chị em biết đọc, biết viết, biết số. Thông qua đó, chiến sĩ biên phòng tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách của Nhà nước.

Người lớn ngồi học trên bàn ghế của học sinh tiểu học nhưng ai cũng hào hứng
Người lớn ngồi học trên bàn ghế của học sinh tiểu học nhưng ai cũng hào hứng

Thiếu tá Hoàng Ngọc Trung - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Trung Lý cho biết cụ thể hơn, đây là hoạt động thường niên của đồn với địa phương. Trên địa bàn rộng hơn 19.000ha, có những bản cách đồn 50km, đi lại rất khó khăn, người dân đa phần là nghèo và lạc hậu, điều kiện để tiếp cận với giáo dục rất ít. Thêm vào đó, từ thực tế, khi đồng chí Trung tuyên truyền với người dân, đồng chí Di phải dịch sang ngôn ngữ địa phương người dân mới hiểu, Đồn Biên phòng Trung Lý quyết định kết hợp với địa phương để mở lớp.

Nhiều năm qua, các lớp học tại các bản Khằm 1, Khằm 2… thu hút không chỉ phụ nữ mà còn thanh niên, người dân đăng ký học tập. Hiệu quả từ các lớp này, trình độ dân trí được nâng lên. Đặc biệt, cùng với việc giảng dạy, cán bộ biên phòng cũng kết hợp tuyên truyền nhiều vấn đề thiết thực với người dân.

Đây là nỗ lực của đồn biên phòng Trung Lý và chính quyền, đoàn thể địa phương
Lớp học tái xóa mù là nỗ lực của Đồn Biên phòng Trung Lý và chính quyền, đoàn thể địa phương

Trên địa bàn, dân trí thấp, do những phong tục tập quán hạn chế còn để lại, thanh niên 13 - 14 tuổi đã lập gia đình. Cùng với nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc Mông là vấn đề hết sức cấp thiết phải cảnh báo, tuyên truyền để người dân thay đổi tư duy.

“Đồng chí Di vừa là cán bộ Đồn Biên phòng, vừa là người dân tộc Mông nên tuyên truyền rất hiệu quả các vấn đề này”, Thiếu tá Hoàng Ngọc Trung nhận định.

Bên cạnh đó, đồn cũng kết hợp tuyên truyền các văn bản pháp luật, chính sách của Nhà nước. Nhờ đọc và hiểu được tiếng Việt, việc tuyên truyền này cũng hiệu quả hơn rất nhiều.

Niềm vui ngày bế giảng
Niềm vui ngày bế giảng

Đặc biệt, thời gian qua, xuất hiện hiện tượng người Mông ở nước ngoài thông qua mạng xã hội, lợi dụng sự thật thà của đồng bào để lừa đảo tiền bạc. Đặc điểm của người Mông là thấy cùng họ là tin tưởng, dù chưa quen biết, dù ở nước ngoài thì vẫn là anh em, dễ dàng “dốc lòng dốc túi”.

Trên địa bàn xã Trung Lý, huyện Mường Lát trong năm 2022 có rất nhiều chị em phụ nữ bị lừa, điển hình có trường hợp lên đến mấy trăm triệu đồng. Cùng với việc dạy học, đồng chí Di cũng phổ biến cho đồng bào biết rõ về phương thức, thủ đoạn lừa đảo của đối tượng xấu này để bà con không tiếp tục "sập bẫy", yên tâm làm ăn, sinh sống yên vui và phát triển kinh tế.

(Còn nữa)

Cẩm Tú
giaoductre.tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động