Những chàng trai trẻ Jrai thu nhập “khủng” từ Youtube
Chàng trai trẻ Y Pyiu người dân tộc Jrai |
Chàng trai “bản địa” mày mò công nghệ
Là một trong những người sở hữu kênh Youtube có số lượt xem đông nhất tỉnh Gia Lai, chàng thanh niên Y Pyiu (25 tuổi, làng Xoă, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah) niềm nở đón chúng tôi bằng nụ cười tỏa nắng và giọng nói trầm ấm đậm chất người Jrai.
Dẫn khách vào thăm phòng làm việc, Pyiu cho biết, sau khi tốt nghiệp cấp 3, cậu ở nhà phụ cha mẹ làm ruộng. Những lúc rảnh rỗi, Pyiu hay dùng điện thoại quay lại cảnh sinh hoạt, cảnh chơi đùa của các em nhỏ trong làng. Cách đây 3 năm, Pyiu lập cho mình một tài khoản với cái tên “Rup TV”. Sau đó, Pyui sử dụng kênh này để đăng những clip vui vẻ, hài hước.
Thời gian đầu, những clip Pyiu quay một cách tùy hứng và cắt, dựng bằng các ứng dụng ngay trên điện thoại rồi đăng lên. Lúc ấy, cũng chỉ được vài lượt xem, vài người đăng ký theo dõi nên cậu không chú tâm lắm. Rồi trong một lần hội làng, Pyiu quay một vài bạn thanh niên hát các ca khúc bằng tiếng Jrai, không ngờ clip lại nhận được rất nhiều lượt xem và bình luận.
Y Pyiu trong một lần đi làm clip |
“Hồi đầu mình dùng điện thoại quay phim, dựng các video rồi đăng lên mạng chỉ có một ý nghĩ để lưu lại khoảnh khắc đẹp. Nhưng sau này lại được nhiều người ủng hộ. Dưới mỗi video, mọi người để lại bình luận với mong muốn mình làm tiếp những clip về món ăn truyền thống, đi săn chuột, săn dơi…Từ đó mình bắt đầu làm nhiều clip theo yêu cầu của người xem.” - Pyiu chia sẻ.
Ngoài việc xây dựng những kịch bản phản ánh cuộc sống hằng ngày của người Jrai, các điệu nhảy truyền thống hay những chuyến đi săn, món ăn truyền thống, khám phá rừng, thác… xung quanh nơi mình ở. Pyiu cũng tự mình trực tiếp lên hình, giới thiệu trong các video như một người dẫn chương trình thực thụ.
Đến nay, kênh Youtube “Rup TV” của Pyiu đang sở hữu gần 100 ngàn lượt đăng ký. Mỗi clip cũng được cộng đồng đón nhận rầm rộ với hàng trăm ngàn, thậm chí vài triệu lượt xem.
Quảng bá văn hóa truyền thống, kiếm nguồn thu “khủng”
Với lượng người theo dõi và lượt xem tăng lên đã đem về cho Pyiu từ 15-20 triệu đồng/tháng. Số tiền thu được, Pyiu đầu tư một phần để trồng cà phê. Phần còn lại cậu dùng để trả công cho các “diễn viên” cuả mình và đầu tư cho những clip sau.
Để nâng cao chất lượng cho các video, Pyiu xin đi làm nội thất để có tiền đầu tư mua máy móc. Tháng lương đầu tiên được 4 triệu, cậu vay mượn thêm 4 triệu nữa mua một “body” máy ảnh Canon 700D vừa để chụp ảnh, vừa quay phim. Sau đó vài tháng cậu lại tiếp tục đầu tư thêm dàn máy tính với giá 34 triệu với cấu hình mạnh để dễ dàng dựng phim.
Tương tự, cái tên Siu Đur (25 tuổi, làng Vel, xã Ia Ko, huyện Chư Sê) cũng đang sở hữu kênh Youtube “Đur Siu Official 81” với lượng theo dõi khủng. Đur đến với công việc này cũng từ những clip quay lại hình ảnh các bạn trẻ người Jrai múa, hát.
Trao đổi với Báo Tuổi trẻ Thỉ đô Đur kể, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cậu phải nghỉ học từ sớm để theo cha lên rẫy. Năm 18 tuổi, vì đam mê đánh trống và muốn kiếm một công việc khác, Đur xin theo một ban nhạc tập đánh trống phục vụ đám cưới.
Cũng từ đây, khi nghe thấy những giọng ca hay, cuốn hút, Đur lấy điện thoại quay lại rồi đăng lên Youtube. Những clip của Đur nhanh chóng thu hút được nhiều người theo dõi, ủng hộ.
Phòng làm việc của Siu Đur |
Đến nay, kênh Youtube của Đur đã có hơn 320 ngàn lượt đăng ký theo dõi. Mỗi clip của Đur đăng lên có từ vài trăm ngàn đến cả triệu lượt xem.
Đáng kinh ngạc hơn, đầu năm 2019, kênh của Đur vừa nhận nút bạc của Youtube. Trung bình mỗi tháng, Đur được trả từ 30-50 triệu đồng từ kênh Youtube của mình.
Số tiền này Đur dùng để trả lương cho những “ca sĩ, diễn viên” tham gia đóng góp cho kênh. Số tiền còn lại, Đur đầu tư vào những chuyến đi xa làm những video tiếp theo. Sẽ rất bất ngờ khi biết rằng, Đur làm và chỉnh sửa clip hoàn toàn trên điện thoại di động.
Không bằng cấp, không được đào tạo qua bất cứ một trường lớp nào, nhưng những chàng trai người Jrai này đang dần trở thành những nhà làm phim nghiệp dư trên Youtube, giới thiệu về không gian văn hóa truyền thống, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân ở Gia Lai.