Nhọc nhằn “đánh vật” với sách giáo khoa lớp 1 mới

Sau gần một tháng đầu của năm học mới, không chỉ học sinh lớp 1 nhọc nhằn “đánh vật” với con chữ mà cả phụ huynh, giáo viên cũng đau đầu…
Con vào lớp 1, mẹ than “phải luyện cái thứ làm sứt mẻ tình mẹ con” Lớp 1 thì mua thêm cả chục cuốn sách tham khảo để làm gì? Mẹ bật khóc khi con vừa vào lớp 1 bị cô giáo chê bai đủ kiểu
Nhọc nhằn “đánh vật” với sách giáo khoa lớp 1 mới
Nhiều ý kiến cho rằng, kiến thức trong sách giáo khoa lớp 1 mới "nặng" (Ảnh minh họa)

Được kỳ vọng là chương trình giảm tải, lấy học sinh làm trung tâm, chú trọng dạy kỹ năng cho các em. Tuy nhiên, trên thực tế, sau gần một tháng đầu tiên của năm học mới, không chỉ học sinh nhọc nhằn “đánh vật” với con chữ mà cả phụ huynh, giáo viên cũng đau đầu…

Kiến thức quá nặng so với học sinh lớp 1

Đó là nhận xét chung của nhiều phụ huynh về sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông mới. Chị Phạm Thị May (ở quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Trường con tôi chọn bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”. Tuần đầu tiên, con tôi tỏ ra khá hào hứng với kênh hình phong phú, hình thức bắt mắt. Tuy nhiên, đến tuần học thứ hai thực sự là một cực hình.

Tôi thấy những kiến thức Tiếng Việt quá nặng so với học sinh vừa bắt đầu làm quen với con chữ. Không cho con đi học tiền tiểu học nên tối nào hai mẹ con tôi cũng đánh vật với nhau. Cháu vừa làm quen với chữ cái chưa được bao lâu đã phải ghép chữ, đánh vần cả cụm dài “bó cỏ”, “lá cọ” thì thử hỏi làm sao học được?”.

Cũng chung nỗi ám ảnh dạy con lớp 1, chị Phương Thu (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ: “Con tôi học bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”. Tôi cứ nghĩ chương trình cải cách mới sẽ nhẹ nhàng hơn, hướng đến giáo dục kỹ năng cho học sinh nên chủ quan không cho con đi học tiền tiểu học. Đến giờ, tôi mới thấy mình quá sai lầm.

Ngay ở tuần đầu tiên, con đã phải “học chữ nào ghép vần chữ đấy”. Đến tuần thứ ba là ghép cả câu “Để bà bế bé Lê đã”, “Ba bế cả Hà, cả bé Lê”. Ngày nào hai mẹ con cũng khổ sở quát nạt nhau. Nhìn con cứ vừa học vừa lau nước mắt mà tôi xót xa trong lòng”.

Vốn suy nghĩ “không để con mất đi tuổi thơ” nên anh Minh Tuân (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) và vợ lúc đầu nhất định không cho con đi học tiền tiểu học, cũng không muốn con học thêm từ quá sớm. Tuy nhiên, sau tháng đầu tiên học sách giáo khoa chương trình mới, anh chị thay đổi quan điểm 180 độ. Vợ anh mấy ngày nay qua đủ kênh thông tin để tìm kiếm lớp học thêm buổi tối cho con.

Anh chia sẻ: “Nếu không có cô giáo, thật sự vợ chồng tôi cũng bó tay không biết dạy con như thế nào. Muốn tiết kiệm, muốn con có tuổi thơ nhưng không được. Với chương trình học như thế này, nếu không cho con học thêm, tôi sợ cháu sẽ bị các bạn bỏ xa”.

Giáo viên cũng kêu trời

Từ một bộ sách giáo khoa dùng chung cho cả nước, năm nay trên cơ sở chương trình chuẩn đã có nhiều bộ SGK để các trường học trên cả nước lựa chọn được bộ sách phù hợp với học sinh cũng như điều kiện dạy và học của mình.

Theo Bộ GD&ĐT, cả 46 đầu SGK lớp 1 của 9 môn học và hoạt động giáo dục (8 môn bắt buộc và 1 môn tự chọn) thuộc 5 bộ sách được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt đều được các địa phương lựa chọn.

Đa số địa phương lựa chọn cả 5 bộ, một số nơi lựa chọn từ 3 bộ trở lên. Thực tế cho thấy, mỗi bộ sách đều có những điểm mạnh riêng để tạo sự hấp dẫn đối với người lựa chọn. Chọn sách nào phụ thuộc vào quan điểm của giáo viên ở mỗi địa phương, cơ sở giáo dục khi thấy sách đó phù hợp với học sinh của mình.

Tuy nhiên, không chỉ có phụ huynh than khó, nhiều giáo viên có kinh nghiệm lâu năm dạy học sinh lớp 1 cũng đánh giá, chương trình giáo dục phổ thông mới đang “đặt kỳ vọng quá lớn vào học sinh”.

Cô P.T.T - Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Hà Đông, Hà Nội cho biết: “Qua những tuần đầu tiên dạy SGK chương trình giáo dục phổ thông mới, nhà trường cũng ghi nhận nhiều ý kiến của giáo viên. Đa số các cô đều cho rằng chương trình khá nặng so với học sinh lớp 1. Bên cạnh đó, năm nay do dịch bệnh Covid-19 khiến việc tập huấn triển khai chương trình còn gặp nhiều khó khăn. Giáo viên phải vừa dạy, vừa mò mẫm tự trau dồi thêm kiến thức nên khá vất vả”.

Cùng với khó khăn từ công tác tập huấn, sĩ số lớp quá đông cũng là một trở ngại khiến việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới gặp khó khăn.

Cô N.T.H - giáo viên dạy lớp 1 ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: “Việc tổ chức dạy học theo nhóm cũng như hoạt động trải nghiệm khi triển khai chương trình mới không hiệu quả và bị hạn chế nhiều với sĩ số lớp học từ 40 - 50 học sinh. Bởi thực hiện hoạt động trải nghiệm phải chia nhiều nhóm, cần nhiều thời gian để học sinh có thể tương tác được với giáo viên. Với đặc thù của học sinh lớp 1, ngoài dạy học, giáo viên còn phải thường xuyên nhắc nhở các con giữ trật tự. Việc triển khai chương trình mới sẽ có hiệu quả khi lớp học có khoảng 30 - 35 học sinh”.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động