Con vào lớp 1, mẹ than “phải luyện cái thứ làm sứt mẻ tình mẹ con”
Lớp 1 thì mua thêm cả chục cuốn sách tham khảo để làm gì? Mẹ bật khóc khi con vừa vào lớp 1 bị cô giáo chê bai đủ kiểu Thấy gì sau 1 tuần học sách giáo khoa lớp 1 chương trình giáo dục phổ thông mới? |
Thiền 15 phút trước khi kèm con, lao ra ban công hú hét giảm stress
Con vào lớp 1 trường quốc tế nhưng lại thuận tay trái và hơi yếu tiếng Việt, chị Thanh Giang (Hà Nội) xác định sẽ kèm cặp con 1 tháng để tạo nề nếp, cho con quen và viết chữ kịp các bạn. Thế nhưng việc kèm con tập viết không khác gì một cuộc chiến mà chị gọi là “phải luyện cái thứ làm sứt mẻ tình mẹ con”.
Vốn là một cậu bé ham học và tiếp thu nhanh nhưng khi tập viết, bé Bob, con chị lại tìm đủ cách câu giờ từ uống nước tới đi vệ sinh. Rồi dù mẹ luôn miệng cười, khen “ồ, chữ này đẹp” và góp ý chữ này béo, chữ kia xíu xiu rồi đề nghị “con nghĩ xem có nên sửa hay không” cu cậu vẫn phụng phịu và không mấy hài lòng.
Thay vì nếp sinh hoạt thông thường, từ ngày con vào lớp 1, chị Giang phải ăn như một cơn gió rồi lên phòng thiền 15 phút để đảm bảo tâm tính thoải mái nhất có thể. “Mục đính duy nhất là giữ hòa khí mẹ con và tránh nước mắt hết sức có thể”, chị nói.
Một bà mẹ họ Ngô bên Trung Quốc phải chui đầu vào tủ lạnh để hạ hỏa khi kèm con học. Ảnh chia sẻ trên MXH |
Nhà anh chị Lan Hương ở Time City cũng có con vào lớp 1 và chồng chị là người kèm con tập viết. Chị Hương kể: Thỉnh thoảng, chồng chị lại ra ban công và hét thật to, sau đó hít thật sâu cho bình tĩnh rồi mới quay về kèm con tiếp. Có vậy anh nhà mới giữ được bình tĩnh để không quát thét hay đánh con.
Giống như nhà chị Giang, chị Hương, nhiều ông bố bà mẹ cũng cảm cảnh kèm con tập viết với những ví von như “vốn không phải mẹ hiền, mấy hôm nay thành dạ xoa luôn”, “phát rồ á”… rồi hỏi nhau cách nào để không tạo áp lực cho con mà vẫn giữ được sự bình tĩnh.
Cha mẹ nổi nóng, con sợ học
Các chuyên gia giáo dục cho rằng: Vừa vào lớp 1, con chưa thể ngay một lúc viết theo hàng lối, chỉnh tề như người lớn. Thế nên chữ béo chữ gầy, xiêu vẹo hàng lối là chuyện bình thường. Cha mẹ cần làm quen và chấp nhận điều đó ở con mình. Nếu cha mẹ nổi nóng, cáu gắt vô tình sẽ khiến con sợ và ghét việc tập viết chữ. Bỏ qua áp lực “vở sạch chữ đẹp”, cha mẹ cần thả lỏng và giúp con hiểu được cần hoàn thành bài tập cô giao.
Một số phụ huynh cũng mách nhau rằng, thay vì kè kè ngồi bên xem con tô từng chữ và bắt con sửa ngay khiến bản thân khó chịu, nổi nóng, cha mẹ hãy để con viết hết một hàng, một trang rồi mới kiểm tra góp ý.
Chị Liên (Đống Đa, Hà Nội) thì áp dụng cách không nhắc đẹp xấu mà quy định thời gian cho con tập viết. Nếu con viết nhanh hơn thời gian quy định sẽ được thưởng đồ chơi con thích. Còn chị chỉ thỉnh thoảng nhắc cầm bút, để vở ngay ngắn và tư thế ngồi tập viết cho con.
Từ kinh nghiệm của con gái mình, chị Bích Ngọc khuyên cha mẹ nên cho con cầm bút tô màu, tập vẽ từ lúc 4-5 tuổi và luyện sự khéo léo đôi bàn tay cho con từ sớm thông qua các trò chơi. Như vậy khi vào lớp 1, con chưa viết chữ đẹp ngay nhưng hàng lối sẽ đảm bảo và con không bị lơ đãng khi tập viết.
Cha mẹ có thể cho con tập vẽ tập tô sớm từ 4 tuổi để con quen với việc cầm bút |
Con vào lớp 1 mới bắt đầu làm quen với việc tập viết, làm bài tập, đừng kì vọng trẻ như siêu nhân. Cha mẹ chỉ cần làm đúng vai trò giám sát, nhắc nhở con về tư thế ngồi, cách cầm bút, thời gian viết,… để trẻ khỏi lơ đãng. Việc giám sát và tạo động lực cho con hứng thú với việc học, ý thức hoàn thành bài tập cô giao ngay từ lớp 1 sẽ đặt nền tảng cho con về tình yêu với việc học tập và tính tự giác sau này.Các bậc phụ huynh cũng có thể mua bảng to, bút viết biến việc tập viết thành trò chơi dạy học giữa anh chị và em, con dạy mẹ. Làm sao để con hiểu chữ xấu sẽ khiến không ai hiểu gì, làm thầy cô, giáo sư chữ nên rõ ràng. Khi biến thành trò chơi, trẻ có thêm động lực ngồi tập viết.