Con vào lớp 1 trong mùa dịch: Phụ huynh như "ngồi trên đống lửa"
Nhiều trường ở Hà Nội đã hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh lớp 1 |
"Sách giáo khoa thay đổi, bé nhà mình đã đọc trơn tru rồi, nếu không học trước bé phải đuổi sau các bạn thôi mẹ ạ"; "Tận dụng nghỉ dịch dạy dần cho con đi mẹ"; "Phải biết tính toán, đọc lưu loát trước khi vào lớp 1, không con bị kém hơn các bạn..."... đó là những chia sẻ của phụ huynh nối đuôi nhau liên tục trên diễn đàn đồng hành cùng con vào lớp 1.
Phụ huynh có đang ép "trái chín non"
Con trai năm nay sẽ bước vào lớp 1, anh Nguyễn Văn Hùng (Cầu Giấy, Hà Nội) đã đăng ký, nộp hồ sơ cho con theo học tại một trường tiểu học công lập. Tuy nhiên, tình cờ thấy các phụ huynh bàn tán xôn xao chuyện dạy con trước kiến thức vì thay đổi sách giáo khoa, hai vợ chồng đắn đo suy nghĩ rồi cũng nhốn nháo suốt mấy ngày nay.
Anh Hùng cho biết: "Giờ cái gì cũng đổi mới, con mình học trường mầm non tư thục chứ không phải trường công, không biết khi gặp chương trình mới con có kịp thích ứng hay không. Chỉ lo con sẽ rất vất vả để đuổi theo sau các bạn.
Thấy các phụ huynh nói nếu không dạy trước cho con thì sẽ không theo kịp chương trình mới, có những phụ huynh dạy con đến cả phép nhân, phép chia rồi. Không biết thực hư thế nào nhưng ngày hôm qua hai vợ chồng đã bàn đăng ký một trường tiểu học tư cho con".
Cũng nôn nóng vì sợ con sẽ không theo kịp chương trình mới, chị Nguyễn Thị Thu (Hiệp Hòa, Bắc Giang) đã cho con tham gia học lớp tiền tiểu học ngay sau khi huyện này chuyển đổi trạng thái giãn cách xã hội.
Theo chia sẻ của chị Thu: "Cho con tiếp cận sớm chương trình, học cách cầm bút cũng là điều đương nhiên. Nhưng cũng lo lắng về chương trình học của con, mỗi ngày mẹ cứ "khoán" cho một bài luyện viết, một bài toán đơn giản. Lên lớp cô rèn chữ cho, như vậy tôi mới bớt lo lắng được phần nào".
Chia sẻ hình ảnh về bài vở của con trên diễn đàn, chị Thảo (Thủ Dầu Một, Bình Dương cho biết: "Con không thích học Tiếng Việt, chỉ chú tâm học Toán, con đã bỏ qua được bước đếm que tính luôn rồi. Năm nay lên lớp 1 mà dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, đành phải học tạm ở nhà".
Điều khiến rất nhiều phụ huynh phải trầm trồ khi con đã làm được phép tính nhân từ bảng cửu chương 1 cho đến bảng cửu chương 9. Không những vậy, ngay cả đề thi kiểm tra giữa học kì 1, Toán lớp 2 cũng được con giải rất chính xác.
"Bản thân tôi không hề dạy cho con một chút kiến thức nào, cũng không ép con phải học, tất cả là do sự ham học hỏi, tự học tìm tòi trên Youtube. Quan điểm của tôi là vừa học, vừa chơi chứ không bắt buộc con phải nâng cao hay học trước kiến thức quá nhiều", chị Thảo bộc bạch.
"Mới dạy cho con được phép cộng trừ phạm vi 20, chữ viết thì quá ẩu, tay cầm bút vẫn chưa chắc mà nhìn con làm toán nhân bảng cửu chương 9 tôi thấy lo cho con nhà mình quá", chị Đặng Mai Loan (Thái Bình) tỏ ra sốt ruột.
Chị Ngọc khoe thành quả buổi luyện viết thứ hai của "Dê vàng". Ảnh: Nguyễn Ngọc |
Nhiều bậc phụ huynh còn dạy con cách cầm bút, dạy con viết chữ ghép dù chưa vào lớp 1 nhưng ai thấy cũng phải trầm trồ về những trang vở của những chú "Dê vàng" này.
Chị Nguyễn Ngọc (Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ: "Sang buổi thứ hai tập viết, con kêu đau ngón tay đỡ bút nên mẹ dán băng urgo cho đỡ đau, buổi đầu dạy con cũng cầm bút sai, viết nhiều khi gãy cả ngòi chì, nét to mà đậm".
Đồng hành cùng con, không nên "ép" quá sớm
Cô Đỗ Thị Phương Hà (Giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành - phân hiệu Hà Nam) cho biết: "Học hết chương trình lớp 1, trẻ có thể viết đọc thông thạo là điều rất tốt. Nhưng nếu cứ bắt ép trẻ học quá nhiều, học không đúng phương pháp và cách dạy thì khi lên lớp, giáo viên sẽ vô cùng khó khăn trong việc truyền tải kiến thức. Ở giai đoạn này, trẻ tiếp thu rất nhanh và ghi nhớ rất tốt, nếu vô tình dạy sai một vài kiến thức là điều không nên.
Bên cạnh đó, tận dụng thời gian nghỉ dịch hãy tạo cho trẻ một niềm yêu thích và mong muốn đến trường. Bố mẹ hãy kể thật nhiều câu chuyện về trường học, cho trẻ xem những video, hoạt động ngoại khóa khi con được đến trường… để tránh sau này khi vào năm học con sẽ bỡ ngỡ và lo sợ. Phải có tâm lý ổn định, thích nghi dần với môi trường mới khác hoàn toàn với môi trường mần non trước kia.
Trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, việc cho các con làm quen dần với cách cầm bút, cách tính toán đơn giản là điều nên làm. Tuy nhiên phụ huynh nên chú ý lựa chọn những kiến thức, những bài học phù hợp với năng lực của con, đừng dạy cho trẻ kiến thức vượt quá chương trình lớp 1.
Ngoài việc cho trẻ học những kiến thức cơ bản về chữ, về số thì bồi dưỡng cho con về kỹ năng là điều vô cùng cần thiết. Những kỹ năng cơ bản như: dọn dẹp nhà cửa giúp bố mẹ, học phòng chống dịch bệnh, giúp bố mẹ nấu cơm, chăm em hay đơn giản là tự ngồi vào bàn học, nên rèn cho trẻ ngồi vào bàn học 30 phút mỗi ngày... Chúng ta chuẩn bị những kỹ năng này thông qua hoạt động sinh hoạt hàng ngày của con, không những vậy khiến con trẻ và phụ huynh gần gũi, hiểu nhau nhiều hơn".
Cô Nguyễn Thị Huyền (giáo viên tiểu học, Hà Nội) cho rằng: "Nếu phụ huynh muốn con có thể làm quen với chương trình lớp 1 nên cho con học thuộc 29 chữ cái, biết ghép âm, vần. Tài liệu sử dụng có thể dùng cuốn sách lớp 1 hiện hành để hướng dẫn trước cho các con về âm vần và cách đọc tiếng, từ, câu đơn giản.
Tuy nhiên, phụ huynh cũng phải lưu ý trong phần tập viết, nếu không phải là giáo viên tiểu học hoặc giáo viên lớp 1 thì tuyệt đối không dạy cho các con viết vào vở ô ly. Bởi, độ cao các con chữ, khoảng cách các con chữ, cách đặt dấu thanh, điểm dừng bút, đặt bút…nếu phụ huynh không nắm chắc mà dạy cho con, các con sẽ viết quen tay và nếu sai sau này giáo viên rất khó sửa".