Mẹ bật khóc khi con vừa vào lớp 1 bị cô giáo chê bai đủ kiểu
Trẻ vừa đi học, cô đã chê ra rả
Chị Nguyễn Lệ Quyên, có con vừa vào lớp 1 tại một trường tiểu học tư thục (chị đề nghị không nêu tên trường) cho biết, những ngày đầu tiên con đến trường mà cả nhà đã nặng trĩu lòng.
Sau khai giảng mới học vài ngày, các con được cô giao bài về nhà viết chữ a thường trong hai ô ly. Con chị viết nét chữ tròn, đẹp, chỉ là chưa thẳng hàng vì con chưa nhận biết về ô ly, viết trật ô ly. Vậy mà cô giáo chê lên chê xuống là con không biết viết, viết không đúng.
Cô chê trước mặt bé, rồi nói với chị làm chị vừa buồn vừa mệt mỏi. Ngày khai giảng phấn khởi, chỉ mới đi học vài hôm, cháu đã mếu máo sợ mỗi lần vào lớp.
Chị Quyên nói: "Đấy là trước khi vào lớp 1 tôi còn kèm bé học, viết bảng chữ cái trước. Không hiểu những bé chưa học chữ sẽ phải đón nhận thái độ thế nào?".
Mới vào năm học, với nhiều đứa trẻ, gia đình lại căng thẳng khi giáo viên sốt sắng với những lời khẳng định như con không theo kịp bạn, con viết xấu hay xa hơn là tình hình này con khó theo kịp chương trình, khó lên lớp...
Những nhận xét tiêu cực từ giáo viên, tác động rất lớn đến phụ huynh và học trò (Ảnh minh họa) |
Ngoài việc chê trực tiếp với bé, với bố mẹ, không ít giáo viên nhận xét qua tin nhắn, qua các nhóm chat chung với nhiều phụ huynh. Điều này đã trở thành nỗi ám ảnh với rất nhiều người.
Chị T.T.P., có con học tại một trường tiểu học ở Hà Nội cho biết, chị luôn tự nhắc mình phải hít thở sâu, bình tĩnh trước mọi đánh giá về con.
Sáng đi làm chị còn tươi vui nghĩ như vậy, thế nhưng đến chiều, đọc những tin nhắn từ cô giáo nào là con chậm, mất tập trung, kém các bạn... là chị mất hết năng lượng, lại nổi điên với con.
Chuẩn bị vào lớp 1 cho... giáo viên và phụ huynh
Không biết khóc bao nhiêu lần, đánh con bao nhiêu trận khi con trải qua lớp 1 với đủ lời cô giáo chê, nhất là câu "Thế này ôm đồ xuống mầm non mà học", nay chị Phan Thanh Nhàn, hiện con lên lớp 2, đã bình tĩnh hơn khi tiếp nhận các lời nhận xét từ cô.
Lên lớp mới, cô vẫn chê nhưng chị tự nhắc, mình không ngăn được cô chê, trút những lời tiêu cực về con nhưng mình có thể điều chỉnh cách tiếp nhận của mình.
Giáo viên cần tâm lý khi nhận xét trẻ, nhất là đối với trẻ lớp 1 (Ảnh minh họa) |
"Nhưng tôi thật sự thắc mắc không hiểu sao, các cô học sư phạm, học về tâm lý nhưng một số người cư xử, giao tiếp với học sinh, phụ huynh rất phản sư phạm.
Nhiều cô ở bậc mầm non cũng vậy, cứ gặp bố mẹ là chê con rả rả, ngay trước mắt trẻ. Sao các cô không chọn cách góp ý, nhận xét một cách tích cực hơn", người mẹ nói.
Cô Trần Thị Kim Hạnh, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Trường tiểu học Hùng Vương, Q. Hải Châu, Đà Nẵng bày tỏ, lớp 1 cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng hành trình học tập lâu dài, thậm chí là suốt đời của một đứa trẻ.
Theo cô, thầy trò lớp 1 cần được có sự "ưu tiên" đặc biệt, cụ thể là giảm áp lực sĩ số, cần một chương trình học phù hợp, cần chọn những giáo tâm lý nhất phụ trách lớp 1.
Các cô phải hết sức cẩn trọng trong mọi đánh giá, nhận xét về học trò. Một lời nhận xét từ giáo viên, có thể "kích động" hành vi tiêu cực từ phụ huynh.
Hàng năm, trước khi bước vào năm học mới, tại TPHCM, Sở GD&ĐT đều có chỉ đạo, trẻ lớp 1 những ngày đầu đi học để làm quen với trường, chưa vào chương trình ngay.
Ngoài ra, nhà trường, giáo viên lớp 1 cần tâm lý trong nhận xét học sinh và trong giao tiếp, trao đổi với phụ huynh.
Một chuyên gia tâm lý ở TPHCM cho biết, ông tham gia nhiều chương trình về chuẩn bị tâm lý cho con vào lớp 1, nhưng thật ra người cần chuẩn bị tâm lý nhiều nhất chính là giáo viên và phụ huynh.
Đặc biệt là giáo viên những người được đào tạo sư phạm, cần tránh những nhận xét tiêu cực về trẻ, làm sao khơi gợi được niềm vui đi học, niềm tin vào bản thân cho trẻ thay cho những nỗi sợ hãi, mất tự tin.
Còn phụ huynh cũng cần có "tinh thần thép" giữ bình tĩnh khi tiếp nhận cả những lời chê của cô giáo về con.
Nếu hai chủ thể này thiếu sự chuẩn bị, thì mọi hậu quả đứa trẻ phải gánh, có thể để lại hậu quả lâu dài trên con đường học tập của trẻ.