Nhà ở xã hội chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của người dân về "giá và lượng"

Các dự án nhà ở xã hội hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường về số lượng và giá cả, mặc dù đã và đang có nhiều dự án nhà ở xã hội được triển khai xây dựng.
Mua nhà ở xã hội: Khó hay dễ? 4.758 căn nhà ở xã hội sẽ hoàn thành trong năm 2020

Nguồn cung chưa đáp ứng cầu là vì đâu?

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, Nguồn cung nhà ở xã hội mới hoàn thành 248 dự án với diện tích hơn 5,1 triệu mét vuông sàn nhà mới đạt 41,4% so với mục tiêu Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong khi đó, nhu cầu thị trường lại chiếm đến 70-80%. Những khó khăn trong nguồn cung được các chuyên gia chỉ ra rằng, do cơ chế chính sách chưa phù hợp cùng với nguồn vốn vay ưu đãi còn hạn chế và khó khăn đã khiến cho việc phát triển nhà ở xã hội chưa đáp ứng nhu cầu cũng như chưa đạt kế hoạch.

Nhà ở xã hội chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của người dân về
Nhà ở xã hội NO7 khu đô thị Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội vẫn còn bỏ hoang.

Bắt đầu triển khai gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng cho đến khi kết thúc vào cuối năm 2015, các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội không tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi nào thay thế trong khi đó, các dự án phát triển nhà ở xã hội chủ yếu sử dụng nguồn vốn tự có, vốn vay tín dụng thương mại nên có sự hạn chế hơn. Ngoài ra, giá nhà ở xã hội cũng chỉ thấp hơn nhà ở thương mại chỉ khoảng từ 3-5 triệu đồng/m2 khiến cho nhiều nhà đầu tư không mặn mà trong việc đầu tư ồ ạt. Bởi dự án nhà ở thương mại vẫn là miếng "bánh ngon" mang về lợi nhuận cao cho các nhà đầu tư hơn là nhà ở xã hội.

Tại TP Hồ Chí Minh, từ nay đến cuối năm 2020, thành phố sẽ hoàn thành việc xây dựng 4.758 căn hộ nhà ở xã hội. Lũy kế giai đoạn 2016-2020, TP Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành 17.944 căn hộ nhà ở xã hội.

Còn tại TP Hà Nội, hiện chưa có số liệu cụ thể, trong khi đó, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) và Tổng công ty Viglacera là một trong những đơn vị chủ lực trong việc phát triển quỹ nhà ở xã hội tại quận Bắc Từ Liêm và quỹ đất 20% khu đô thị Sài Đồng, quận Long Biên, tại Gia Lâm, Hà Nội...

Ngoài ra, dự án Tổ hợp nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long thuộc khu đô thị mới Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội, với diện tích gần 3,7 ha, bao gồm 4 đơn nguyên trên ô đất CT3, CT4 dự kiến hoàn thành năm 2020 với 1.588 căn hộ, sẽ đáp ứng chỗ ở cho trên 5.330 người. Ngoài ra còn có các dự án nhà ở xã hội khác tại Hà Nội vẫn đang rao bán, tuy nhiên, nhiều dự án vẫn đang triển khai nhỏ giọt, chưa nhiều người mua do giá vẫn còn cao trên 20 triệu đồng/m2.

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội, từ tháng 4/2018 đến tháng 7/2020, các chi nhánh tỉnh, thành phố đã giải ngân 3.558 tỷ đồng, với 10.723 lượt khách hàng vay vốn xây mới, sửa chữa, mua nhà ở xã hội với lãi suất thấp khoảng 4,8%/năm, tại Ngân hàng Chính sách xã hội gồm người có công với cách mạng, cán bộ, công chức, viên chức, người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp...

Tiêu chí để mua nhà ở xã hội có khắt khe

Theo quy định, các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội gồm người có công với cách mạng; hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn; hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân.

Ngoài ra, đối tượng được mua nhà ở xã hội còn có cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức; các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định tại Khoản 5 Điều 81 Luật Nhà ở 2014; học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; học sinh trường dân tộc nội trú công lập được sử dụng nhà ở trong thời gian học tập; hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.

Nhà ở xã hội chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của người dân về
Trong khi, nhu cầu người mua nhà ở xã hội là rất lớn, tuy nhiên, nhiều dự án nhà ở xã hội vẫn ế ẩm.

Về điều kiện để được mua nhà ở xã hội theo quy định của Luật nhà ở năm 2014, cụ thể, chưa có nhà thuộc sở hữu của mình hoặc đang có nhà thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích trong hộ gia đình dưới 10 m2 sàn/người hoặc là nhà tạm bợ, hư hỏng, dột nát chưa được Nhà nước hỗ trợ nhà, đất dưới mọi hình thức.

Trường hợp mua nhà phải có hộ khẩu thường trú hay đăng ký tạm trú nhưng đóng bảo hiểm xã hội từ 1 năm trở lên tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án phát triển căn hộ – nhà ở xã hội. Trường hợp thuê mua nhà phải thanh toán lần đầu 20% giá trị của nhà và giá trị còn lại theo như Hợp đồng đã ký kết.

Đối với người thu nhập thấp chính là người không thuộc diện nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định thuế thu nhập cá nhân; người thuộc hộ gia đình nghèo là đối tượng nằm trong chuẩn nghèo theo quy định của Chính phủ. Đối tượng bảo trợ xã hội cũng phải có xác nhận của UBND phường hay thị trấn nơi mình cư trú. Học sinh, sinh viên chỉ được cho thuê.

Trước những chính sách về nhà ở xã hội bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, Bộ Xây dựng đã có đề xuất gỡ vướng trong việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ, kết quả thực tế triển khai thực hiện chính sách về nhà ở xã hội trong giai đoạn vừa qua cho thấy, về lâu dài, muốn giải quyết một cách căn cơ, triệt để thúc đẩy phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị và công nhân tại khu công nghiệp, cần thiết phải triển khai thực hiện đồng bộ một loạt giải pháp mang tính tổng thể, toàn diện.

Nhóm PV
Phiên bản di động