Mua nhà ở xã hội: Khó hay dễ?

Nhu cầu mua nhà ở xã hội rất lớn, tuy nhiên, để người dân tiếp cận và mua thì không hề dễ dàng và muốn mua được nhà cũng phải mất số tiền chênh lệch không hề nhỏ cho chủ đầu tư.
Khách hàng hưởng lợi khi nhà băng đua hạ lãi suất cho vay mua nhà Công bố lãi suất cho vay ưu đãi để mua nhà ở xã hội năm 2020 Dự án chung cư thương mại được cấp đất 50 năm, người mua nhà ở sẽ như thế nào?

Nhằm giải quyết vấn đề nhà ở cho những đối tượng thu nhập thấp, Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ 3 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội. Tuy nhiên, để mua được nhà ở xã hội tại Hà Nội là vấn đề không phải ai cũng có thể tiếp cận thông tin và mua được nhà.

Mua nhà ở xã hội: Khó hay dễ?
Dự án nhà ở xã hội thi công vẫn còn "nhỏ giọt".

Theo tìm hiểu của PV, hiện trên địa bàn Hà Nội có nhiều nhà ở xã hội như Ecohome 2 (Bắc Từ Liêm), dự án 5.B2, 5.B3, 5.B4, 5.B5 Đông Hội (Đông Anh), dự án IEC Residences (Thanh Trì), dự án FLC Garden City Đại Mỗ (Nam Từ Liêm...

Mua nhà ở xã hội "phải mất phí chênh lệch"

Tại dự án nhà ở xã hội FLC Garden City Đại Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội), khi tìm hiểu trên trang web và một số trang báo để tìm mua nhà cho người thu nhập thấp, phóng viên được người môi giới bán chia sẻ và mời chào rất hấp dẫn.

Qua lời giới thiệu, dự án này có 2 tòa HH-01 và HH-04 sẽ là nhà ở xã hội. Khi khách hàng mua, với việc lựa chọn 2 hình thức mua trực tiếp căn hộ đã chọn và thuê mua trong 5 năm thì sẽ có giá khoảng 20,75 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá gốc đã bao gồm thuế VAT và phí bảo trì được Sở Xây dựng Hà Nội cho phép là 17,3 triệu đồng/m2. Theo đó, tiền chênh lệch sẽ là 3,55 triệu đồng/m2.

Mua nhà ở xã hội: Khó hay dễ?Lý giải việc vì sao có sự chênh lệch như vậy, phía đơn vị môi giới cho rằng, "việc có chênh lệch là vì đơn vị hỗ trợ cho khách mua được căn nhà ở xã hội đúng như mong muốn mà không phải thực hiện các thủ tục với Sở Xây dựng Hà Nội như bốc thăm căn hộ và nhiều thủ tục rườm rà khác".

Cũng theo phía đơn vị môi giới dự án FLC Garden City, khi khách hàng muốn mua nhà ở xã hội thì phải đặt cọc số tiền 50 triệu đồng và hoàn thiện các hồ sơ thủ tục theo quy định, phía đơn vị cũng sẽ hỗ trợ các thủ tục khác như sổ tạm trú KT3, phiếu chấm điểm từ chủ đầu tư... rồi sau đó người mua nhà sẽ được ký hợp đồng và phải đóng 30% giá trị căn hộ cùng với số tiền chênh lệch (3,55 triệu đồng/m2 x Diện tích căn hộ) cho chủ đầu tư. Dự án trên dự kiến hoàn thiện và bàn giao vào năm 2021 cho khách hàng.

Còn tại dự án IEC Residences Thanh Trì, khi phóng viên tìm hiểu mua nhà ở xã hội, môi giới dự án đã có sự trao đổi thẳng thắn. Việc thuê mua dự án nhà ở xã hội tại đây sẽ áp dụng trả trước 50% căn hộ và phải thuê 5 năm sau mới được ký hợp đồng, khi ký hợp đồng phải hoàn tất 50% còn lại. Với giá bán tại dự án này có giá khoảng 16,2 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, khách hàng phải có thêm phần chênh lệch 70 triệu đồng (nếu thuê mua) và 100 triệu đồng (nếu mua thẳng căn hộ) cho chủ đầu tư để chủ đầu tư hoàn tất hồ sơ, thủ tục cho khách hàng trên Sở Xây dựng Hà Nội.

Đối với việc mua căn hộ trực tiếp, khách hàng sẽ phải mất thời gian khi bốc thăm căn hộ tại Sở Xây dựng Hà Nội, mà chủ đầu tư đã làm thay những việc trên.

Cung và cầu chênh lệch lớn

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại đô thị và công nhân khu công nghiệp tính đến nay đã hoàn thành 207 dự án, quy mô xây dựng khoảng hơn 85.810 căn. Hiện đang tiếp tục triển khai 220 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 179.640 căn.

Tính riêng trong năm 2019, đã hoàn thành 9 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, quy mô khoảng 4.110 căn hộ. Tuy nhiên, kết quả phát triển nhà ở xã hội chưa đạt yêu cầu đề ra trong phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở đối với người có thu nhập thấp cực kỳ nhiều và đa dạng.

Về tiến độ một số dự án nhà ở xã hội, hiện dự án FLC Garden City vẫn đang trong thời gian thi công "nhỏ giọt", các hạng mục dự án và hạ tầng vẫn chưa được hoàn thiện.

Còn tại dự án nhà ở xã hội NO7 Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội) của chủ đầu tư Công ty Cổ phần Xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco 3) thì rao bán trên trang web của công ty, tuy nhiên, khi phóng viên liên hệ mua thì phía hotline cho rằng đã bán hết. Tại dự án, chủ đầu tư có treo biển cảnh báo rằng “Hiện nay có một số đối tượng rao bán và nhận tiền đặt cọc của nhà ở xã hội NO7 là hành vi bất hợp pháp. Vậy Hanco 3 thông báo để người dân được biết, tránh bị lừa đảo”.

Mua nhà ở xã hội: Khó hay dễ?
Đối với nhà ở xã hội, khách hàng mua phải có phí chênh lệch từ 70 đến 100 triệu đồng cho chủ đầu tư.

Tìm hiểu về dự án NO7 vẫn án binh bất động, mặc dù đã xong phần thôi nhưng chưa có người vào ở và cũng chưa bàn giao nhà cho người mua nhà, khiến cho căn hộ nhà ở xã hội này mọc rêu, nhếch nhác.

Tại dự án IEC Residences Thanh Trì cũng đang trong quá trình hoàn thiện và dự kiến sẽ bàn giao nhà vào tháng 10/2021.

Theo chia sẻ của chị N.T.H làm việc tại Hà Nội đang tìm mua nhà ở xã hội, “Thực sự việc mua nhà cho người thu nhập thấp cũng vất vả và khó khăn. Rất khó để tiếp cận thông tin vì số lượng căn bán ra rất ít. Có một số dự án nhà ở xã hội giá cao gần bằng dự án nhà ở thương mại. Với mỗi căn, người mua nhà ở xã hội tiết kiệm được từ 150 triệu đồng đến 300 triệu đồng so với nhà ở thương mại".

Nhóm PV
Phiên bản di động