Người trẻ Hà Nội hào hứng đổi phế liệu lấy “mầm xanh”
Tận dụng ưu thế không gian mạng xây dựng và gìn giữ văn hóa tư tưởng cho người trẻ Nhiều người trẻ đang nói không với mạng xã hội Người trẻ Tây Hồ dựng video clip quảng bá du lịch |
Cô gái trẻ cho biết: “Mình chuẩn bị gom giấy mấy ngày hôm nay. Mình còn đi học, nhà lại buôn bán nên cũng nhiều giấy, đồ nhựa thải loại. Giấy rác ngồn ngộn vừa chật nhà, vừa làm bẩn môi trường sống. Vì vậy, khi biết có chương trình đổi phế liệu lấy cây, lấy đồ dùng thân thiện, mình muốn tham gia ngay. Sau hai ngày thu gom giấy, chai nhựa, mình đã có thể đổi được nhiều cây xanh. Mình rất háo hức, vui khi mang đồ đi đổi, được cây, đồ dùng, lại được chung tay bảo vệ môi trường”.
Các bạn đoàn viên, thanh niên đổi phế liệu lấy cây xanh |
Bạn Dương Minh Tuấn, Bí thư Đoàn phường Xuân Đỉnh đã kêu gọi các bạn đoàn viên, thanh niên thu gom phế liệu, đổi lấy cây, tái chế sản phẩm từ phế liệu thành các vật dụng trang trí, trồng cây, cắm hoa… Tuấn cùng các bạn trẻ tự tay tái tạo ra những đồ dùng nhỏ nhắn, xinh xắn từ vỏ chai nhựa, phế liệu bỏ đi.
“Chúng mình cùng nhau làm, cũng kì công, tỉ mỉ và cần sự khéo léo nhưng bạn nào cũng vui. Thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ chung tay chống rác thải nhựa, đoàn viên, thanh niên chúng mình cùng với các chị em, các cô trong Hội Phụ nữ của phường tổ chức phát động phong trào chống rác thải nhựa, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6), Ngày Chủ nhật xanh - Giảm rác thải nhựa - Vì sức khoẻ cộng đồng”, Dương Minh Tuấn chia sẻ.
Thanh thiếu niên mang giấy, chai nhựa đi đổi lấy cây, sản phẩm thân thiện với môi trường |
Chị Lê Thị Lý, Chủ tịch Hội LHPN phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cũng tham gia cùng các bạn trẻ. Chị Lý cho biết, giảm thiểu chất thải nhựa, nilon đã trở thành yêu cầu cấp bách, trước hết bắt đầu từ việc giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa và nilon khó phân hủy, đặc biệt là các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Chính vì vậy, Ngày Môi trường thế giới năm 2018, Liên Hợp Quốc đã phát động chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon” nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi mọi người cùng nhau thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần; Qua đó góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường tự nhiên, bảo vệ sức khỏe con người.
“Năm 2022, Ngày Môi trường thế giới 5/6, Liên Hợp Quốc đã phát động với chủ đề “Chỉ một trái đất” nhằm truyền tải ý nghĩa thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; Đồng thời sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các chính sách, hoạt động hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn. Đây là thời điểm để mỗi quốc gia cùng chung tay và có những hành động cụ thể, thiết thực vì thiên nhiên và trái đất. Đổi phế liệu, nhựa, giấy lấy cây, tái chế phế liệu thành dụng cụ sử dụng hữu ích là những hoạt động thiết thực, góp phần hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm của khí bụi, bảo vệ sức khỏe và môi trường”, chị Lê Thị Lý chia sẻ.
Gian hàng sản phẩm thân thiện với môi trường thu hút đông đảo người tham gia đổi |
Theo chương trình môi trường Liên Hợp Quốc, kể từ thập niên 50 của thế kỷ trước, hơn 8.3 tỷ tấn sản phẩm nhựa đã được sản xuất, sử dụng, trong đó khoảng 60% lượng sản phẩm đó được chôn lấp hoặc thải thẳng ra môi trường. Các sản phẩm từ nhựa, nilon ra đời mang lại không ít tiện ích và đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều gia đình. Những đặc tính bền, khó phân hủy của các sản phẩm nhựa, nilon đã và đang gây ô nhiễm môi trường, để lại những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người và các loài động thực vật trên trái đất.
Những việc làm nhỏ của các bạn đoàn viên, thanh niên, cùng các chị, các cô, hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa. Các sự kiện đổi giấy, phế liệu lấy cây, lấy các vật dụng thân thiện với môi trường, đã gom được một lượng rác thải lớn, trao tặng nhiều mầm sống xanh, quan trọng hơn là nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho những người trẻ và Nhân dân.