Nhiều người trẻ đang nói không với mạng xã hội
Người trẻ làm du lịch bắt nhịp trở lại với công việc Nhiều người trẻ rơi vào vòng luẩn quẩn khi “nhảy việc" liên tục |
Từ bỏ mạng xã hội
Những người trẻ hiện đại đang được cho là thế hệ “tận tâm” và không thể sống thiếu mạng xã hội. Facebook, TikTok hay Instagram… đang trở thành công cụ kết nối con người được sử dụng thường xuyên thay vì những cuộc hẹn, gặp gỡ trực tiếp. Tuy nhiên, phong trào quay lưng với mạng xã hội đang bắt đầu sôi sục.
Xóa 2 ứng dụng Facebook và TikTok ra khỏi điện thoại hơn một tháng nay, Trần Công Nam (21 tuổi, sinh viên năm cuối) cho biết nguyên nhân của việc chàng trai trẻ từ bỏ việc sử dụng những ứng dụng này là trong một thời gian dài, bạn bè của Nam thường xuyên ngồi “đếm like” và sống ảo.
Nhiều người trẻ hiện đại dường như đang muốn từ bỏ cuộc sống trên thế giới ảo |
“Cứ mỗi khi mình đi đâu đó hoặc tụ tập cùng bạn bè, khi mọi người đăng ảnh hoặc video trên mạng xã hội là họ lại đếm lượt thích trên bài đăng của mình. "Ồ, mới 3 phút mà 50, 60 like rồi nè” là những câu nói khiến mình cảm thấy ám ảnh. Vậy nên mình không muốn mở điện thoại ra là lại thấy những điều đó nữa”, Công Nam nói.
Một lý do nữa khiến chàng trai 21 tuổi quay lưng lại với mạng xã hộ là khi Nam chứng kiến các bạn cùng lớp ít khi ngồi nói chuyện cùng nhau mà thay vào đó là mỗi người một góc cùng một chiếc điện thoại. Vì vậy, việc từ bỏ mạng xã hội đối với Công Nam là một biện pháp hữu hiệu giúp cuộc sống trở nên vui vẻ hơn.
Tương tự, Nguyễn Trần Thu Trang (23 tuổi, nhân viên kinh doanh), một người từng có nhiều người theo dõi trên trang Facebook cá nhân của mình chia sẻ:
"Mỗi lần đăng ảnh lên mạng xã hội, để có một bức ảnh đẹp và ưng ý nhất, mình phải ngồi chọn lọc từ hàng chục bức ảnh nhìn na ná nhau. Đó là lúc mình đang so sánh bản thân với chính mình nhưng nó khác hoàn toàn với việc mình so sánh rằng mình của ngày hôm nay đã tốt hơn mình của ngày hôm qua chưa. Mình nhận ra hành vi này sẽ ám ảnh và độc hại nếu cứ sử dụng thường xuyên.
Thu Trang từ bỏ việc sử dụng mạng xã hội để không phải đón nhận thêm những áp lực |
Khi bạn xóa chúng đi rồi, bạn sẽ nhận ra cuộc sống không hề cần đến nó. Mình không cần quan tâm những gì người khác nghĩ về mình trên thế giới ảo nữa. Công việc bình thường đã đủ áp lực rồi nên mình từ chối nhận thêm áp lực từ mạng xã hội”, cô gái 23 tuổi chia sẻ.
Nhận thức rõ ràng hơn
Khi mạng xã hội trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống, nhiều người còn những có hình ảnh hay bài đăng xuất hiện trên mạng trước cả khi biết đi, biết nói. Vì vậy, với những người trẻ hiện đại, khi lớn lên và nhận thức rõ ràng, họ muốn có quyền riêng tư và bắt đầu thực hiện quyền của mình khi đủ lớn.
“Mình thấy các bậc cha mẹ đăng ảnh “lần đầu” của con cái hay những bức ảnh “hở hang” hơn của chúng hồi bé. Bên dưới là một tá những bình luận. Mình tự hỏi tại sao họ lại làm thế với con mình. Khi lớn lên, chẳng có nhiều người muốn bức ảnh bị công khai vậy đâu”, Lê Tuấn (19 tuổi, sinh viên năm nhất đại học) cho biết.
Cũng theo Tuấn, thế hệ trẻ hiện đại không muốn người khác biết hết về mình nên thực ra họ không chia sẻ nhiều thông tin cá nhân. Đối với nhiều người, đăng bài viết hay chia sẻ ảnh là việc mang tính “chiến thuật”, có định hướng rõ ràng giống như đang vẽ một bức tranh về chính mình. Đó có thể coi là một cách để tự xây dựng hình ảnh, tạo thương hiệu cho bản thân.
Người trẻ ngày một hiểu rõ hơn về quyền riêng tư, có thể phân loại các bài đăng mang tính xúc phạm và biết về tác hại đối với sức khỏe khi ngồi trước màn hình quá lâu. Đặc biệt, họ nhận thức được rằng sử dụng mạng xã hội tác động tiêu cực tới sức khỏe thần kinh, gây lo lắng, trầm cảm. Thanh thiếu niên là những người dễ bị ảnh hưởng tâm lý nhất trên mạng xã hội, thậm chí có thể dẫn tới tự tử như một số sự việc đáng tiếc xảy ra trong thời gian vừa qua.
Khi mạng xã hội đang là một phần thiết yếu của cuộc sống thì việc từ bỏ nó là một hành động cần rất nhiều sự quyết tâm... |
Dù vậy, một số bạn trẻ không phủ nhận rằng việc từ bỏ mạng xã hội cũng có thể tạo ra mối lo mới. Họ cũng cho rằng nỗi sợ lớn nhất khi bỏ hay tạm ngừng sử dụng mạng xã hội chính là nỗi sợ “bỏ lỡ”.
“Việc không sử dụng mạng xã hội hay tham gia vào các nhóm chat bạn bè giống như kiểu tất cả mọi người đều đi tiệc mà không nói với bạn vậy. Nhiều lúc mình cũng tự nghi ngờ bản thân. Có ngày mình còn nghĩ đến việc cài lại ứng dụng chỉ vì muốn tỏ vẻ bình thường như các bạn mặc dù không thấy việc đó là cần thiết.
Có một lần mình được đồng nghiệp hỏi có sử dụng Telegram không, mình trả lời là không và ngay lập tức thấy người đó ngạc nhiên như thể mình vừa tiết lộ một điều gì kinh khủng vậy”, Bảo Anh (24 tuổi, lập trình viên) chia sẻ.
Mạng xã hội đang đang là một phần trong định nghĩa về bản thân của nhiều người nhưng nó không thật sự là thứ quá thiết yếu đến mức không thể từ bỏ được. Khi mạng xã hội đang không chỉ tạo ra niềm vui mà còn cả những áp lực thì việc ngừng sử dụng mạng xã hội có thể sẽ khiến bạn trẻ cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Dù vậy, hành động này cần rất nhiều quyết tâm để có thể thực hiện…