Nghệ nhân tuổi 25, dành trọn tình yêu cho gốm sứ
Nghệ nhân khiếm thính gìn giữ cách làm gốm thủ công ở Bát Tràng Bát Tràng “vươn mình”, khẳng định thương hiệu gốm đệ nhất Hà thành Người 40 năm làm khuôn bánh Trung Thu |
Tạo sự khác biệt
Sinh ra ở làng nghề Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) trong gia đình nhiều đời gắn bó với nghề sản xuất đồ gốm, Minh đã sớm “bén duyên” với nghề. Tuổi thơ của Minh là những ngày làm bạn với… đất. Chàng trai trẻ thích thú nhìn những hòn đất được tạo hình qua bàn tay khéo léo của ông, bố và những người thợ trong làng.
Tuy nhiên, đến năm 16 tuổi Minh mới nghiêm túc học nghề làm gốm. Tốt nghiệp trung học phổ thông, chàng trai trẻ quyết định không thi đại học mà theo nghề truyền thống của gia đình.
“Sau hai năm làm việc, mình nhận ra bản thân không có gì sáng tạo. Các sản phẩm làm ra giống số chung nên không tạo được dấu ấn riêng và cũng khó thu hút khách hàng. Mình quyết định đi học để trang bị kiến thức, thay đổi bản thân”, Minh chia sẻ.
Nghệ nhân trẻ Nguyễn Tuấn Minh |
Vừa theo học tại trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, Minh vừa tìm tòi, học hỏi từ những bậc tiền bối giỏi nghề. Dần dần thế giới quan của chàng trai trẻ được thay đổi, những tác phẩm tạo ra mang tính nghệ thuật cao hơn.
Minh cũng chọn hướng đi riêng, toàn bộ sản phẩm được làm thủ công. Chàng trai trẻ cũng đi sâu vào các mặt hàng nghệ thuật như: Chóe, tượng, đồ thờ hoài cổ… nên tạo sự khác biệt với những hộ sản xuất theo hướng công nghiệp trong làng.
Theo năm tháng, người và gốm gắn kết, hòa quyện với nhau trong từng động tác, để rồi những sản phẩm gốm - đứa con tinh thần, lần lượt ra đời, nhận được sự đánh giá cao của khách hàng, giới làm nghề... Trong đó, Minhtrực tiếp chế tác các sản phẩm, tác phẩm tiêu biểu: "Đôi bình vuốt tay men rạn cổ", "Đôi chóe men rạn mặt hổ phù đắp rồng" hiện đang được lưu giữ và trưng bày tại Chùa Kim Trúc Tự (làng Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm).
Dành tình yêu cho gốm, Tuấn Minh chăm chút từng tác phẩm |
Minh cũng là tác giả của "Đôi chân đèn màu lam sẫm", "Đôi lộc bình đắp tứ linh", "Đôi chóe men rạn đắp rồng màu chàm cổ" hiện đang lưu giữ và trưng bày tại Chùa Tiêu Dao (làng Giang Cao, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội).
Để không ngừng đổi mới, chàng trai trẻ còn tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm để có cơ hội được học hỏi các tác phẩm nghệ thuật từ gốm sứ của nhiều vùng miền; Kết hợp truyền thống với hiện đại để tạo sự khác biệt, mang dấu ấn riêng.
Góp sức cho cộng đồng
Theo Minh để tạo ra những sản phẩm đẹp mắt đòi hỏi người thợ phải thực sự tỉ mỉ, cẩn thận trong từng chi tiết. “Năm 2020, mình làm một đôi chóe men rạn cao hơn 1m. Sau 23 ngày với bao tâm huyết, mình cũng hoàn thành tác phẩm. Tuy nhiên, mình lại mắc sai lầm khi đốt lò sai cách đã khiến sản phẩm bị hỏng và phải hủy bỏ. Đây là một bài học lớn với mình”, Minh kể.
Vừa học hỏi, gìn giữ và phát huy nét đẹp nghề truyền thống cha ông để lại Minh vừa tích cực quảng bá sản phẩm. Với lợi thế của người trẻ nắm bắt, ứng dụng công nghệ thông tin nhanh, chàng trai trẻ đẩy mạnh việc bán hàng qua sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội cá nhân.
Nhiều tác phẩm của chàng trai trẻ được đánh giá rất cao |
Năm 2020, Minh được Sở Công thương Hà Nội chứng nhận nghệ nhân tham gia chuỗi “Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững ngành gốm sứ thành phố Hà Nội". Đặc biệt, năm 2021, chàng trai trẻ được UBND thành phố Hà Nội phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ngành nghề gốm sứ khi mới 25 tuổi.
Hiện xưởng sản xuất của Minh có 4 lao động và các phẩm được làm hoàn toàn thủ công. Các sản phẩm được nhiều khách hàng ưa chuộng và đặt mua.
Không chỉ giữ gìn, phát triển nghề truyền thống, Minh còn tích cực tham gia hoạt động Đoàn, Hội ở địa phương. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, với mong muốn bảo vệ sức khỏe người dân, Minh tích cực tham gia các hoạt động: Hỗ trợ tiêm vắc xin, trực chốt phòng chống dịch, “ship” lương thực, thực phẩm đến các hộ gia đình trong khu cách ly…
Nguyễn Tuấn Minh tham gia thử sức ở nhiều cuộc thi |
“Tham gia các hoạt động, mình không chỉ có thêm những người bạn mà còn được rèn luyện nhiều kỹ năng. Đặc biệt, từ những hoạt động thực tế giúp mình có nhiều năng lượng, sự sáng tạo trong các sản phẩm gốm sứ. Từ đó, mình góp phần đưa những sản phẩm của làng nghề truyền Bát Tràng đến với nhiều người tiêu dùng cũng như du khách trong nước và quốc tế”, Minh chia sẻ.
Với những thành tích xuất sắc đã đạt được, Minh là một trong 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2021.
Những thành tích Nguyễn Tuấn Minh đã đạt được: Năm 2015, được UBND thành phố Huế chứng nhận đã tham gia tích cực và góp phần quan trọng cho thành công của Festival nghề truyền thống Huế. Năm 2018 và 2019, Minh được Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội tặng Giấy khen đã có thành tích xuất sắc trong công tác của Hiệp hội. Năm 2020, Sở Công thương Hà Nội chứng nhận nghệ nhân tham gia chuỗi Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững ngành gốm sứ thành phố Hà Nội. |