Nghệ nhân khiếm thính gìn giữ cách làm gốm thủ công ở Bát Tràng

Miệt mài với chiếc bàn xoay và những sản phẩm gốm vuốt tay, nghệ nhân nghệ nhân Phạm Anh Đạo đã biến những nắm đất vô tri vô giác trở thành những sản phẩm nghệ thuật đặc sắc.
Bát Tràng “vươn mình”, khẳng định thương hiệu gốm đệ nhất Hà thành “An Thổ Túc”- Tinh hoa gốm Việt Làng gốm Bát Tràng: Điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế

Đôi tay vuốt nên linh hồn của đất

Căn bệnh thủa ấu thơ đã cướp đi khả năng nghe của Phạm Anh Đạo. Nhưng những ngày tháng được xem cha vuốt đất đã hun đúc tình yêu với gốm của chàng trai khiếm thính. Bỏ học từ năm lớp 6 và sở hữu xưởng gốm đầu tiên năm 18 tuổi do cha mẹ mở cho, đến nay, vượt qua tất cả khó khăn, Phạm Anh Đạo đã trở thành một trong những nghệ nhân của làng gốm Bát Tràng.

Nghệ nhân khiếm thính gìn giữ cách làm gốm thủ công ở Bát Tràng
Xưởng sản xuất gốm thủ công của gia đình nghệ nhân Phạm Anh Đạo

Xưởng sản xuất của gia đình anh đặt tại số 29, đường Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) tràn ngập các sản phẩm gốm sứ mộc mạc, được làm hoàn toàn thủ công - một nét rất riêng khi Bát Tràng đã ngập tràn những sản phẩm được sản xuất từ gốm công nghiệp.

Theo lời chị Mỹ Trinh - vợ nghệ nhân Phạm Anh Đạo, thời gian đầu, những sản phẩm gốm bằng tay của anh không được nhiều người mua vì chúng quá đơn sơ, mộc mạc, không phù hợp với thị hiếu người dùng.

Chính vợ anh từng bàn đến chuyện chuyển sang sản xuất gốm công nghiệp nhưng anh không đồng ý. Anh vẫn ngày đêm tìm tòi và sáng tạo ra nhiều cách làm mới bằng phương pháp thủ công. Nhờ vào sự nỗ lực không mệt mỏi, những sản phẩm của Phạm Anh Đạo ngày càng hoàn hảo hơn, tinh tế hơn và phù hợp hơn với dòng chảy của đời sống hiện đại.

Nghệ nhân khiếm thính gìn giữ cách làm gốm thủ công ở Bát Tràng
Anh Đạo chăm chú, miệt mài với tác phẩm của mình

Vì làm thủ công nên năng suất không cao, số lượng không nhiều, đến nay, gia đình anh chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng. Trung bình mỗi ngày anh làm được khoảng 20-30 sản phẩm đồ gốm, mỗi tháng anh mới ra được 1 lò. Còn các hộ gia đình sản xuất công nghiệp, mỗi tháng họ ra được 10 lò hoặc hơn thế nữa.

Nhờ đôi bàn tay khéo léo, nghệ nhân Phạm Anh Đạo đã vuốt nên nhiều tác phẩm đặc sắc mang linh hồn của đất. Chẳng hạn như cặp chóe Tứ linh cao hơn 2m. Cặp chóe này được làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công truyền thống trên nền men rạn.

Để làm được cặp chóe này, nghệ nhân Phạm Anh Đạo đã mất gần 1 năm chuẩn bị, với chi phí hơn 250 triệu đồng. Anh và các cộng sự của mình cũng phải thức trắng suốt 6 ngày đêm canh lò nung nhằm hoàn thiện tác phẩm này.

Nghệ nhân khiếm thính gìn giữ cách làm gốm thủ công ở Bát Tràng
Cặp chóe Tứ linh được trao Bằng chứng nhận xác lập kỷ lục Việt Nam vào năm 2016. Ảnh: IT

“Chỉ có thằng điếc này mới xứng đáng làm nghệ nhân”

Cho đến bây giờ, chị Mỹ Trinh vẫn còn nhớ mãi câu chuyện 3 lần thi làm nghệ nhân làng nghề của chồng mình.

Chị Trinh cho biết: “Cứ 2 năm lại có 1 đợt phong tặng danh hiệu Nghệ nhân. Lần đầu tiên và lần thi thứ hai anh Đạo tham gia thi nghệ nhân, tay nghề và tác phẩm của anh rất tốt nhưng phần thuyết trình thì anh ấy không làm được vì tai anh ấy kém nên anh cũng không có khả năng diễn đạt bằng lời nói. Điều này dẫn đến việc anh ấy trượt ở cả 2 lần thi này.

Đến lần thứ ba, anh ấy bắt đầu chán nản và không muốn tiếp tục dự thi. Hơn nữa, có ý kiến cho rằng: ‘Ở làng nghề này thiếu gì người mà lại cho 1 thằng điếc lên làm nghệ nhân’ càng khiến anh Đạo muốn từ bỏ.

Thế nhưng chị vẫn giấu anh ấy làm hồ sơ. Nghệ nhân là gì? Với chị, nghệ là nghệ thuật, là người tay nghề giỏi; nhân là người. Cả 2 tiêu chí đấy anh Đạo đều có, tai anh ấy kém nhưng nghề anh ấy có kém đâu. Tại sao anh không xứng đáng được thử sức mình cơ chứ?”

Đến lần thứ ba này, anh Đạo đã vượt qua được thử thách khó khăn và nhận danh hiệu nghệ nhân.

“Lúc anh ấy ra ngoài, mọi người vỗ vai anh ấy và nói: “Chỉ có thằng điếc này mới xứng đáng làm nghệ nhân”. Câu nói này khiến chị nhớ mãi đến tận bây giờ” - chị Mỹ Trinh nói thêm.

Nghệ nhân khiếm thính gìn giữ cách làm gốm thủ công ở Bát Tràng
Thành quả cho tình yêu và niềm đam mê của nghệ nhân Phạm Anh Đạo với gốm sứ

Với tình yêu và niềm đam mê với việc làm gốm truyền thống, anh Đạo đã dành được những giải thưởng mà bất kỳ người thợ gốm nào cũng mơ ước: Bằng khen tài năng trẻ nghề gốm sứ Hà Nội (2004); Giải xuất sắc “Bàn tay vàng” nghề gốm sứ (2006); Một trong 10 công dân tiêu biểu của thủ đô Hà Nội (2009); Đại biểu Đại hội Tài năng trẻ Toàn quốc 2009; Nghệ nhân Hà Nội (2011); Bằng kỷ lục Việt Nam (2016).

Nghệ nhân khiếm thính gìn giữ cách làm gốm thủ công ở Bát Tràng
Anh Đạo (đứng thứ 2 từ phải qua) được trao Bằng Xác lập kỷ lục Việt Nam nhờ cặp chóe Tứ linh của mình. Ảnh: IT

Trải qua những thăng trầm, nghệ nhân Phạm Anh Đạo vẫn quyết tâm gìn giữ và phát huy nghề làm gốm truyền thống mà cha ông ta để lại. Ánh mắt anh vẫn chăm chú hướng về phía bàn xoay, bàn tay anh vẫn miệt mài với từng nắm đất để tạo nên các sản phẩm xuất sắc hơn, tinh xảo hơn nhằm phục vụ khách hàng nói riêng và những người yêu gốm nói chung.

Phương Thảo
Phiên bản di động