Bát Tràng “vươn mình”, khẳng định thương hiệu gốm đệ nhất Hà thành
“An Thổ Túc”- Tinh hoa gốm Việt Làng gốm Bát Tràng: Điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế |
Cải tiến phương thức sản xuất
Hiện nay theo yêu cầu sản xuất gốm công nghiệp hay mỹ nghệ, nghệ nhân gốm có thể đắp nặn một sản phẩm mẫu để đổ khuôn thạch cao phục vụ cho việc sản xuất hàng loạt. Đặc biệt, công đoạn nung tạo thành phẩm được đầu tư bằng việc thay bằng những loại lò nung hiện đại, giúp đơn giản trong việc thao tác sản xuất thành phẩm.
Nâng niu sản phẩm mà xưởng làm ra trên tay, Chị Đào Thị Lý (49 tuổi) chia sẻ:“Xưởng nhà mình mở đã được 25 năm, có khoảng hơn 20 nhân viên. Nhà mình chủ yếu làm gốm theo phương pháp công nghiệp, làm theo đơn đặt hàng nhiều. Hai vợ chồng quản lý xưởng gốm, làm gốm không chỉ giúp cho kinh tế nhà mình mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người nữa”.
Chị Đào Thị Lý chia sẻ việc làm gốm giúp cải thiện kinh tế gia đình và tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân |
Nhiều năm trở lại đây, việc kết hợp du lịch với làng nghề đã trở nên phổ biến, đây là cơ hội để các làng nghề truyền bá hình ảnh, văn hóa cũng như phát triển kinh tế. “Chợ gốm Bát Tràng” là địa điểm khiến ai đến Bát Tràng cũng phải ghé qua một lần. Khu du lịch trưng bày rất nhiều sản phẩm gốm, sứ, đa dạng từ thể loại đến màu sắc.
Có thể nói, điều tạo nên sự khác biệt của gốm Bát Tràng so với các loại gốm khác trên thị trường nằm ở sự tinh xảo và đa dạng của các sản phẩm. Nếu như gốm Kim Lan chỉ chuyên sản xuất các loại đồ gốm gia dụng như bình, lọ, bát, đĩa,... thì gốm Bát Tràng còn sản xuất cả các sản phẩm nghệ thuật như tranh gốm, sứ, tượng,... để phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, trưng bày để triển lãm của người dân.
Gốm Bát Tràng đa dạng các thể loại, mẫu mã và tinh xảo |
Du khách đến tham quan làng gốm Bát Tràng đều được hướng dẫn cách tạo hình cho sản phẩm, sau đó được tự tay trang trí sản phẩm. Nhiều du khách nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc đều yêu thích trải nghiệm đặc biệt này.
Chị Lê Thị Phương Thảo, du khách đến từ Nghệ An thích thú tâm sự: “Cảm giác được tự tay nặn gốm thú vị lắm, toàn bộ sản phẩm đều có dấu vân tay của mình, dù hình thù không đẹp thậm chí hơi méo, nhưng đối với tôi, đó là sản phẩm đẹp và ý nghĩa nhất, giúp tôi hiểu thêm về truyền thống làm gốm của Bát Tràng”.
Bát Tràng cũng được biết đến là một trong những làng nghề đầu tiên trên địa bàn Hà Nội ứng dụng công nghệ số để phát triển “du lịch thông minh”.
Hai năm qua, xã Bát Tràng đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên số, bản đồ số về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, du lịch, dịch vụ, thương mại Bát Tràng dưới dạng phim 3D, băng âm thanh, hình ảnh, văn bản; phần mềm du lịch thông minh ứng dụng trên thiết bị thông minh (SmartTour Apps); lắp đặt wifi miễn phí…
Nhờ việc áp dụng công nghệ, trung bình mỗi ngày, đặc biệt vào dịp cuối tuần, Bát Tràng đón từ 3.000 đến 5.000 lượt khách tham quan, mua sắm, trải nghiệm.
Cuối năm 2019, Bát Tràng được Sở Du lịch Hà Nội công nhận là Điểm du lịch của thành phố. Sau khi được vinh danh, lượng khách trong nước và quốc tế đến Bát Tràng tăng gấp đôi vào những tháng cuối năm 2019. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch nên đến nay, lượng khách mua sắm, tham quan làng nghề có dấu hiệu tăng mạnh trở lại.
Ngoài ra, Bát Tràng chuẩn bị đưa vào hoạt động 50 xe đạp thông minh và 20 ô tô điện để phục vụ du khách. Thông qua ứng dụng “du lịch thông minh”, du khách có thể yên tâm sử dụng dịch vụ xe điện với số tiền được hiển thị minh bạch. Khách du lịch cũng có thể truy cập thông tin về các điểm tham quan bằng nhiều ngôn ngữ.
Gốm Bát Tràng dung hòa nét truyền thống và hiện đại
Bên cạnh việc ứng dụng triệt để công nghệ vào phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh làng nghề, chính quyền địa phương cũng chú trọng gìn giữ nét tinh hoa của nghề gốm từ nội tại.
Mới đây, Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt, công trình kiến trúc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại 150 tỷ lấy cảm hứng từ gốm Bát Tràng đã hoàn thiện. Đây là nơi trưng bày những tác phẩm gốm tinh xảo, đồng thời để du khách đến tham quan và tìm hiểu về văn hóa nghề gốm.
Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt dự kiến sẽ mở cửa vào tháng 6 năm nay |
Hơn ai hết, những người dân làng gốm Bát Tràng luôn mong muốn gìn giữ được nét truyền thống của làng nghề. Ông Nhân (73 tuổi) sinh ra và lớn lên tại làng gốm, cho biết: “Từ năm 4 tuổi tôi đã nghịch đất, rồi cứ thế làm đất đến tận bây giờ. Ở đây không có ruộng lúa để làm đồng như những nơi khác, nên chỉ có nghề làm gốm thôi”.
Lớn lên trong gia đình có truyền thống làm gốm, từ rất sớm ông đã tiếp xúc với nghề làm gốm này. Cả tuổi trẻ của ông đều gắn bó với những miếng đất, lò nung,...
Đến tuổi già, tay chân không còn nhanh nhẹn như hồi trẻ, ông giao cho các con quản lý xưởng gốm, còn ông trông cửa hàng gốm. Gốm đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của ông, như cơm ăn, nước uống hàng ngày.
Bên cạnh việc sản xuất gốm công nghiệp đại trà, rất nhiều nghệ nhân trong làng vẫn giữ nghề gốm truyền thống từ xa xưa, làm gốm hoàn toàn bằng thủ công, từ các công đoạn tạo hình, nung, tráng đến vẽ gốm, đều do chính tay nghệ nhân làm.
Xưởng làm gốm của nghệ nhân Phạm Anh Đạo (44 tuổi) không rộng, chỉ có 2-3 người phụ giúp anh bao gồm cả vợ anh, nhưng các tác phẩm của anh nổi tiếng và được rất nhiều người trong ngành trân trọng. Rất nhiều nghệ nhân như anh Đạo, muốn lưu giữ nghề làm gốm bằng phương pháp thủ công, để những thế hệ sau biết nguồn gốc làm gốm của cha ông cũng như để lưu giữ truyền thống làm.
Nghệ nhân Phạm Anh Đạo chia sẻ: “Mỗi tác phẩm tôi làm đều độc nhất vô nhị, và ẩn chứa trong đó là linh hồn của người nghệ sĩ sáng tạo ra tác phẩm đó.”
Chị Trinh (vợ của nghệ nhân Phạm Anh Đạo) đồng tình: “Hiện nay, du khách thường tìm mua những sản phẩm thủ công hoàn toàn. Họ trân trọng công sức của người sáng tạo ra tác phẩm và họ có xu hướng tìm những thứ độc nhất thay vì những sản phẩm đại trà giống nhau hàng loạt”.
Gốm Bát Tràng đã khoác lên mình diện mạo mới, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Công nghệ phát triển đem đến cho làng nghề rất nhiều lợi ích về kinh tế, song cũng tạo ra một bài toán khó là làm thế nào để giữ được nét truyền thống giữa sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ như hiện nay.
Các bức tranh của họa sĩ nổi tiếng giờ đã được công nghệ số lưu giữ và triển lãm. Liệu làng gốm Bát Tràng sẽ có những bước chuyển mình mạnh mẽ sau khi “thức giấc” hay theo thời thế thay đổi mà dễ đánh mất chính mình, và một ngày nào đó cũng chỉ còn là những hình ảnh được chiếu 3D hay không?