Né "cơn nghiện" đến từ TikTok
Nghiện TikTok và “sợ bị bỏ lỡ”
Xuất hiện sau Facebook, Instagram, YouTube… nhưng TikTok lại len lỏi nhanh và sâu vào đời sống giới trẻ hiện nay nhờ thuật toán “gây nghiện”. Đây là công cụ xử lý thông tin được sử dụng để phân tích hành vi của người dùng trên nền tảng và cung cấp cho họ những nội dung được cá nhân hóa dựa trên sở thích và tương tác trước đó.
Dành vài tiếng lướt TikTok mỗi ngày để giải trí và làm việc, Thùy Trang (23 tuổi, sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết cô đang nỗ lực từng ngày để giảm thiểu ảnh hưởng từ các nội dung trên TikTok đến đời sống thực của mình.
TikTok ngày càng thu hút người dùng, đặc biệt là người dùng nhỏ tuổi |
Là một người sử dụng TikTok “có thâm niên” và từng thử sức bán hang thông qua nền tảng này, theo Thùy Trang, TikTok không chỉ thu thập thói quen tiêu thụ nội dung, tương tác của người dùng mà còn thu thập thông tin về địa điểm, đọc được sở thích, hay động cơ của người dùng.
“Cuối tuần vừa rồi mình có đi Đà Lạt chơi. Khi mở TikTok, ngay lập tức được đề xuất các video gợi ý những địa điểm du lịch, hấp dẫn ở đay. Vì thế, nền tảng này thành công trong việc “giữ chân” mình sử dụng để không bị bỏ lỡ những thông tin hấp dẫn về điểm đến”, Thùy Trang nói.
Lý giải thêm về hội chứng sợ bị bỏ lỡ nội dung trên nền tảng này, cô gái trẻ lý giải đây là tình trạng mà người dùng cảm thấy áp lực để xem và tiêu thụ nội dung của ứng dụng này, sợ rằng họ sẽ bỏ lỡ các video hay, hài hước hoặc nổi tiếng nếu không dành đủ thời gian cho nó. Một số biểu hiện của hội chứng sợ bị bỏ lỡ nội dung trên TikTok là: Sử dụng một cách thiếu kiểm soát và dành quá nhiều thời gian cho ứng dụng; Tức giận hoặc cảm thấy thất vọng nếu bỏ lỡ một video được đánh giá cao hoặc nổi tiếng; Không muốn bỏ lỡ thông báo của ứng dụng và cảm thấy cần phải kiểm tra nó ngay lập tức…
“Khi mọi người xem càng nhiều video về những người có hình dáng đẹp, cuộc sống “màu hồng” trên TikTok có thể gây ra ý nghĩ tiêu cực về hình ảnh cơ thể bản thân, tạo ra căng thẳng và nỗi lo lắng, tự ti về ngoại hình, hay dẫn đến những ảo tưởng mới về cuộc sống thực của chính mình”, Thùy Trang chia sẻ.
Thùy Trang đang nỗ lực từng ngày để giảm thiểu ảnh hưởng từ các nội dung trên TikTok đến đời sống thực của mình |
Phương Anh, sinh viên Đại học năm thứ hai cho biết cô hay ngồi nhà lướt TikTok mỗi cuối tuần hoặc vào những ngày nghỉ thay vì ra ngoài mua sắm, đi ăn hay đi chơi với bạn bè.
"Ban đầu mình chỉ coi cho vui, nhưng càng xem càng được gợi ý nhiều video hay. Có lúc xem đến khi điện thoại sập nguồn mới dứt ra được. Mình cũng có thể làm nhiều thứ trên TikTok từ kiếm tiền hay mua sắm nên mình sẽ ưu tiên ở nhà hơn thay vì ra ngoài", Phương Anh nói.
Cẩn thận trước những “cạm bẫy” tâm lý
Chị Nguyễn Minh Hồng (sống tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) có con thường xuyên dùng TikTok chia sẻ: "Trước đây, thời chúng tôi không có điện thoại thông minh, mạng xã hội như hiện nay nên phát triển rất tự nhiên. Tuy nhiên, giờ đây con tôi dù mới được 5 tuổi nhưng do chiều từ nhỏ nên cho sử dụng điện thoại quá sớm, ngày càng khó rời xa điện thoại.
Mỗi khi muốn con ăn hoặc ngồi im để bố mẹ làm việc, tôi thường cho con xe điện thoại. Việc này tạo thành thói quen cho con, thực ra nó ăn nhưng không cảm nhận được vị ngon. Bây giờ, con tôi đã sử dụng điện thoại thường xuyên được hơn 2 năm và ngày càng khó rời xa, đặc biệt thường xuyên xem TikTok và học theo trend ở trên đó, toàn nội dung nhảm nhí, không phù hợp với lứa tuổi".
TikTok dễ gây nghiện nhờ thuật toán riêng (Ảnh minh họa) |
Tương tự, con gái học lớp 6 của anh Hoàng Tiến (sống tại quận Đống Đa, Hà Nội) cũng bắt đầu có dấu hiệu bất thường về tâm lý sau thời gian thu mình trong phòng, chủ yếu để lướt TikTok.
"Thời gian gần đây con gái tôi thường ở lì trong phòng, không xuống sân chơi với bạn bè. Có hôm cháu xem TikTok đến tận khuya, bố mẹ phải tịch thu điện thoại mới chịu đi ngủ, Cháu cũng có những cử chị lạ như hay sử dụng đầu ngón tay, lẩm nhẩm trong miệng điều gì đó khiến cả nhà đều rất lo lắng", anh Tiến nói.
Theo các chuyên gia nghiên cứu, TikTok hay các nền tảng khác như Facebook, Instagram, Twitter và YouTube sử dụng một thuật toán có tên algorithmic feed (nguồn cấp dữ liệu) và có tinh chỉnh khác nhau để phù hợp với từng mục đích của mỗi nền tảng. Tuy nhiên, thuật toán này được sử dụng để đề xuất các nội dung trên TikTok cho người dùng dựa trên những video mà họ đã xem, đã thích và đã chia sẻ. Điều này khiến TikTok rất dễ dàng để thu hút người dung, đặc biệt là đối tượng trẻ em và học sinh.
Trước khi mạng xã hội tự điều chỉnh những nội dung phù hợp, người dùng cần thay đổi cách thức và giảm bớt thời gian dành cho những ứng dụng này |
Nhận xét về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Phạm Thảo Nguyên cho rằng, trước khi mạng xã hội điều chỉnh những nội dung phù hợp, các bậc phụ huynh hãy tự đưa ra những phương án nhằm hạn chế thời gian sử dụng thiết bị điện tử, mạng xã hội của con em mình. Đơn giản, mạng xã hội luôn ưu tiên lợi nhuận, còn việc điều chỉnh nội dung nhằm bảo vệ người dùng, nhất là trẻ em là điều không tưởng và khó có thể thực hiện trong thời gian ngắn hạn.
“TikTok đã và đang tạo ra nhiều trào lưu và xu hướng mới, từ nhảy múa đến trang điểm, thời trang, ẩm thực và nhiều lĩnh vực khác có tác động đến cách giới trẻ trình diễn, thể hiện bản thân trên mạng xã hội. Vì vậy, phụ huynh cũng như các bạn trẻ cần tỉnh táo và biết phân định nội dung chất lượng tốt hay xấu độc; Xác định đúng sở thích và nhu cầu, năng lực, hoàn cảnh của mình để không gặp phải các vấn đề về tâm lý trước khi mắc phải và để chúng trở thành một “căn bệnh” khó chữa”, chuyên gia Phạm Thảo Nguyên nhấn mạnh.