Món quà của sự tử tế giữa lòng Thủ đô

Chỉ với 2.000 đồng đã có thể mua được một suất ăn đầy đủ dinh dưỡng gồm thịt, cá, rau xanh, hoa quả tráng miệng… Điều ngỡ chỉ có trong mơ ấy lại có thật tại “Quán Nụ cười Shinbi – cơm 2k” (284 tập thể Trạm Bơm Yên Xá, Tân Triều, Thủ đô Hà Nội). Mỗi ngày quán cơm này cung cấp gần 200 suất ăn cho bệnh nhân và người nhà đang điều trị tại Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều).
Đoàn Thanh niên Bộ Y tế khám sức khỏe từ thiện cho học sinh tại Mù Căng Chải “Đông ấm áp - Tết an lành” đến với học sinh Lai Châu Sắp diễn ra Giải chạy Fun Run 2022 gây quỹ từ thiện Ở đây có bán yên vui

Những suất ăn ấy được tạo nên từ tấm lòng của vợ chồng anh Võ Tiên Lâm và chị Nguyễn Trà My (Thanh Xuân, Hà Nội) cùng rất nhiều tình nguyện viên và các mạnh thường quân. Đó là món quà của sự tử tế.

Nụ cười đổi lấy nụ cười

16h30 "Nụ cười Shinbi" mới bắt đầu bán hàng nhưng từ sớm đã có nhiều thực khách đến ăn. Nhiều người trong số họ, đầu chẳng còn tóc bởi tác dụng của những đợt xạ trị. Có người trên tay vẫn còn băng vết kim truyền, thậm chí khuôn mặt còn nét của những cơn đau do bệnh tật hành hạ. Tuy nhiên, khi đến Quán "Nụ cười Shinbi – cơm 2k" họ tạm quên đi bệnh tật, hòa mình vào những cuộc trò chuyện rộn tiếng cười.

Nhiều tuần nay, chiều nào bà Nguyễn Thị Học (quê ở Trực Ninh, Nam Định) cũng đến đây ăn cơm. Bà Học cho biết, giữa năm 2022, trong một lần đi khám sức khỏe bà phát hiện bị bệnh ung thư đại tràng. Cũng từ đó, bà khăn gói lên Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) điều trị. Mỗi đợt điều trị dài, ngắn khác nhau, chưa kể tiền thuốc, tiền thuê trọ, ăn uống đã rất tốn kém.

Món quà của sự tử tế giữa lòng Thủ đô
"Nụ cười Shinbi" trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều bệnh nhân ung thư. Ảnh TM

“Ở nhà hai vợ chồng tôi chỉ làm ruộng. Tôi có bốn đứa con nhưng chúng cũng rất khó khăn. Mỗi lần tôi lên viện điều trị, một đứa phải tạm nghỉ việc lên cùng. Gần một tháng nay, tôi được mọi người mách cho quán cơm này nên dù có đi xa một chút cũng đến bởi chẳng nơi đâu có thể mua được một suất cơm ngon, sạch sẽ như vậy với giá 2.000 đồng”, bà Học chia sẻ.

Bà Học cũng nhẩm tính, giá một suất ăn ở ngoài là 30.000 đồng. Tiền ăn ở ngoài 3 ngày đủ cho bà ăn một tháng ở đây. “Với giá 2.000 đồng thì mua được gì khi mọi thứ đều tăng giá. Đây là tấm lòng của anh chị chủ quán cùng những nhà hảo tâm muốn giúp đỡ, chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau bệnh tật. Thật không ngờ ở đất Thủ đô lại có quán cơm ý nghĩa như thế này”, bà Học nghẹn ngào chia sẻ.

Lặn lội từ Yên Bái xuống Hà Nội chữa bệnh ung thư phổi, nỗi lo của ông Hoàng Xuân Đam cũng là chi phí chữa chạy bởi ông đã nhiều tuổi, gia đình hoàn cảnh khó khăn. Khuôn mặt khắc khổ của ông giãn ra, nhẹ nhõm khi đón nhận suất ăn đầy đủ, sạch sẽ chỉ với giá 2.000 đồng.

“Cơm ở đây ngày nào cũng đổi món, ngon như cơm ở nhà nấu vậy. Cơm vừa rẻ mà mọi người ở đây rất quan tâm, thường xuyên hỏi thăm trò chuyện. Những bệnh nhân như chúng tôi cảm thấy rất vui khi được quan tâm như vậy và có thêm động lực để chống lại bệnh tật”, ông Đam cho biết.

Món quà của sự tử tế giữa lòng Thủ đô
Nhờ "Nụ cười Shinbi" khoảng cách từ người xa lạ trở thành thân quen. Ảnh TM

Không chỉ bà Học, ông Đam mà rất nhiều bệnh nhân và người nhà của họ đã trở thành những khách quen của “Nụ cười Shinbi”. Những người đồng cảnh ngộ mách cho nhau nên quán ngày càng đông. Cả một khoảng sân và không gian trong nhà mọi người đều ngồi kín. Mỗi người một hoàn cảnh, một vùng quê, căn bệnh khác nhau nhưng nhờ “Nụ cười Shinbi” họ được ngồi chung bàn. Nhờ những bữa ăn mà họ được biết nhau, đã biến khoảng cách từ xa lạ trở thành thân quen. Những bữa cơm chiều của những hoàn cảnh khó khăn thành bữa cơm ấm áp như với gia đình.

Ở đây, nụ cười được đổi lấy nụ cười và những bệnh nhân ung thư có thêm niềm vui, động lực để chiến đấu với bệnh tật.

Lan tỏa yêu thương

Chủ quán “Nụ cười Shinbi” là vợ chồng anh Võ Tiên Lâm và chị Nguyễn Trà My (ở Thanh Xuân, Hà Nội). Theo chị My, tiền thân của “Nụ cười Shinbi” là quán cơm cùng mô hình với tên gọi “Yên vui Tân Triều”. Tuy nhiên, do nhiều lý do chủ quán đã không thể tiếp tục hoạt động được nữa nên hai vợ chồng chị đã quyết định thuê lại quán này để tiếp tục vận hành, phục vụ những người có hoàn cảnh khó khăn.

Dành tâm huyết cho “Nụ cười Shinbi” nên hầu hết thời gian của anh Tiên Lâm và chị Trà My ở quán. Cũng rất lâu rồi, anh chị không nấu cơm chiều ở nhà mà cả gia đình ăn cơm ở quán cùng những người bệnh. Hy sinh khoảng thời gian cho gia đình để dành cho những người bệnh nhưng anh chị luôn cảm thấy hạnh phúc, ý nghĩa khi cùng nhau song hành trên hành trình thiện nguyện.

Cơ duyên bắt nguồn từ đợt cao điểm dịch COVID-19, khi đó hai vợ chồng chị My hỗ trợ tại quán cơm “Yên vui Tân Triều” với vai trò là những tình nguyện viên. Gắn bó với công việc này, được tiếp xúc với nhiều bệnh nhân, thấy họ kiên cường chống chọi với căn bệnh ung thư, chắt chiu từng đồng lo tiền viện phí... trong lòng anh chị cảm thấy vô cùng xót xa. Anh chị càng đau đáu hơn khi quán ăn nhỏ này đã thân thuộc với anh chị như một gia đình phải dừng hoạt động. Những bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn mất một điểm hỗ trợ.

Chị Nguyễn Trà My (bên phải) cùng tình nguyện viên chuẩn bị đồ ăn cho các bệnh nhân. Ảnh TM
Chị Nguyễn Trà My (bên phải) cùng tình nguyện viên chuẩn bị đồ ăn cho các bệnh nhân. Ảnh TM

Vì vậy, anh chị đã quyết định thuê lại địa điểm này tiếp nối hành trình thiện nguyện. “Lúc đầu khi lấy lại quán vợ chồng mình suy nghĩ rất nhiều nhưng gần một tháng nay chúng mình nhận được rất nhiều lời cảm ơn từ người bệnh dành cho hai vợ chồng và tình nguyện viên. Nhìn nụ cười của những người bệnh vợ chồng mình và tình nguyện viên đều cảm thấy ấm lòng”, chị My chia sẻ.

Chị My cho biết thêm, khi vận hành quán, vợ chồng chị gặp nhiều thuận lợi đó là sự ủng hộ của bạn bè và những tấm lòng hảo tâm, đặc biệt, là một người bạn đang làm trong lĩnh vực nha khoa. Với số tiền tài trợ gần 20triệu/tháng, đủ chi phí trả tiền thuê nhà, trả lương cho đầu bếp, giúp quán có thể duy trì tốt. Chính vì vậy, vợ chồng chị My đã đặt tên quán cơm là Nụ cười Shinbi để tri ân người bạn đó. Ngoài ra, “Nụ cười” còn mang thông điệp hi vọng mọi người dù trong hoàn cảnh khó khăn nhất thì hãy luôn giữ nụ cười trong tim.

Suất ăn có giá 2.000 đồng nhưng đầy đủ dinh dưỡng
Suất ăn có giá 2.000 đồng nhưng đầy đủ dinh dưỡng

Nhiều người thắc mắc, tại sao lại là 2.000 đồng/suất cơm? Vợ chồng anh Lâm, chị My cho biết xuất phát từ việc tôn trọng mọi người, để họ có cảm giác ăn vẫn trả tiền và không phải mắc nợ ai. Quá trình làm việc tại quán, có những kỷ niệm vợ chồng anh chị chẳng thể nào quên. Nhiều câu chuyện rất vui và ý nghĩa, các cô chú thường đi cùng nhóm với nhau và một người đã đứng ra đưa 10.000, 20.000 đồng để trả tiền và nói “hôm nay tôi mời nhé”, “hôm nay tôi bao nhé”, nghe rất đáng yêu. Với những người bình thường, việc mời nhau đôi khi không dễ dàng, với người bệnh khó khăn chồng chất thì đó là niềm vui lớn và ý nghĩa.

Để có các suất cơm ngon lành trao đến tay người bệnh, các thành viên của quán đã phải sơ chế nguyên liệu từ sáng, nấu cơm từ trưa, dọn dẹp và bày biện bàn ghế từ đầu giờ chiều. Đồng hành với vợ chồng anh Tiên Lâm, chị My là rất nhiều các tình nguyện viên.

Đôi khi bệnh nhân và người nhà đến đây còn có những phần quà nhỏ mang về. Ảnh TM
Đôi khi bệnh nhân và người nhà đến đây còn có những phần quà nhỏ mang về. Ảnh TM

Hoàn cảnh của họ cũng rất khác nhau nhưng chung một tấm lòng muốn giúp đỡ người bệnh. Đó là anh Nguyễn Thắng Dương (một người hàng xóm của Nụ cười Shinbi), dù bản thân bị khuyết tật nhưng anh vẫn năng nổ nhận nhiệm vụ vận chuyển 30 suất cơm, canh từ quán sang cổng sau Bệnh viện K (Tân Triều) để gửi tới những bệnh nhi. Đó là hai mẹ con chị Nguyễn Thị Mai Hương sẵn sàng gác công việc của bản thân đến phụ bếp. Đồng hành cùng anh chị còn có bà Bính (79 tuổi) hay bạn Lan Anh có mặt từ ngày mở quán và đến nay chưa vắng buổi nào.

Họ những con người với việc làm bình dị đang lan tỏa đi thông điệp của những điều tử tế, tình yêu thương con người. Ở “Nụ cười Shinbi”, hình như mọi người đều được “chữa lành” trong một không gian chậm, có chút bình yên và ấm áp. Mọi người thong thả ăn hết một khay cơm, thong thả ngồi trò chuyện với nhau, đôi khi cười đùa, thư giãn.

Vì những buổi chiều bình yên và ấm áp như thế, vợ chồng anh Lâm, chị My và những tình nguyện viên cũng không cảm thấy vất vả hay mệt nhọc. Chỉ có điều, để duy trì và kéo dài những niềm vui bé nhỏ mà ý nghĩa ấy, họ cần thêm những tấm lòng thơm thảo đồng hành, để không chỉ gần 200 suất ăn đến với người bệnh mà là 350-400 suất mỗi ngày như điều anh Võ Tiên Lâm mong muốn.

Nguyễn Dũng
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động