"Méo mặt" vì "ôm" vé concert BlackPink
Bài 2: Từ “cơn sốt” BlackPink, kinh nghiệm cho phát triển ngành công nghiệp văn hoá Công nghiệp văn hoá nhìn từ bốn cô gái xinh đẹp BlackPink |
"Cung" nhiều hơn "cầu"?
Theo thống kê của nền tảng SociaHeat thuộc YouNet Media, một thành viên của YouNet Group, công ty cung cấp giải pháp phân tích dữ liệu mạng xã hội tại Việt Nam, thị trường vé "chợ đen" của concert (đêm nhạc hội) thuộc nhóm nhạc BlackPink đang rơi vào tình trạng cung nhiều hơn cầu. Cùng với đó là những thông tin, đêm diễn đầu tiên còn dư tới 7/20 hạng vé, đêm 2 còn tới 11/20 hạng vé chưa bán hết.
Nhóm nhạc của bốn cô gái Hàn Quốc xinh đẹp BlackPink |
Đại diện nền tảng SociaHeat nhận định, nguyên nhân của điều này đến từ việc người mua lo ngại bị lừa đảo hoặc mua giá quá cao so với niêm yết. Bên cạnh đó, concert này đang vấp phải nhiều phản đối trái chiều trước khi mở bán.
Theo đó, những câu chuyện lùm xùm liên quan đến công ty tổ chức sự kiện đã khiến cảm nhận của cộng đồng mạng về sự kiện này chuyển sang hướng tiêu cực. Tính đến ngày 12/7, tuy sự kiện Concert Born Pink vẫn là xu hướng nóng nhất trên các nền tảng mạng xã hội Việt Nam nhưng chỉ số cảm xúc của cộng đồng mạng về sự kiện này lại giảm xuống mức - 0.13 (tiêu cực).
Thêm vào đó, có nhiều bình luận cho rằng, giá vé bán ở Việt Nam cao hơn so các quốc gia khác trong khu vực và giá cao nhưng không được hưởng đầy đủ ưu đãi. Chưa kể, một số tin (chưa xác thực) rằng concert chỉ gồm 13 bài hát khiến không ít người hâm mộ thất vọng.
Từ trái sang: Jisoo, Jennie, Rose, Lisa của nhóm nhạc BackPink |
Cũng theo ghi nhận của YouNet Media, phe vé “chợ đen” đang có xu hướng xả lỗ, bán lỗ vài trăm nghìn đến 1 - 2 triệu đồng vì nhiều lý do như: tìm được vé tốt hơn, vô tình mua dư, bận công việc hoặc muốn chuyển sang đi ngày khác… Thậm chí, có tài khoản mạng xã hội rao bán lại vé BackPink với sự tha thiết: "Cần pass 2 vé BackPink, giảm 1triệu/vé. Mình mua trực tiếp, cần thiết mình dẫn vào sân rồi thanh toán cũng được. Mình ở Hà Nội!"
Không chỉ thế, vé còn được chào bán trên các sàn thương mại điện tử. Nhiều tay buôn sẵn sàng bán lỗ, bán thấp hơn giá mua để sớm hoàn về lượng vốn đã bỏ ra. Tuy nhiên, tốc độ tiêu thụ vẫn khá chậm.
"Fan" không ngốc...
Anh Đình Quân, sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết, anh săn được 2 vé Platinum, 2 vé VIP với mong muốn "kiếm một chút lời" từ việc bán lại vé concert nhưng chỉ mới bán được 1 vé Platinum trong ngày thứ 2 sau khi ban tổ chức mở bán.
“Vé này mình lời được 500.000 tiền công săn vé có vị trí đẹp nhưng 3 vé còn lại hiện đăng lên nhiều nhóm, cũng có nhiều người hỏi nhưng chưa mua. Hiện 3 vé này mình vẫn rao bán với giá gốc ”- Anh Quân nói.
Nhiều bình luận viết: "Chị cùng quê tôi ôm 12 vé 5,8 triệu đồng. Từ hôm bữa đến nay, chị ấy hạ giá 3 lần rồi vẫn không bán được"; "Bạn bè tôi rao bán đầy trên mạng xã hội Facebook. Họ bảo rằng bận đột xuất, phải đưa con đi về quê đúng thời điểm diễn ra đêm nhạc để cố bán vé cho được"; "Tôi thấy hả dạ lắm! Họ tranh mua cho bằng được, lấy luôn phần của người hâm mộ cần đi thật sự, rồi mong bán lại giá cao. Họ tự làm tự chịu"; "Tôi đâu muốn đi xem mà chỉ muốn mua để bán kiếm thêm chút thu nhập thôi nhưng chẳng ai mua cả, phải hạ giá xuống thấp hơn giá gốc để bán"; "Họ tưởng "fan" ngốc lắm hay sao mà mua vé họ rao bán giá cao hơn giá gốc"…
Bốn cô gái tài ba và tràn đầy năng lượng |
Việc người mua dè chừng cũng là do sự xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo bán vé do ban tổ chức chỉ phát hành vé dưới dạng mã quét nên cùng một vé đối tượng lừa đảo bán cho nhiều người.
Chuyên gia an ninh mạng Ngô Trí Hiếu chia sẻ, để tránh bị lừa khi mua vé online tại các sự kiện âm nhạc, người mua cần cẩn trọng khi mua vé chợ đen, tránh mua vé từ các bài đăng trên mạng xã hội với nội dung cọc vé.
"Không mua vé trên các trang web, fanpage, nhóm hoặc cá nhân vì không rõ nguồn gốc, không xác thực được. Ngoài ra, hiện một số người đang có "chiêu trò" in vé cứng để PR bản thân nhằm mục đích "câu like, câu view" và có người còn lừa đảo người mua vé". - Anh Hiếu nói.