MC khiếm thị Lê Hương Giang và nghị lực phi thường
Nghị lực phi thường của thầy giáo viết chữ bằng miệng Nghị lực phi thường của cô gái xương thủy tinh |
MC khiếm thị đầu tiên của VTV
Lê Hương Giang theo học cùng lúc hai chuyên ngành Tâm lý và Báo chí tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội); dẫn chương trình trong nhiều bản tin của Đài tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam… những điều mà người bình thường khó có thể làm được thì cô gái lại đang thực hiện rất tốt.
Một ngày làm việc của Giang bắt đầu từ 6 giờ sáng và kết thúc vào 23 giờ đêm. Cô gái đi học, đi làm và tham gia các hoạt động tình nguyện như: tham vấn tâm lý cho trẻ khuyết tật… Mọi hoạt động của Giang diễn ra tự nhiên như mọi người bình thường khác. Thậm chí khi lên hình không ai nghĩ cô gái trẻ là một người khiếm thị, đặc biệt là thái độ làm việc chuyên nghiệp.
Giang bén duyên với nghề báo từ khi là học sinh cấp hai. Khi đó, cô gái đã viết bài cộng tác với một số báo, tạp chí dành cho lứa tuổi học sinh. Lên cấp ba, Giang còn là Chủ nhiệm câu lạc bộ phóng viên, trường THPT Thăng Long (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội); người sáng lập Đom Đóm Studio, chuyên sản xuất nhiều talkshow về người khuyết tật phát trên Youtube. Qua quá trình làm việc đó, cô gái nhận ra niềm đam mê với nghề dẫn chương trình.
Lê Hương Giang trong một chương trình giao lưu về gương người tốt, việc tốt |
Năm 2016, Giang đoạt giải Nhất cuộc thi Người dẫn chương trình The Next MC và trở thành động lực để cô gái chinh phục ước mơ. Cơ hội đến khi cô gái được mời cộng tác làm MC cho Đài Tiếng nói Việt Nam rồi kênh VTV4. “Mình là người khiếm thị nên không biết một MC truyền hình thì phải ngồi như thế nào cho đúng, cười ra sao, cử chỉ động tác như thế nào… Nhiều người tỏ ra tin tưởng mình sẽ làm được nhưng đến khi vào thực tế lại chẳng giao công việc gì. Tuy nhiên, mình cũng may mắn gặp được các anh quay phim, chị biên tập nhiệt tình hướng dẫn từng chút một” – Giang chia sẻ.
Những lần đầu có nhiều khó khăn nhưng dần dần Giang quen hơn. Bên cạnh đó, những chương trình cô gái làm đều là talkshow (trò chuyện) và trải nghiệm. Công việc này đã giúp Giang rèn luyện được nhiều kỹ năng của bản thân. Hơn nữa tình cảm và tâm huyết của các anh chị trong nghề khiến cô hiểu công việc này không hề dễ dàng nhưng rất ý nghĩa vì MC truyền hình là người kết nối giữa điều tốt đẹp với khán giả.
Sự tự tin, khao khát được làm MC truyền hình đã đưa Giang đến với nhiều cơ hội mới như: dẫn chương trình “Cà phê sáng với VTV3”, cộng tác với Đài Tiếng nói Việt Nam trong một số chương trình phát thanh. Ở thời điểm hiện tại, cô gái vẫn đang dẫn “Cuộc sống tươi đẹp” của VTV4, mỗi tháng 1 số; đồng thời tiếp tục rèn luyện để được đảm đương các chương trình cố định của Đài Truyền hình Việt Nam.
Vượt lên số phận
Những thành quả ban đầu Giang đạt được đã khiến nhiều người phải nể phục, nhất là nghị lực phi thường của cô gái. Ngày Giang ra đời bố mẹ chưa kịp vui mừng thì đã nghe tin buồn khi nghe bác sĩ nói cô bị khuyết tật bẩm sinh một bên mắt, bên còn lại chỉ được 1/10 thị lực. Bố mẹ đưa Giang đi chạy chữa khắp nơi, đông tây y đủ cả nhưng đến đâu cũng nhận được câu trả lời: "Không thể chữa trị được".
Năm 2001, Giang theo học trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu. Tuy hòa nhập cùng các bạn sáng mắt, học chữ bình thường nhưng mỗi lần đọc sách cô gái phải cầm thêm chiếc kính lúp. Đa phần Giang viết chữ theo cảm giác, vì mắt em nhìn rất mờ, chỉ phân biệt được sáng tối. Lên cấp hai, mắt của cô gái hoàn toàn không thấy gì nữa.
“Mình không sốc vì đã được báo trước. Cái mình thấy sợ là cách đối xử của mọi người. Các bạn sáng mắt luôn trêu chọc, không chơi với mình, thể hiện sự kỳ thị. Thậm chí, có người nói rằng mù như mình sau này chỉ làm xoa bóp bấm huyệt. Dường như đó là suy nghĩ của rất nhiều người, bởi cách đây vài năm khi mình đi thực tế tại một địa phương, có người cũng nói, ở chỗ họ, người mù chỉ làm được 2 việc là thầy bói và hát rong" – Giang kể.
Dù trong hoàn cảnh nào nụ cười vẫn luôn thường trực trên môi Lê Hương Giang |
Chính bản thân Giang cũng từng muốn an phận với suy nghĩ chỉ cần sống vui vẻ, lạc quan, sống cho bản thân là đủ. Tuy nhiên, vào năm lớp 11, cô gái có cơ hội đại diện cho Việt Nam tham gia cuộc thi thách thức về công nghệ thông tin dành cho người khuyết tật tại Hàn Quốc. Trong cuộc thi này, Giang được gặp nhiều bạn với các dạng tật khác nhau đến từ 80 quốc gia trên thế giới. Trong đó, Có bạn nằm dưới sàn do bị liệt toàn thân, chỉ cử động được đôi bàn tay nhưng tại cuộc thi đã đạt giải cao. Khi đó, Giang nghĩ chỉ sống tốt, sống vui vẻ là chưa đủ mà còn phải truyền sự lạc quan này đó với nhiều người hơn nữa.
Vì thế, Giang có thêm động lực vượt qua khó khăn. Bởi khi đó, cô gái học sinh khiếm thị duy nhất của trường THPT Thăng Long, ngôi trường công lập không học chữ nổi hay thiết bị hỗ trợ. Giang đã từng có ý định thôi học nhưng khi nhớ đến những cảm xúc được ca hát, dẫn chương trình ở trường, cô gái lại nuôi ước mơ đứng trên sân khấu. Cô gái cầu nối giữa cộng đồng người khuyết tật với người bình thường.
Cho đi là còn mãi
Ba năm phổ thông, Giang luôn đạt thành tích học sinh giỏi, giành giải Ba nghiên cứu khoa học quốc gia với việc phát minh ra chiếc máy đếm tiền và phân biệt tiền giả phát ra tiếng nói nên được tuyển thẳng vào khoa Tâm lý, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Sau đó, cô gái tiếp tục thi tuyển vào khoa Báo chí và song song cùng lúc hai chuyên ngành.
Để bố mẹ không phải vất vả, hàng ngày Giang đi học xe buýt với sự trợ giúp của người bạn thân. Ngoài học tập tốt, cô gái cũng tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện như bao đoàn viên, thanh niên khác để giúp đỡ những người dân vùng sâu, vùng xa. “Mình vẫn nhớ trong một chuyến đi tình nguyện đã có một bác ôm mình và khóc. Bác bảo, cũng chỉ mong con thực hiện được những điều mình đã làm. Thực sự mình rất xúc động, khi đã truyền được cảm hứng cho những người khác” – Giang kể.
Hiện nay, Giang không chỉ cố gắng làm tốt công việc ở Đài truyền hình mà còn nỗ lực trong học tập để trở thành chuyên gia tâm lý giỏi. Cô gái muốn có thể gạt bỏ sự sợ hãi của người khiếm thị và cải thiện suy nghĩ người thân của họ. Giang cũng âm thầm làm một việc ý nghĩa khác là tới Trung tâm Hiến tạng quốc gia đăng kí hiến tạng sau khi qua đời.
Theo Giang, khi em còn nhỏ, bố mẹ đã đưa cô đi chạy chữa nhiều nơi với hy vọng tìm lại được ánh sáng. Có nhiều người bạn bị khiếm thị do bệnh liên quan tới giác mạc, chỉ cần được hiến tặng giác mạc thì các bạn ấy sẽ tìm được ánh sáng. Tháng 9 năm 2018, Giang đã lọt top nhân vật truyền cảm hứng của năm của VTV Awards và gặp chị Thùy Dương, mẹ bé Hải An (7 tuổi) - cô bé đã hiến giác mạc. Câu chuyện của chị càng khiến Giang mạnh mẽ hơn và quyết định đi đăng kí hiến tạng.
“Khi qua đời, cơ thể của mình sẽ trở thành cát bụi. Vậy tại sao mình không hiến tặng một phần cơ thể để đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho những người khác? Mình chỉ suy nghĩ như vậy nên cảm thấy rất nhẹ nhàng. Mình luôn cố gắng sống là một người có ích cho xã hội bằng việc hàng ngày dám đối diện với khó khăn, trở ngại của bản thân và vượt qua nó” – Giang tâm sự.