Lý do muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết được gọi là "muỗi nhà Vua"

Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue, hay còn gọi là muỗi “nhà vua” hoặc muỗi vằn bởi khả năng sinh sản cao và có tập tính đẻ ở nơi nước trong. Không ít người dân vẫn lầm tưởng về nơi sinh sản của muỗi vằn khiến công tác phòng, ngừa dịch bệnh chưa hiệu quả.
Phú Lương, Hà Đông - "Điểm nóng" sốt xuất huyết của Hà Nội Bệnh nhân nhập viện do sốt xuất huyết gia tăng Nguy hiểm sốt xuất huyết ở người lớn

Những nơi trú ngụ không ngờ của muỗi vằn gây sốt xuất huyết

Điều đáng lo ngại trong việc phòng, chống sốt xuất huyết là nhiều người dân thờ ơ với mầm bệnh xung quanh môi trường sống của mình. Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi vằn đốt và truyền bệnh. Bệnh có thể dẫn đến tử vong nếu điều trị không kịp thời. Vì thế phương án hữu hiệu nhất là chủ động phòng, chống dịch.

ly do muoi van truyen benh sot xuat huyet duoc goi la muoi nha vua
Úp các dụng cụ có thể đọng nước để bọ gậy không có môi trường sinh sống

Theo bà Lê Thị Thanh Bình, Trưởng phòng Y tế quận Hà Đông (một trong những quận có nhiều ca bệnh sốt xuất huyết và hầu như năm nào cũng có ca bệnh - PV), để phòng chống sốt xuất huyết bùng phát thành dịch cần phải chủ động phòng chống và tuyên truyền đúng cho người dân.

“Rút kinh nghiệm của năm 2017, do một số đơn vị tuyên truyền chưa đúng về nơi trú ngụ của loài muỗi vằn, dẫn đến bà con lúng túng trong việc vệ sinh nơi ở. Nên ngay từ đầu năm nay chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lập các đội xung kích, trực tiếp hướng dẫn bà con vệ sinh làm khô những nơi chứa nước đọng tránh để muỗi đẻ trứng và không để môi trường thuận lợi cho loăng quăng phát triển”, bà Thanh Bình cho biết.

Khác với một số loài muỗi khác, muỗi vằn thường sống trong nhà, gần người, ví dụ như ở gần tủ quần áo, chăn màn. Nó thích đẻ trứng ở những dụng cụ chứa nước sạch và những nơi nước đọng ở lốp xe, chậu cây cảnh, dụng cụ phế thải quanh nhà có nước đọng, dụng cụ hứng nước điều hòa... Chúng thường đốt người vào sáng sớm và chiều tối.

Bệnh sốt xuất huyết là do một loại muỗi vằn, tên khoa học gọi là Aedes aegypti mang vi rút dengue từ người bệnh sang người lành. Bản thân muỗi Aedes aegypti không mang vi rút dengue một cách tự nhiên. Chúng chỉ nhiễm vi rút dengue khi chúng đốt người bị bệnh sốt xuất huyết.

Khi đốt người bị bệnh, vi rút dengue sẽ nhiễm vào tế bào muỗi. Trong thời gian ủ bệnh từ 8-10 ngày, vi rút dengue nhân lên trong cơ thể muỗi và khi đã đạt được đủ số lượng vi rút, chúng có khả năng truyền sang rất nhiều người khác trong cộng đồng thông qua việc đốt (chích) họ. Khi đó, vi rút dengue sẽ truyền từ cơ thể muỗi qua tuyến nước bọt của muỗi vào máu của người bị đốt.

Diệt muỗi, diệt cả lăng quăng

Năm nay, dịch bệnh sốt xuất huyết ở Hà Nội diễn biến phức tạp và đến sớm hơn mọi năm. Đến thời điểm này, những ca mắc sốt xuất huyết chủ yếu tập trung ở những quận phía Tây thành phố như: Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy… Sốt xuất huyết có thể gây thành dịch nếu mỗi gia đình không có biện pháp phòng tránh hiệu quả.

Sốt xuất huyết gây bệnh do muỗi đốt, vì thế cần phải diệt muỗi bằng cách phun thuốc diệt muỗi kết hợp với lật úp các dụng cụ chứa nước như chai, lọ, lốp xe... để không cho lăng quăng sinh sôi.

Bà Thanh Bình cũng bày tỏ, hiện nay nhiều người dân hiểu không đúng về việc phòng tránh bệnh sốt xuất huyết, cụ thể là họ đã hiểu sai về môi trường sinh sôi nảy nở của loại muỗi vằn gây sốt xuất huyết này.

“Trong quá trình đi tuyên truyền, khi đến các hộ dân sống gần ao thôn Trinh Lương, phường Phú Lương (Hà Đông) nhiều người dân nói rằng họ sống gần cái ao tù đọng này thì diệt làm sao hết được muỗi. Họ không hề biết rằng, muỗi vằn không thể sinh sôi nảy nở được ở nước bẩn. Dòng sông nước bẩn có sinh nhiều muỗi nhưng chỉ là những loại muỗi khác, không phải là muỗi vằn gây sốt xuất huyết.”

ly do muoi van truyen benh sot xuat huyet duoc goi la muoi nha vua
Phòng sốt xuất huyết: Cần tuyên truyền đúng trọng tâm

Cũng theo bà Thanh Bình, với kiến thức và kinh nghiệm nhiều năm làm công tác chuyên môn, bà nhận thấy thực tế muỗi vằn sinh sống ở những nơi mà nhiều người không hề ngờ tới như lọ hoa, thùng xốp trồng cây cảnh, chai nhựa, bát vỡ, mảnh sành, vỏ hộp sữa chua để ở ngoài trời sau những cơn mưa nước sẽ đọng lại tạo môi trường cho muỗi đẻ trứng…

Trong môi trường phát triển thuận lợi, chỉ sau khoảng 10 - 15 ngày, từ trứng muỗi vằn sẽ phát triển thành bọ gậy, quăng, muỗi non và trở thành muỗi trưởng thành. Muỗi cái sau khi nở từ trứng chỉ từ khoảng 5 – 8 ngày sau đã trở thành muỗi trưởng thành và có thể hút máu (chích) người và tìm nơi đẻ trứng trong các dụng cụ chứa nước. Sau từ 1 - 3 ngày, trứng sẽ nở thành bọ gậy, và từ bọ gậy để trở thành quăng thì cần khoảng 5 - 8 ngày. Khoảng 2 - 3 ngày sau, con quăng sẽ thành muỗi non, và tiếp tục chu trình phát triển thành muỗi trưởng thành, đẻ trứng, trứng phát triển thành bọ gậy, quăng, muỗi.

Do vậy bất cứ chỗ nào có đọng nước trong trong vòng 1 tuần thì nơi đó trở thành “tổ” của muỗi vằn gây sốt xuất huyết.

Từ thực tế đó nên ngay từ khi ghi nhận ca đầu tiên tại tổ 20 phường Phú Lương (ngày 16/4) UBND các cấp cùng các ban ngành thuộc ngành Y tế đã về từng tận hộ dân để tuyên truyền công tác phòng chống sốt xuất huyết. Công tác này được đặc biệt hướng tới việc nâng cao ý thức diệt trừ mầm bệnh cho người dân ngay từ trong khu vực nhà ở và những hộ dân xung quanh.

Đinh Linh - Hoài An
Phiên bản di động