Giới trẻ nói không với thực phẩm bẩn
Thu giữ hơn 11 tấn thực phẩm bẩn trong kho đông lạnh ở Mê Linh Hà Nội: Liên tiếp phát hiện thực phẩm không rõ nguồn gốc Thu giữ gần 4 tấn xúc xích, cánh gà không rõ nguồn gốc tại Hoài Đức |
Nếu không có nhu cầu tự thân của mỗi người dân đối với thực phẩm chưa an toàn, thì sẽ không còn đất sống cho các cơ sở kinh doanh, buôn bán thực phẩm bẩn. Trong đó mỗi đoàn viên, thanh niên là những người tiên phong trong việc xây dựng thói quen sử dụng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thực phẩm "bẩn" dễ mua
Khi được hỏi về những loại thực phẩm kém an toàn nơi vỉa hè mà mọi người thường ăn thì hầu như họ đều biết rằng thứ mình đang ăn là không đảm bảo vệ sinh. Thế nhưng, hàng ngày những người trẻ vẫn đặc biệt yêu thích quà vặt vỉa hè vì rất nhiều lý do.
Bạn Trần Tuấn Phong (Giảng Võ, Hà Nội) chia sẻ, chính bản thân đã từng bị thực phẩm không an toàn “hấp dẫn” và cũng nhiều lần ăn uống ở vỉa hè, thậm chí ngay tại cổng các trường học. Không chỉ có Phong, rất đông bạn trẻ cũng vô tư ăn uống không màng đến vệ sinh an toàn thực phẩm
Vào giờ tan tầm, không khó để chứng kiến, bắt gặp nhiều bạn trẻ đang tụ tập quanh những hàng quán lề đường.
Chỉ cần một chiếc kệ nhỏ hay xe máy là có thể tạo nên những quán hàng rong di động bày bán đủ loại món ăn nhanh, chủ yếu là đồ chiên rán như: Cá viên chiên, xúc xích, bỏng ngô, xôi, thịt xiên nướng và nhiều loại bánh kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Những que xiên bắt mắt, giá rẻ rất hút khách |
Chỉ với giá từ 5.000 - 15.000 đồng, những món này là đồ ăn khoái khẩu của các bạn học sinh, sinh viên. Bởi lẽ, tiện mua, tiện gặp, giá lại rẻ, phù hợp với túi tiền của những bạn học sinh còn đang chủ yếu phụ thuộc vào gia đình…
Tuy bắt mắt nhưng chất lượng của những thực phẩm này lại không được ai đảm bảo. Đồ ăn được chế biến ngay vỉa hè, không có gì che đậy. Những chiếc chảo dầu đen kịt với lượng mỡ chiên rán được tái sử dụng rất nhiều lần. Hay chỉ đơn thuần là các loại đồ uống như trà tắc, trà chanh, nước mía, hoa quả dầm cũng nằm phơi mình trong nắng nóng, bên cạnh cống rãnh, không rõ được pha chế có đảm bảo vệ sinh hay không?
Phỏng vấn một vài chủ hàng quán, mọi người đều trả lời qua loa về nguồn gốc mua những túi đồ viên, nói rằng tìm được nguồn bán rẻ nên nhập về bán. Các túi đồ viên và các loại tương ớt chấm kèm đều không thấy có nhãn mác; ngày tháng sản xuất và hạn sử dụng cũng bị mờ nhạt hoặc không có.
“Mình hay ăn đồ ăn vỉa hè vì thấy rất ngon, rẻ và hợp với túi tiền. Bản thân tôi cũng cảm thấy đồ ăn vỉa hè, nhất là các món quà vặt thường không đảm bảo vệ sinh. Song vào cửa hàng tử tế thì đắt đỏ, lại còn phải đi xa khỏi cổng trường. Hơn nữa, vào đó chỉ gọi một xiên thịt, một cây xúc xích cũng ngại”, một bạn chia sẻ.
Riêng Bảo Anh (Đội Cấn, Hà Nôi) lại thường ăn quà vặt vỉa hè vì tin tưởng vào người bán: “Mình hay ăn thịt xiên nướng của cửa hàng vỉa hè gần nhà. Do quen biết chị ấy đã lâu, có sự tin tưởng hơn những hàng quán khác. Hơn nữa lâu lâu mới ăn một vài xiên thịt nướng, xúc xích thì chắc không sao đâu”.
Mỗi người trẻ hãy là một người tiêu dùng thông thái
Thực phẩm không phù hợp có chứa vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng hoặc hóa chất gây hại gây ra hơn 200 bệnh, từ tiêu chảy đến ung thư.
Liên hợp quốc ước tính có 600 triệu người, tương đương gần 1/10 dân số thế giới, bị bệnh mỗi năm sau khi tiêu thụ thực phẩm bị ô nhiễm, 420.000 người chết vì nó.
Trẻ em dưới 5 tuổi chịu 40% gánh nặng bệnh tật do các bệnh từ thực phẩm và 125.000 em tử vong mỗi năm.
Bệnh tiêu chảy là những bệnh phổ biến nhất do tiêu thụ thực phẩm bị ô nhiễm. Chúng ảnh hưởng đến 550 triệu người mỗi năm và 230.000 người tử vong mỗi năm.
Cùng với nỗ lực của các ngành chức năng, để chung tay vì an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người dân thì mỗi bạn trẻ cũng cần phải ý thức cao hơn nữa trong việc lựa chọn những đồ ăn, thức uống đưa vào cơ thể mình.
Mỗi bạn trẻ cần trở thành những người tiêu dùng thông thái |
Với tinh thần năng động, sáng tạo, nhiệt tình của tuổi trẻ thì giới trẻ, nhất là đội ngũ sinh viên hoàn toàn có đủ điều kiện để trở thành những người tiêu dùng thông thái, là tấm gương trong gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện các nguyên tắc an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
Nếu được cung cấp đầy đủ kiến thức ATVSTP, các bạn trẻ chắc chắn sẽ nói không với những thực phẩm, những quán ăn không đảm bảo ATVSTP.
Bạn Nguyễn Đức Minh (Liễu Giai, Hà Nội), chia sẻ sau một lần ăn quà chiều, nhiều bạn cùng lớp Minh bị đau bụng phải nghỉ học. Từ đó, cậu thấy sợ hãi khi ăn thực phẩm đường phố và bị ám ảnh bởi tác hại của thực phẩm không an toàn. Từ đó chàng trai trẻ tự ý thức được rằng, phải “nói không với thực phẩm bẩn”, nghiêm khắc với bản thân, không xuề xòa để “tẩy chay” các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn.
“Mình sẽ chú ý hơn trong việc ăn uống, kiên quyết không sử dụng thức ăn đường phố mất vệ sinh. Những ngày đến lớp sẽ cố gắng mang theo đồ của mẹ chuẩn bị để ăn khi đói chứ không ăn tạm bợ hay đua theo bạn bè ăn uống ở vỉa hè, cổng trường nữa. Bên cạnh đó, mình sẽ tìm hiểu kỹ càng hơn về kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và những người thân”, Minh tâm sự.