Thủ tướng yêu cầu không để lây lan, bùng phát bệnh bạch hầu

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan chủ động kiểm soát, ngăn chặn, không để lây lan, bùng phát bệnh bạch hầu...
Người dân không tự ý tiêm vaccine chứa thành phần bạch hầu Bệnh bạch hầu lây như thế nào và cách phòng tránh?

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 68/CĐ-TTg chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu.

Công điện nêu, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, lây lan qua đường hô hấp, có thể dẫn đến tử vong. Bệnh được phòng bằng vắc xin, điều trị khỏi nếu được phát hiện kịp thời. Thời gian qua đã phát hiện một số trường hợp mắc bệnh, trong đó đã có trường hợp tử vong.

Nhằm chủ động kiểm soát, ngăn chặn, không để lây lan, bùng phát bệnh bạch hầu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu; chủ động công tác giám sát phát hiện, xử lý sớm ổ dịch; tổ chức tiêm chủng vắc xin, điều trị để bảo vệ tốt nhất sức khoẻ, tính mạng của người bệnh.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực trong giám sát, chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo được yêu cầu chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai các hoạt động vệ sinh phòng bệnh, bảo đảm môi trường thông thoáng, sạch sẽ; tổ chức theo dõi sức khoẻ của trẻ em, học sinh, sinh viên và thông báo ngay cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để được cách ly, xử lý kịp thời.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu theo khuyến cáo của ngành Y tế; hướng dẫn người dân khi có dấu hiệu mắc bệnh phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Thủ tướng yêu cầu không để lây lan, bùng phát bệnh bạch hầu
Ảnh minh họa.

Cùng đó, Chủ tịch UBND các địa phương chỉ đạo tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho các nhóm đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhất là tại các địa bàn có lưu hành bệnh hoặc nơi có tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu thấp.

Các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh để xử lý triệt để ổ dịch; điều trị kịp thời và thực hiện tốt việc thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các địa phương bảo đảm hậu cần, thuốc, vắc xin, thiết bị, vật tư, hoá chất phục vụ công tác phòng, chống bệnh bạch hầu theo phương châm 4 tại chỗ; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống bệnh bạch hầu và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu; thông tin đầy đủ, trung thực về tình hình dịch bệnh.

Theo Bộ Y tế, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, có khả năng lây lan mạnh qua đường hô hấp và có thể bùng phát thành dịch. Bệnh được xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vì có tỷ lệ tử vong cao. Người nhiễm bệnh có thể tử vong trong vòng 6-10 ngày nếu không được điều trị kịp thời.

Vi khuẩn bạch hầu sản sinh ra độc tố gây tổn thương đường hô hấp trên và có thể lan ra toàn cơ thể, gây biến chứng nghiêm trọng. Hiện nay, đã có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, do bệnh vẫn chưa được loại trừ ở Việt Nam, việc tiêm vắc xin phòng bệnh là biện pháp phòng ngừa quan trọng và hiệu quả nhất.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân không được chủ quan, cần tuân thủ những hướng dẫn của ngành y tế để chủ động phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.

Biểu hiện lâm sàng chủ yếu có sốt, ho, đau họng, hạch góc hàm sưng đau (cổ bạnh), tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân, có giả mạc màu trắng xám, dai, dính ở amidal hoặc thành sau họng. Bệnh nhân cũng có thể bị viêm cơ tim, nhiễm độc thần kinh dẫn đến tử vong do ngoại độc tố của vi khuẩn. Tỷ lệ tử vong khoảng 5-10%.

Hậu Lộc
Phiên bản di động