Lối thoát nạn thứ hai - mở thêm một cửa sống khi có cháy
Cách xác định đường và lối thoát nạn an toàn khi xảy ra cháy Hà Nội: Vận động nhà dân mở "lối thoát nạn thứ 2" đề phòng cháy nổ |
Nguyên nhân dẫn đến tử vong trong nhiều vụ hoả hoạn
Theo Ths.KTS Phạm Hoàng Phương, điểm đáng chú ý cần nhận diện đối với các vụ cháy nhà ống gây thiệt hại nặng nề trong thời gian gần đây có nguyên nhân từ góc độ kiến trúc công trình.
Trước tiên, các ngôi nhà ống bị xuống cấp do quá trình sử dụng, hoặc sự bất cẩn của người dân do công trình kém tiện nghi gây nên chập cháy trong quá trình sử dụng.
Bên cạnh đó, theo dõi các vụ cháy trong thời gian gần đây đều thấy nguyên nhân mới rất đáng chú ý và chiếm số đông các vụ cháy được các chuyên gia nhận diện chính là sự chuyển dịch công năng sử dụng của nhà ống một cách tùy tiện, thiếu kiểm soát.
Ngôi nhà ban đầu được xây dựng có chức năng nhà ở gia đình được chuyển đổi bổ sung hoặc hoàn toàn sang chức năng mới như: Cửa hàng dịch vụ, văn phòng cho thuê, bar và karaoke…
Bên cạnh nhiều trường hợp gần như không có điều chỉnh nâng cấp về biện pháp phòng cháy, chữa cháy, hệ thống kỹ thuật trong ngôi nhà khi chức năng sử dụng thay đổi, một số trường hợp đã có điều chỉnh về vật liệu xây dựng, tổ chức thang thoát hiểm bổ sung cho công trình, tuy nhiên vẫn chủ yếu mang tính tình thế, thiếu bài bản, có chất lượng thấp hơn rất nhiều so với các tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy mà vốn dĩ công trình cần đạt được. Do vậy, khi có tai nạn cháy, nổ trong nhà ống, thiệt hại chắc chắn là rất khốc liệt.
Nguyên nhân thứ hai gây cháy cho nhà ống là cháy lan từ các hộ gia đình bên cạnh sang. Đối với các công trình nhà ống do người dân tự xây dựng, đặc biệt trong các khu vực cũ của đô thị, việc quản lý và thanh tra, kiểm tra nội dung chống cháy lan rất khó khăn. Do vậy, không hiếm trường hợp chỉ một vụ cháy nhỏ, dẫn đến nhiều ngôi nhà xung quanh bắt lửa và bùng cháy theo.
Lối thoát nạn thứ hai tại một khu căn hộ nhiều người ở trên địa bàn quận Cầu Giấy |
Về khả năng thoát hiểm và cứu hộ, cứu nạn - vấn đề nổi cộm gây nên thiệt hại lớn trong các tai nạn cháy nổ nhà ống, ông Phạm Hoàng Phương chỉ rõ là do thiếu các lối thoát hiểm, đường cứu hộ, cứu nạn cho đơn vị chức năng khi có sự cố xảy ra.
Vấn đề đầu tiên do nhà ống xây trong các ngõ hẹp, mật độ cao, khiến đơn vị chức năng rất khó tiếp cận để chữa cháy và giải cứu nạn nhân.
Thứ hai, do hạn chế về diện tích đất và tiền đầu tư xây dựng nên đa phần nhà ống chỉ có 1 lối cầu thang kết nối theo chiều đứng toàn bộ chiều cao công trình. Khi xảy ra cháy, nổ, do hiện tượng đối lưu, trục giao thông này sẽ bị khói và lửa lấp đầy nên không thể sử dụng làm lối thoát hiểm và cũng là nguồn đưa khói lên các tầng trên gây hiện tượng ngạt khói.
Thêm vào đó, việc làm rào thép trên cửa sổ, ban công, tầng thượng… dù đáp ứng nhu cầu chống trộm trước mắt nhưng khi có tai nạn cháy, nổ lại cản trở sự thoát hiểm ra bên ngoài của nạn nhân cũng như sự tiếp cận chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn của cơ quan chức năng.
Từ thực tế trên, Ths.KTS Phạm Hoàng Phương khẳng định, rất cần lối thoát hiểm thứ hai. Đồng quan điểm này, nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng, lối thoát nạn thứ hai là giải pháp hữu hiệu của các công trình để giảm thiểu thiệt hại cháy, nổ ở các công trình.
Sống sót nhờ lối thoát nạn
Thời gian gần đây, các vụ cháy nhà dân, nhà ở cho thuê trên địa bàn Hà Nội diễn biến phức tạp. Gần đây nhất, vụ cháy ở phố Trung Kính, phường Trung Hoà, Cầu Giấy khiến 14 người tử vong, nhiều người bị thương. Chính vì thế, dù bất cứ vụ cháy lớn, nhỏ nào xảy ra, cũng làm dư luận rất chú ý.
Trong vụ cháy lúc 5h33 ngày hôm nay (30/5), tại ngôi nhà dân kết hợp cho thuê cao 3 tầng (ở số 7, phường Phú Lương, quận Hà Đông), ngoài lực lượng PCCC chuyên nghiệp, có một người đàn ông cũng leo từ mái ngôi nhà bên cạnh lên và cõng được 2 nạn nhân khác thoát khỏi ngôi nhà ra ngoài an toàn.
Theo người dân sống quanh khu vực ngôi nhà bị cháy kể: "Cậu thanh niên này leo lên mái tôn của nhà số 9, dùng gạch đập vỡ con tiện xi măng ở ban công tầng 3 và cứu 2 bạn nữ ra ngoài. Tôi thấy anh ấy leo lên 3 lần, một lần đưa bạn nữ áo đen mắc kẹt trên tầng xuống, lần nữa thì cõng bạn nữ mặc áo trắng".
Nhiều người được giải cứu và thoát nạn trong đám cháy sáng nay ở Hà Đông |
Cũng theo thông tin từ lực lượng chức năng, 4 người thuê trọ trong ngôi nhà gặp hoả hoạn cũng đã tự thoát nạn qua lối thoát nạn khẩn cấp sang nhà bên cạnh.
Hiện lực lượng chức năng đang điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ cháy. Thông tin ban đầu, vụ cháy không gây thiệt hại về người. Thiệt hại về tài sản đang thống kê.
Từ đây có thể nói, vai trò của lối thoát nạn thứ hai trong các vụ cháy thật sự rất quan trọng. Thực tế, sau các vụ cháy gây hậu quả thương tâm, lực lượng chức năng cũng đã rà soát, kiểm tra, vận động người dân tự mở lối thoát khẩn cấp nhằm tránh hậu quả đau lòng nếu chẳng may “bà hoả” ghé thăm.
Công an thành phố Hà Nội cũng đã khuyến cáo, người dân luôn cần đề cao cảnh giác và đặc biệt phải chấp hành nội quy phòng cháy, chữa cháy; xây dựng và cải tạo nhà ở nói chung và nhà phố, nhà ống nói riêng cần hết sức lưu ý phải có ít nhất hai lối thoát nạn.
Một lối thoát nạn ra mặt trước ngôi nhà (cửa chính). Còn lối thoát nạn thứ hai có thể là qua ban công, qua nhà hàng xóm, lên sân thượng, qua mái, công trình lân cận. Trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, người dân cũng phải sắp xếp hàng hóa đồ đạc trong nhà gọn gàng, không cản trở cầu thang, lối thoát nạn ra cửa, đề phòng khi xảy ra hỏa hoạn.
Lực lượng chức năng khuyến cáo người dân mở lối thoát nạn thứ hai |
Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền, lực lượng chức năng, người dân cũng cần nâng cao nhận thức, tự mở lối thoát - mở đường sống cho chính mình thì công việc này mới thật sự hiệu quả.