Lý do chưa có cơ chế giá chuyển tiếp sau giá FIT cho dự án điện tái tạo

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã đưa ra một số vướng mắc khiến đến nay cơ quan quản lý Nhà nước vẫn chưa thể có cơ chế giá chuyển tiếp sau giá FIT cho dự án điện tái tạo...
Năng lượng tái tạo dư thừa nhưng huy động chưa đến 14% toàn hệ thống Đoàn giám sát đề nghị EVN làm rõ các vấn đề về thị trường điện, năng lượng tái tạo Cấp phép hoạt động điện lực cho 29 dự án điện tái tạo chuyển tiếp

Như chúng tôi đã thông tin, sau một thời gian dài "đắp chiếu" vì chưa có cơ chế giá cụ thể, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc cần nhanh chóng đưa các dự án năng lượng tái tạo vào vận hành, tránh lãng phí tài nguyên và kinh phí đầu tư của chính các nhà đầu tư, góp phần đảm bảo nguồn cung điện.

Thực tế, để "chữa cháy", thời gian qua, Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tích cực đôn đốc các nhà đầu tư dự án điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp đàm phán giá tạm để giúp các nhà máy sớm hòa lưới điện, tránh lãng phí.

Tuy nhiên, những bất cập trong cơ chế đàm phán giá phát điện, cơ chế huy động điện tạm thời khiến các nhà đầu tư cảm thấy không hài lòng vì giá còn thấp, khiến họ thiệt hại nặng về kinh tế do không đảm bảo các chi phí đầu tư dự án.

Lý do chưa có cơ chế giá chuyển tiếp sau giá FIT cho dự án điện tái tạo
Có sự chậm trong việc ban hành cơ chế chuyển tiếp giá FIT khiến nhà đầu tư năng lượng tái tạo gặp khó khăn.

Ngoài các bất cập về cơ chế, chính sách, hiện nay, tổng dư nợ của các dự án chuyển tiếp hiện tại lên tới 60.000 tỷ đồng, do đó cần có sự cân nhắc sâu sắc từ Chính phủ và các cơ quan ban ngành, nếu không rủi ro hiện hữu vi phạm cam kết trả nợ của các dự án này không chỉ ảnh hưởng nội tại đến sự ổn định của hệ thống ngân hàng Việt Nam nói riêng, mà còn tạo hình ảnh không tích cực đến môi trường đầu tư của các doanh nghiệp và định chế tài chính quốc tế nói chung.

Vừa qua, Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban thường vụ Quốc hội về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021” đã làm việc với Bộ Công thương và các đơn vị liên quan về vấn đề này.

Với những dự án điện gió và điện mặt trời chuyển tiếp còn dang dở do cơ chế giá FIT (ưu đãi), tại sao chậm ban hành và Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt vấn đề về việc nếu cơ chế giá FIT không áp dụng nữa thì chuẩn bị cho sự chuyển đổi cũng như cơ chế, chính sách để thu hút, "giữ chân" nhà đầu tư trong lĩnh vực này?

Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, chính sách giá FIT chỉ có thời hạn nhất định, bởi lẽ đây là chính sách khuyến khích, không thể tiếp tục kéo dài.

Những dự án không được hưởng chính sách giá FIT hay đầu tư mới đều không có vướng mắc về chính sách, pháp luật. Luật Đầu tư, Luât Điện lực, Luật Đấu thầu hay một số thông tư của Bộ Công thương đã quy định cụ thể quy trình, thủ tục thực hiện.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thừa nhận có sự chậm trong việc ban hành cơ chế chuyển tiếp giá FIT. Nguyên nhân là do trong Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg đã quy định rõ những dự án chuyển tiếp (không được hưởng giá FIT) thì phải áp dụng giá cạnh tranh.

Do vậy, dù Bộ Công thương đã nhiều lần gửi văn bản lấy ý kiến các bộ, ngành, nhưng chưa ra được cơ chế giá chuyển tiếp, vì chưa thống nhất phương thức đấu thầu giá mua điện năng lượng tái tạo.

Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, nếu đấu thầu giá mua điện hàng năm, thì chủ đầu tư sẽ khó yên tâm thực hiện dự án vì giá mua điện sẽ thay đổi thường xuyên. Nhưng, nếu đấu thầu mức giá áp dụng trong 20 năm sẽ tương tự như giá FIT, là một dạng giá "FIT phẩy", cũng không được, vì phi thị trường”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, vướng mắc này đã được tháo gỡ sau khi Bộ Công thương nghiên cứu Luật Điện lực, Luật Giá và đã xây dựng văn bản hướng dẫn doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện.

Hậu Lộc
Phiên bản di động