Năng lượng tái tạo dư thừa nhưng huy động chưa đến 14% toàn hệ thống

Theo ý kiến của một số chuyên gia, việc để nguồn điện năng lượng tái tạo lãng phí thời gian dài, lỗi lớn của chính sách, chứ không phải nhà đầu tư.
Đoàn giám sát đề nghị EVN làm rõ các vấn đề về thị trường điện, năng lượng tái tạo Cấp phép hoạt động điện lực cho 29 dự án điện tái tạo chuyển tiếp

Sau một thời gian dài "đắp chiếu" vì chưa có cơ chế giá cụ thể, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc cần nhanh chóng đưa các dự án năng lượng tái tạo vào vận hành, tránh lãng phí tài nguyên và kinh phí đầu tư của chính các nhà đầu tư, góp phần đảm bảo nguồn cung điện.

Thực tế, để "chữa cháy", thời gian qua, Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tích cực đôn đốc các nhà đầu tư dự án điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp đàm phán giá tạm để giúp các nhà máy sớm hòa lưới điện, tránh lãng phí.

Tuy nhiên, những bất cập trong cơ chế đàm phán giá phát điện, cơ chế huy động điện tạm thời khiến các nhà đầu tư cảm thấy không hài lòng vì giá còn thấp, khiến họ thiệt hại nặng về kinh tế do không đảm bảo các chi phí đầu tư dự án.

VPBank dành hàng tỷ đồng tri ân khách hàng dịp sinh nhật 30 năm
Ảnh minh họa.

Ngoài các bất cập về cơ chế, chính sách, hiện nay, tổng dư nợ của các dự án chuyển tiếp hiện tại lên tới 60.000 tỷ đồng, do đó cần có sự cân nhắc sâu sắc từ Chính phủ và các cơ quan ban ngành, nếu không rủi ro hiện hữu vi phạm cam kết trả nợ của các dự án này không chỉ ảnh hưởng nội tại đến sự ổn định của hệ thống ngân hàng Việt Nam nói riêng, mà còn tạo hình ảnh không tích cực đến môi trường đầu tư của các doanh nghiệp và định chế tài chính quốc tế nói chung.

Theo báo cáo của EVN, tính đến ngày 1/8/2023 đã có 74/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 3.999,86MW đã gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện.

Trong đó có 62 dự án (tổng công suất 3.399,41MW) đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 của Bộ Công thương). EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng mua bán điện (PPA) với 59/62 dự án.

Hiện đã có 58 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 3.181,41MW được Bộ Công thương phê duyệt giá tạm; 17 nhà máy/phần nhà máy với tổng công suất 859,52MW đã hoàn thành thủ tục vận hành thương mại (COD), được phát điện thương mại lên lưới.

Trong đó có 21 dự án đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 30 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 38 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.

Hiện vẫn còn 11 dự án với tổng công suất 734,70MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.

Theo báo cáo, sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm COD đến ngày 21/7/2023 đạt khoảng 211,7 triệu kWh. Trong đó, sản lượng điện phát trung bình ngày khoảng 3,2 triệu kWh, chiếm khoảng 0,4% tổng sản lượng nguồn điện được huy động.

Cũng theo một báo cáo khác của EVN, trong 7 tháng năm 2023, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 160,58 tỷ kWh, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, huy động từ thủy điện đạt 36,80 tỷ kWh, chiếm 22,9%; nhiệt điện than đạt 79,95 tỷ kWh, chiếm 49,8%; tua bin khí đạt 18,01 tỷ kWh, chiếm 11,2%; nhiệt điện dầu đạt 1,23 tỷ kWh, chiếm 0,8%; năng lượng tái tạo là 22,11 tỷ kWh, chiếm 13,8% (trong đó điện mặt trời đạt 15,48 tỷ kWh, điện gió đạt 6,06 tỷ kWh)...

Hậu Lộc
Phiên bản di động