Luôn đi trước để “làng nước” theo sau…

Luôn nỗ lực làm tốt nhất công việc của bản thân, cống hiến cho cộng đồng bằng hành động cụ thể… là cách nhiều người trẻ chọn lựa góp phần xây dựng Thủ đô và đất nước.
Niềm tự hào về Thủ đô linh thiêng hào hoa Chùm ảnh: Hà Nội yên bình nhìn từ trên xe buýt hai tầng Viết tiếp khúc khải hoàn ca

Ra đi để… trở về

Tiến sĩ Trương Thanh Tùng, trưởng nhóm nghiên cứu thuốc mới (Viện Nghiên cứu tiên tiến Phenikaa), giảng viên khoa Dược, trường Đại học Phenikaa (Hà Nội) là gương mặt khá nổi bật trong nhóm các nhà khoa học trẻ Việt Nam và quốc tế. Anh sở hữu nhiều công trình khoa học có tầm ảnh hưởng thế giới. Một trong số đó là công trình nghiên cứu hướng tới phát minh các thuốc mới với các bệnh lây nhiễm.

Ngay khi là sinh viên trường Đại học Dược Hà Nội, anh Tùng đã mải mê với những công trình nghiên cứu. Tốt nghiệp, anh lên đường du học thạc sĩ tại Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), sau đó nghiên cứu sinh tại Đan Mạch, rồi sang Mỹ làm trợ lý giáo sư tại Đại học Pittsburgh nhằm mở mang tầm nhìn, hiểu biết về nền khoa học thế giới. Trải qua 8 năm học tập, làm việc tại nhiều quốc gia, anh Tùng tích lũy cho bản thân nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học.

Tiến sĩ Trương Thanh Tùng
Tiến sĩ Trương Thanh Tùng

Anh Tùng cũng nhận được nhiều lời mời làm việc với mức đãi ngộ hấp dẫn ở các quốc gia. Tuy nhiên, cuối năm năm 2019, anh quyết định trở về Việt Nam và chọn trường Đại học Phenikaa làm điểm dừng chân. Anh lập ra nhóm nghiên cứu thuốc mới và trực tiếp làm trưởng nhóm.

Hiện anh và nhóm nghiên cứu là những người đầu tiên đi theo con đường tổng hợp thuốc. Khát vọng lớn nhất của anh và nhóm nghiên cứu là trong tương lai Việt Nam sẽ làm chủ hoàn toàn quy trình từ nghiên cứu, phát triển, tổng hợp sản xuất được các loại thuốc. Nước ngoài sẽ phải đến đất nước chúng ta để mua bản quyền sản xuất thuốc.

Trên thế giới, nhiều công ty dược và nhóm nghiên cứu chủ yếu tập trung vào những căn bệnh mang lại nguồn lợi kinh tế lớn như ung thư, Alzheimer, đái tháo đường… không đầu tư nhiều cho các bệnh truyền nhiễm. Hậu quả là thế giới không kịp trở tay khi đại dịch bệnh truyền nhiễm như COVID-19, Ebola… bùng phát. Nhóm nghiên cứu của TS Trương Thanh Tùng được xem là nhóm duy nhất tại Việt Nam đi theo hướng “quorum sensing” để tìm thuốc mới thay thế kháng sinh.

Anh và nhóm đã có 10 công bố khoa học trên các tạp chí uy tín quốc tế nghiên cứu các chất mới thay thế kháng sinh. Các chất mới đã mở ra hướng điều trị mới cho bệnh nhân đa kháng thuốc (kháng kháng sinh) theo hướng ức chế “quorum sensing” đầu tiên tại Việt Nam. Điều này hứa hẹn sớm có các sản phẩm thuốc “Make in Vietnam”. Đặc biệt, năm 2022, anh Tùng và nhóm có công trình mang dấu ấn quốc tế về nghiên cứu thuốc điều trị HIV mới với tiềm năng áp dụng cho lâm sàng, được thế giới đánh giá rất cao.

“Hướng nghiên cứu của tôi là làm thế nào loại bỏ toàn bộ tế bào nhiễm HIV và virut ra khỏi cơ thể. Có thể nói, các loại thuốc hiện có trên thị trường chỉ kiểm soát, loại bỏ bớt nồng độ virut trong máu, chứ chưa thể loại bỏ hoàn toàn HIV khỏi cơ thể. Tức là các bệnh nhân HIV hiện nay khi sử dụng thuốc đều đặn cũng mới chỉ đạt được ngưỡng “sống, tránh lây nhiễm và cầm cự cùng HIV". Hướng nghiên cứu của tôi hướng tới mục đích điều trị hoàn toàn bệnh HIV trong tương lai”, TS Tùng cho biết.

Nổi bật nhất trong kết quả nghiên cứu của anh Tùng và cộng sự là các dược chất có thể thức tỉnh virut HIV ở trạng thái “ngủ” trong tế bào, đánh dấu rồi tiêu diệt chúng

Nghị lực tạo nên thành công

Nữ kỳ thủ Nguyễn Thị Hồng (ở giữa) trong chương trình giao lưu với đại biểu “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”
Nữ kỳ thủ Nguyễn Thị Hồng (ở giữa) trong chương trình giao lưu với đại biểu “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”

Những ngày cuối tháng 9, Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VII được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội quy tụ 420 gương mặt ưu tú từ mọi miền đất nước, trong đó cô gái nhỏ bé Nguyễn Thị Hồng (quê Phúc Thọ, Hà Nội) khiến nhiều người ngưỡng mộ. Hồng có thân hình nhỏ bé, lại không may mắn như bạn bè bởi đôi mắt khiếm thị. Tuy nhiên, cô gái lại sở hữu nghị lực phi thường với hành trình nỗ lực không mỏi mệt đến với bộ môn cờ vua. Hồng đã có hai lần liên tiếp tham dự Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á. Năm 2022, trong lần đầu tiên khoác áo đội tuyển quốc gia bộ môn cờ vua, Hồng đã đoạt hai huy chương Vàng, một huy chương Bạc cá nhân và ba huy chương Vàng đồng đội.

Là con thứ hai trong một gia đình có 4 chị em ở xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ), Hồng chịu cảnh thiệt thòi khi hai mắt bị giảm thị lực do thoái hóa võng mạc sắc tố. Khát khao được đến trường như bao bạn cùng trang lứa, đến năm 7 tuổi ước mơ của Hồng đã thành hiện thực.

Năm học đầu tiên ở trường với kết quả không được như mong muốn nên Hồng được bố mẹ xin cho theo học tại trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng). “Tôi học tại trường Nguyễn Đình Chiểu khi vào lớp 2. Một đứa trẻ khiếm thị từ quê ra thành phố có nhiều bỡ ngỡ, khó khăn. Biết thế nên bố phải thuê nhà trọ gần trường và tìm một công việc kiếm kế mưu sinh vất vả để được gần gũi, chăm sóc tôi”, Hồng nhớ lại.

May mắn đã mỉm cười với Hồng khi có nhóm sinh viên tình nguyện trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh mỗi tuần một buổi hướng dẫn học sinh trong lớp chơi cờ vua. Ban đầu, Hồng phải làm quen với các quân cờ một cách khó khăn vì thị

lực không đủ để nhìn rõ đâu là vua, đâu là hậu, là xe... Do vây, cô bé Hồng vừa cố căng mắt vừa sờ chi tiết để định hình sự khác biệt của từng quân cờ. Hồng cũng chỉ nghĩ tham gia theo phong trào song qua những ván đấu “sáng nước”, các anh chị sinh viên phát hiện ra Hồng có năng khiếu đặc biệt ở môn thể thao trí tuệ này.

Năm 2016, khi đang theo học văn hóa tại trường Trung học phổ thông Trần Nhân Tông, Hồng chính thức đứng trong đội tuyển thể thao người khuyết tật thành phố Hà Nội.

Miệt mài khổ luyện, những nước cờ táo bạo, hiệu quả của Hồng đã đánh bại bao đối thủ. Đam mê cháy bỏng, có những đêm cô trăn trở mãi vì một nước cờ không ngủ được. Có những ván cờ chơi xong cả tuần nhưng Hồng vẫn nhớ hết tất cả các nước.

Nhắc đến dự định tương lai, Hồng cho biết: “Tôi sẽ tiếp tục tập luyện và theo đuổi cờ vua. Đặc biệt, tôi mong muốn sẽ mở một lớp học cờ vua cho các bạn nhỏ, nhất là những bạn khiếm thị để chia sẻ những niềm vui, giá trị mà cờ vua mang lại”.

Góp sức thay đổi diện mạo quê hương

Không chỉ năng nổ trong phong trào thanh niên, Bí thư Bí thư Đoàn xã Hồng Vân (huyện Thường Tín, Hà Nội) Đỗ Đình Toản còn rất nhạy bén trong nắm bắt cơ hội làm giàu trên quê hương. Hiện anh là chủ mô hình trồng hoa, cây cảnh với diện tích 2.000m2 mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào sự phát triển của địa phương.

Bí thư Đoàn xã Hồng Vân Đỗ Đình Toản (bên phải)
Bí thư Đoàn xã Hồng Vân Đỗ Đình Toản (bên phải)

Theo anh Toản, từ năm 2008 xã Hồng Vân đã có 2 làng được công nhận là làng nghề sinh vật cảnh với nhiều nghệ nhân giỏi, sáng tạo tác phẩm cây cảnh nghệ thuật nổi tiếng. Hồng Vân còn là nơi in đậm dấu ấn truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung và tín ngưỡng thờ Mẫu cùng nhiều di tích văn hóa, lịch sử. Xã có “Chợ Mới Ông Già” được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam tôn vinh là “Ngôi chợ lâu đời gắn liền với truyền thuyết về cha con Chử Đồng Tử vào thời Hùng Vương”.

Ngoài ra, Hồng Vân đã xây dựng dây chuyền sản xuất các loại trà thảo mộc có thương hiệu như: Trà chùm ngây, trà trâu cổ, trà kim ngân hoa. Đây là 3 sản phẩm được công nhận đạt OCOP 4 sao của thành phố cùng một số sản phẩm độc đáo, bảo đảm chất lượng khác.

Vì vậy, khi xây dựng Nông thôn mới, xã Hồng Vân đã được định hướng chuyển sang phát triển du lịch. Sau khi hoàn thành dồn điền đổi thửa, lãnh đạo địa phương định hướng để các hộ sản xuất chuyên canh hoa, cây cảnh, tạo vùng sinh thái.

“Từ chủ trương đó, tôi nhận thấy cơ hội vươn lên phát triển kinh tế trên quê hương nên quyết tâm thực hiện mô hình trồng hoa, cây cảnh, tạo ra nơi tham quan, mua sắm cho khách du lịch. Dù có nhiều lợi thế nhưng tôi cũng vấp phải không ít khó khăn”, anh Toản cho biết.

Trong đó, việc đầu tiên anh Toản làm là phải thuyết phục được sự đồng tình, ủng hộ của gia đình. Bên cạnh đó, nguồn vốn cũng là khó khăn không nhỏ với anh. Với tổng số tiền đầu tư gần 400 triệu đồng, anh Toản phải vay người thân, bạn bè, ngân hàng chính sách. May mắn, anh nhận được sự hỗ trợ từ các hội, đoàn thể tại địa phương.

Giải quyết được vấn đề vốn, anh Toản hăm hở bắt tay vào thực hiện mô hình. Tuy nhiên, chưa có kinh nghiệm nên các loại hoa, cây cảnh tại mô hình chất lượng chưa cao, mẫu mã không đa dạng. Vì vậy, anh tìm đến các mô hình, nghệ nhân trong xã để tham quan, học hỏi. Dần dần anh nâng cao kỹ thuật cũng như chất lượng, mẫu mã các loại hoa cây cảnh.

Hiện anh Toản sở hữu mô hình trồng hoa, cây cảnh với diện tích 2.000m2 mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào sự phát triển của địa phương. Mô hình tạo việc làm cho 3 lao động khác, đồng thời khẳng định vai trò, vị trí của thanh niên trong gia đình và xã hội.

Ngoài phát triển kinh tế, anh Toản dành nhiều tâm huyết cho công tác Đoàn và phong trào thanh niên của địa phương. Yêu thích các hoạt động tập thể nên anh sớm tham gia công tác Đoàn ở địa phương. Từ Bí thư chi đoàn, anh Toản được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đoàn Thanh niên xã.

Gắn bó với công tác Đoàn nhiều năm, anh Toản luôn trăn trở làm sao tổ chức được các hoạt động mang đến lợi ích thiết thực cho địa phương và thanh niên. Gắn với thế mạnh của xã anh cùng đoàn viên, thanh niên thực hiện nhiều công trình, phần việc như: “Hàng cây thanh niên” trồng 50 cây bằng lăng trên tuyến đường dài 300m. Đoàn xã cũng thực hiện “Tuyến đường thanh niên tự quản”, đoàn viên thường xuyên ra quân vệ sinh môi trường, duy tu tuyến đường hoa ban dài 500m. Những hoạt động này đã góp phần tạo cảnh quang môi trường “sáng - xanh - sạch - đẹp”, phục vụ phát triển du lịch tại địa phương.

Anh Toản cho biết: “Là thủ lĩnh thanh niên, tôi luôn ý thức việc nói đi đôi với làm. Chỉ khi tôi nói được, làm được mới tạo niềm tin trong thanh niên và họ mới làm theo”.

Phương Thanh
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động